Trúc Giang
(VNTB) – Ông nghị Nguyễn Sỹ Cương đã làm gì để bảo vệ những công dân bị nạn, làm rõ trách nhiệm về thảm hoạ Formosa, bảo vệ môi trường đang ngày càng bị nguy hại tại Việt Nam? Ít nhất tích cực như khi ông sốt sắng can thiệp vào công việc nhân sự của báo chí?
Ông nghị Nguyễn Sỹ Cương đã làm gì để bảo vệ những công dân bị nạn?
Cộng đồng mạng facebook hôm 21-12 đang dẫn hình ảnh một văn thư có nội dung ông Nguyễn Sỹ Cương, phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, yêu cầu ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông không phê chuẩn chức danh Tổng biên tập báo Lao Động đối với nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển, với lý do nhà báo này “thể hiện ý thức chính trị vô cùng kém cỏi”.
Ông Nguyễn Sỹ Cương nói rằng việc báo Lao Động từng có bài viết gọi không ít vị đại biểu dân cử “bịt khẩu trang, giả điên, giả ngu” nhân bàn về vụ Formosa gây thảm hoạ cá chết. Ông Cương nói rằng đây là “sự xúc phạm nghiêm trọng các Đại biểu Quốc hội, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.
Luật sư Trần Vũ Hải phản ứng mạnh trước nội dung văn thư này của ông phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội: “Thật nực cười cho một ông nghị Việt, không biết xấu hổ khi các đồng nghiệp nghị sỹ Đài Loan rất tích cực truy vấn tập đoàn Formosa về trách nhiệm của họ trong vụ thảm hoạ, và đến nay vẫn đang theo sát vụ này. Thậm chí có bà nghị Đài Loan, dù bị phía Việt Nam gây phiền hà, vẫn đến trực tiếp hiện trường quanh khu nhà máy của Formosa tại Hà Tĩnh, thị sát và lắng nghe ý kiến người dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chưa hết, gần đây Quốc hội Đài loan mở phiên điều trần, nghe trực tiếp đại diện nạn nhân của Formosa phát biểu.
Còn ông nghị Nguyễn Sỹ Cương đã làm gì để bảo vệ những công dân bị nạn, làm rõ trách nhiệm về thảm hoạ Formosa, bảo vệ môi trường đang ngày càng bị nguy hại tại Việt Nam? Ít nhất tích cực như khi ông sốt sắng can thiệp vào công việc nhân sự của báo chí?
Cá nhân người viết bài này nghĩ rằng với nội dung văn thư (nói trên) mà ông Nguyễn Sỹ Cương gửi với nhân danh là phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, cho thấy ông không “giả ngu, giả điên”, mà có lẽ là ông thật sự “ngớ ngẩn” trong việc đặt vấn đề “ý thức chính trị vô cùng kém cỏi” trong xét về thủ tục hành chánh cho bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập.
Có hai ý xin được cùng trao đổi với ông phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, Nguyễn Sỹ Cương.
Thứ nhất,căn cứ theo Luật Báo chí sửa đổi năm 1999, có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2016, thì Tổng biên tập có hai tư cách đại diện: Một là đại diện cho cơ quan chủ quản (cấp trên) lãnh đạo, quản lý điều hành tờ báo về tài sản, nhân sự, tài chính và nội dung tờ báo; Hai là đại diện lợi ích cho tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên trong cơ quan đối với cấp trên.
Điều 13 Luật Báo chí năm 1999 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú ở Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định. Người đứng đầu cơ quan báo chí lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, đảm bảo thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí”.
Nói một cách tổng quát, người đứng đầu cơ quan báo chí là người quyết định cuối cùng trên tất cả mọi phương diện, trong đó quan trọng nhất là việc quyết định xuất bản ấn phẩm báo chí.
Theo Điều 6, Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí thì Tổng biên tập phải có đủ các tiêu chuẩn sau: – Tốt nghiệp đại học; – Đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và chương trình quản lý nhà nước về báo chí; – Có trình độ lý luận chính trị cao cấp; – Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí ít nhất là 3 năm; – Có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực quản lí và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, được sự tín nhiệm của cán bộ, phóng viên, đảng viên trong cơ quan báo chí.
Báo Lao Động có cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Slogan đặt dưới tên báo Lao Động là “Lợi quyền của người lao động”. Như vậy, việc tờ báo này có một hay nhiều bài viết ghi nhận về thảm trạng do Formosa Hà Tĩnh gây ra, với liều lượng phản biện nặng nhẹ ra sao… đều nằm trong tôn chỉ “Lợi quyền của người lao động”. Một khi đã vì “lợi quyền của người lao động”, thì không thể nói đó là “ý thức chính trị vô cùng kém cỏi”.
Thứ hai, căn cứ theo Luật Báo chí năm 2016, hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, thì lý do “ý thức chính trị vô cùng kém cỏi” mà ông Nguyễn Sỹ Cương đưa ra sẽ là vi phạm vào Điều 23, Luật Báo chí năm 2016.
“Điều 23. Người đứng đầu cơ quan báo chí: 1. Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (đối với báo in, báo điện tử), là Tổng giám đốc hoặc giám đốc (đối với báo nói, báo hình).
2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí gồm: a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo không áp dụng tiêu chuẩn này; c) Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này; d) Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động”.
Tiêu chuẩn về chính trị của Tổng biên tập đã không còn là một quy định hành chánh bắt buộc.
Câu hỏi khác đặt ra: nếu ở nghị trường khi thảo luận về dự luật báo chí, ông phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội không “bịt khẩu trang”, thì ông đã làm gì mà giờ đây lại “hồn nhiên” khi chấp bút viết một văn thư đầy “lỗi hành chánh” đến như vậy?