Khánh An dịch
(VNTB) – Phong trào nghệ thuật thách thức chính phủ đã thu hút sự chú ý ở một quốc gia luôn kiểm soát chặt chẽ những chính kiến bất đồng
Tác giả: Santiago Pérez và José de Córdoba
Những người biểu tình đổ ra khắp đường phố ở Cuba đều có chung một khẩu hiệu: “Patria y Vida” hay “Tổ quốc và cuộc sống”. Cụm từ này xuất phát từ một bài hát hip-hop của các nghệ sĩ Cuba bất đồng chính kiến cách đây vài tháng. Các nghệ sĩ đã lên tiếng thách thức chính phủ — và trong quá trình đó đã giúp dấy lên làn sóng phản đối chế độ cộng sản 62 năm tuổi.
Trong các cuộc biểu tình bắt đầu vào Chủ nhật, người dân Cuba đã kêu gọi chấm dứt chế độ, phản đối tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm covid. Đặc biệt, đối với giới trẻ đang thất vọng ở Cuba, “Patria y Vida” đã trở thành một bài hát chính của các cuộc biểu tình và gây xúc động mãnh liệt với gần sáu triệu lượt xem trên YouTube.
Một phần của đoạn video được rapper Maykel Castillo và nghệ sĩ biểu diễn Luis Manuel Otero bí mật thu hình hồi tháng Hai. Hai nghệ sĩ đã cẩn thận tránh né lực lượng cảnh sát thường xuyên theo dõi họ. Họ gặp nhau trong một ngôi nhà bỏ hoang và câuđiện từ một đường dây bên ngoài để chạy thiết bị chiếu sáng. Từ Miami, siêu sao rapper Yotuel, người sáng lập nhóm nhạc Cuba Orishas, đã điều phối sản xuất, ghép hình ảnh do các rapper trên thu hình ở Havana và Miami.
Nhóm của hai nghệ sĩ Castillo và Otero, được gọi là Phong trào San Isidro, đã mang lại sức sống mới cho các nhóm bất đồng chính kiến rải rác Cuba thông qua âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn đường phố. Họ đã thành công vượt bậc trong việc thu hút sự chú ý đến các quyền công dân ở một quốc gia lâu nay luôn kiểm soát chặt chẽ tình trạng bất đồng chính kiến. Và họ đã đặc biệt sử dụng mạng xã hội, chỉ mới xuất hiện ở Cuba gần đây, để tiếp cận nhiều khán giả trong nước và quốc tế.
Tháng 11 vừa qua, phong trào này đã truyền cảm hứng cho cuộc biểu tình ôn hòa lớn nhất trong sáu thập niên cộng sản cai trị Cuba — tạo chất xúc tác cho tình trạng bất ổn hiện tại. Cuộc biểu tình xuất phát từ một cuộc vây bắt của chính phủ vào căn hộ đổ nát của ông Otero, nơi được dùng làm trụ sở của phong trào. Chính phủ hứa hẹn tổ chức đối thoại về quyền tự do ngôn luận với những người biểu tình và sau đó phản ứng ngược lại khiến cho bất bình ngày càng gia tăng.
“Phong trào San Isidro đã phá vỡ rào cản giữa nghệ thuật với hành động dân sự và chính trị, đồng thời liên kết quyền tự do biểu đạt trong nghệ thuật với quyền tự do dân sự cho dân chúng nói chung,” Coco Fusco, một nghệ sĩ và giáo sư tại Cooper Union ở New York cho biết. “Họ đã làm điều này tại thời điểm người dân ngày càng thất vọng.”
Ông Castillo bị giam giữ từ tháng 5 vì tội khinh thường quan chức và gây rối trật tự công cộng. Ông Otero đã lên mạng xã hội vào Chủ nhật để kêu gọi những người khác cùng tham gia biểu tình ở Havana, đã bị bắt vào cuối ngày hôm đó. Ít nhất 100 người đã bị chính phủ Cuba bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Chính phủ đã cắt hầu hết các liên lạc với thế giới bên ngoài khi tiến hành đàn áp.
Cuba đã cấm phất bản nhạc “Patria y Vida” dưới mọi hình thức. Lời bài hát đáp lại khẩu hiệu cách mạng Cuba “Patria o Muerte” hoặc “Tổ quốc hay là chết”, với lời bài hát như: “Không còn dối trá nữa! Người dân của tôi đòi hỏi tự do. Không còn học thuyết nào nữa! / Đừng hô ‘Tổ quốc hay là chết’ nữa mà hô ‘Tổ quốc và cuộc sống.’”
Theo Human Rights Watch, có người bị bắt gặp đang nghe bài hát đã bị phạt số tiền tương đương một tháng lương. Người khác đã bị bắt. Chính phủ đã huy động nhạc sĩ riêng và phát hành một cặp bài hát đáp trả bao là bản “Patria o Muerte por la Vida” hay “Tổ quốc hay cái chết cho sự sống”. Bài háy này có chưa được một triệu lượt xem trên YouTube.
Tháng trước, Amaury Pacheco, một nhà thơ 51 tuổi, được các thành viên của San Isidro coi là cha đẻ của phong trào, cho biết: “Chúng tôi là tiếng kêu của một cộng đồng. Ông Pacheco cũng bị bắt khi đang có biểu tình.
Chính phủ Cuba đã không trả lời yêu cầu bình luận. Chủ tịch Miguel Díaz-Canel đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đã gây ra biểu tình. Trong nhiều năm qua, chính phủ gọi những người bất đồng chính kiến là đặc vụ của chính phủ Hoa Kỳ.
Cuba = hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Năm ngoái, nền kinh tế Cuba suy giảm 11% do đồng minh giàu dầu mỏ là Venezuela giảm hỗ trợ, ngành du lịch bị sụp đổ vì đại dịch, các lệnh trừng phạt thương mại của chính quyền Trump và tình trạng kinh tế kém hiệu quả kinh niên.
Ngay sau khi bản “Patria y Vida” được phát hành, tờ báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba cho biết, “Tác phẩm nghệ thuật này đặc mùi thuốc súng. Bài hát muốn phá vỡ chủ quyền quốc gia, một ví dụ nghiêm trọng nhất về sự can thiệp chính trị”.
Phong trào San Isidro khởi đầu từ năm 2018, khi Cuba ban hành các quy tắc mới để xác định ai là nghệ sĩ và nghệ thuật là gì. Những quy định đó, được gọi là Nghị định 349 khiến việc bán tác phẩm hoặc biểu diễn các nghệ sĩ không được chính phủ chấp thuận thành bất hợp pháp. Đó là lệnh hành pháp đầu tiên được ông Díaz-Canel ký. Díaz-Canel là người thay thế Raúl Castro, em trai của Fidel.
Việc sử dụng truyền thông xã hội cũng bùng nổ sau khi kết nối internet với điện thoại di động của Cuba được đưa vào sử dụng vào năm 2018.
Các nghệ sĩ Castillo, Otero và khoảng 20 người khác đã thành lập Phong trào San Isidro để thách thức chính phủ bằng cách đưa nghệ thuật từ các phòng trưng bày và studio âm nhạc ra đường phố, biểu diễn công khai và tổ chức các cuộc triển lãm độc lập. Cái tên này xuất phát từ khu phố nơi Castillo và Otero sống ở Khu phố Cổ Havana.
Ông Castillo, nổi tiếng ở Cuba nhờ những ca từ rõ ràng chống chế độ, là một trong những nghệ sĩ đầu tiên vi phạm luật mới. Ông Castillo bị bắt ba ngày sau khi biểu diễn tại một buổi hòa nhạc. Tại buổi hoà nhạc ông đã chỉ trích sắc lệnh trên và phải ngồi tù 18 tháng.
Trong cuộc biểu tình vào tháng 11 năm ngoái, khoảng 600 người biểu tình đã tụ tập trước trụ sở Bộ Văn hóa sau khi có tin cảnh sát đã bắt giữ Otero, Castillo và các thành viên khác trong nhóm tuyệt thực để ủng hộ một nghệ sĩ rap khác đang bị giam giữ.
Họ hát quốc ca Cuba và ngâm thơ trong nhiều giờ. Quan chức Bộ Văn hóa cuối cùng đã gặp gỡ người biểu tình và đồng ý đối thoại về quyền tự do ngôn luận và quyền công dân.
Nguồn: WSJ