Việt Nam Thời Báo

VNTB- Petrotimes phỏng vấn Nguyễn Tường Thụy, Lê Đăng Doanh trả lời Việt Tân: Chuyện gì đang xảy ra?

Phạm Chí Dũng – VNTB 

tu su cua vai nguoi tu ung cu dai bieu quoc hoi

Một hiện tượng lạ lùng đang diễn ra không chỉ trên mặt truyền thông mà cả trong đời sống chính trị:

Chỉ vài ngày trước khi vòng “hiệp thương tổ dân phố” diễn ra, Petrotimes – một tờ báo được xem là “tiếng nói của ngành công an”, nhưng bị coi là sắt máu khi đã tung ra nhiều bài đả kích và mạt sát giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, bất ngờ đăng tải bài phỏng vấn những nhân vật độc lập tự ứng cử đại biểu quốc hội như Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Hà, Đặng Bích Phượng. Đây đều là những người mà từ lâu bị chính quyền xem là “bất đồng chính kiến”. Riêng ông Nguyễn Tường Thụy còn là Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt nam.

Cùng thời điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – một chuyên gia gần gũi với giới đảng và chính phủ, lần đầu tiên trả lời phỏng vấn đài Chân Trời Mới thuộc đảng Việt Tân về những vấn đề kinh tế. Từ rất nhiều năm qua, Việt Tân luôn bị chính thể Việt Nam coi là kẻ tử thù.

Điều gì đang xảy ra? Một tín hiệu về “hòa hợp hòa giải” chăng?

Lại nhớ vào tháng 2/2016, ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – đã trở thành nhân vật cao cấp đầu tiên của đảng Cộng sản trả lời phỏng vấn RFA – một tổ chức truyền thông vốn bị chính quyền Việt Nam xem là “đài địch” – về những vấn đề khá nhạy cảm chính trị như “tam quyền phân lập” và tự ứng cử.

———————-

Tự sự của vài người tự ứng cử đại biểu Quốc hội


(PetroTimes) – Số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tăng hơn kỳ trước thể hiện sự tiến bộ về dân chủ, trong đó nổi bật về số lượng người tự ứng cử là 2 địa phương Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Xung quanh câu chuyện này, Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với một số ứng cử viên tự ứng cử trên địa bàn Hà Nội. Và qua những điều họ giãi bày, bạn đọc có thể tự đánh giá.

Thừa sức làm đại biểu Quốc hội?
Là một trong 48 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội của Thủ đô, bà Đặng Bích Phượng (56 tuổi, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, đại biểu Quốc hội hiện nay quá xa dân.
tu su cua vai nguoi tu ung cu dai bieu quoc hoi
Bà Đặng Bích Phượng.
Nói về lý do tự ứng cử đại biểu Quốc hội, bà Phượng cho rằng: “Trước hết là tôi thực hiện quyền công dân của mình. Thứ hai là từ trước đến nay tôi thấy sự thụ động của người dân rất lớn, lúc nào cũng nói có Đảng và Nhà nước lo. Tôi muốn thay đổi quan niệm này. Thứ ba là sự gắn kết giữa người dân và Quốc hội còn rất xa. Nhiều người nói với tôi rằng, họ chưa nhìn thấy ông đại biểu Quốc hội bằng xương bằng thịt. Nếu thế thì đại biểu Quốc hội làm sao nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân”.
Cũng theo bà Phượng, bản thân bà để gặp được một đại biểu Quốc hội cũng không biết làm thế nào. Điều bà cần với tư cách một công dân là chỉ cần đại biểu Quốc hội thực hiện đúng vai trò giám sát của Quốc hội chứ chưa yêu cầu một điều gì lớn lao.
“Nếu tôi trúng cử vào được Quốc hội thì điều tôi sẽ làm là mình phải gần dân hơn. Bất cứ làm một cái gì cũng phải có tâm huyết và trách nhiệm, nên khi tôi tham gia ứng cử thì cũng có mong ước của riêng mình. Hiện nay, cuộc sống của người dân có nhiều bức xúc, họ muốn gửi đến tiếng nói của mình. Như bản thân tôi cũng nhiều bức xúc mà suốt nhiều năm liền chưa được bày tỏ.
Tôi muốn vào Quốc hội để đóng góp nhiều hơn. Nếu được làm đại biểu Quốc hội tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội là sửa đổi Luật Đất đai. Mà cái Luật Đất đai đó là nguyên nhân rất lớn gây vấn nạn trong xã hội. Việc tham nhũng đất đai và khiếu kiện đất đai là lớn nhất. Nên sửa đổi Luật Đất đai là chúng ta giải quyết từ gốc” – bà Phượng nói.
Bà Phượng cho biết thêm: “Trước đây tôi công tác ở Bộ Giao thông Vận tải và hiện đã nghỉ hưu. Xác định ứng cử là tôi cũng phải tự tin về năng lực của mình. Tôi học về Thống kê xây dựng cơ bản, cũng đã có kinh nghiệm khi 18 năm làm tại ban quản lý dự án, trong đó 8 năm làm công tác giải phóng mặt bằng. Tôi biết việc một ứng cử viên tự do, mà không nằm trong cơ quan quản lý nào thì khó có cơ hội, hoặc không có cơ hội để vào Quốc hội. Tuy nhiên, một cá nhân đại biểu không thể giải quyết được tất cả các vấn đề mà chỉ đứng trong vài trò giám sát ở trong một lĩnh vực nào đó thôi. Vì thế tôi nghĩ rằng, so với các đại biểu Quốc hội như hiện tại thì tôi thừa sức làm được”.
Trả lời câu hỏi về việc, nếu được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, bà sẽ làm gì? Bà Phượng cho biết: Nếu được làm đại biểu Quốc hội, bà sẽ đi tiếp xúc cử chi. Sau đó, nếu nằm trong lĩnh vực của bà thì không cần bàn, còn không sẽ nhờ các cơ quan liên quan giải quyết.
“Tôi theo dõi nhiều đại biểu Quốc hội nói ở cuộc họp thì rất hay, nhưng hầu như là chả có giải quyết gì cả. Đơn cử đầu tuần anh giao ban, thì cuối tuần anh phải báo cáo. Thế nhưng ở Quốc hội thì có những vấn đề cứ tồn tại hết từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác mà không được giải quyết. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi phải chất vấn tại sao không giải quyết được, nếu vướng đâu thì ta phải tháo gỡ ở đó. Ta không thể đổ tại đó là cơ chế, cơ chế là con người làm ra. Vậy nên cái cần thay đổi là con người” – bà Phượng nhấn mạnh.
Mơ ước làm Bộ trưởng?
Là một trong số ít phụ nữ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, chị Lương Thị Phương Thảo (34 tuổi, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị là Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng, từng công tác tại một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Hiện chị và gia đình đều không đi làm.
Nói về Quốc hội, chị Thảo nhận định, đây là ngày hội của cả nước, là nơi mọi người tập trung lại để có ý tưởng, sáng kiến để đưa đất nước tốt hơn. Với mong muốn giúp đỡ, giúp chút sức của mình để giúp đỡ người khác.
“Hôm đi nộp hồ sơ tự ứng cử, mình có gặp một bạn sinh viên còn rất trẻ cũng đi nộp hồ sơ. Mình nghĩ bạn ấy là sinh viên nhưng cũng có mong muốn mang kiến thức giúp đỡ đất nước. Mình nghĩ với kiến thức đã có của mình, có thể giúp được tốt như bạn ấy hoặc tốt hơn một chút” – chị Thảo nói.
tu su cua vai nguoi tu ung cu dai bieu quoc hoi
Chị Lương Thị Phương Thảo cùng con trai.
Trả lời câu hỏi về việc, nếu được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, chị sẽ làm gì? Chị Thảo nói: “Mình sẽ cố hết sức mình để giúp được mọi người trở nên hạnh phúc hơn. Nếu muốn sống hạnh phúc thì mọi cái phải tốt, nhưng có thể là cũng tự cảm thấy hạnh phúc trước vì khi mình được sinh ra thì đã phải chiến đấu với lại bao nhiêu ông khác để đến được cái đích để là mình bây giờ. Nhưng nhiều người không nghĩ được điều đó, nhiều người bây giờ rất đầy đủ nhưng tinh thần lại không bằng những người thiếu thốn. Như Nick Vujicic thân thể thiếu thốn nhưng tư duy lại rất đầy đủ.
“Tôi từng mơ ước được làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục để cho môn võ vào từ cấp tiểu học. Như vậy, phái yếu không còn yếu nữa. Khi các em học sinh lớn lên sẽ cho học nhiều môn như trong quân đội để luyện ý chí, để nước ta có bao nhiêu thanh niên thì bằng đấy người đều là quân nhân. Khi cần thiết thì đã có một lực lượng rất tốt rồi” – chị Thảo nói.
Cử nhân Luật dùng mạng xã hội vận động tranh cử
Là một cử nhân Luật trẻ tuổi, Nguyễn Đình Hà (27 tuổi, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, bản thân chủ yếu hoạt động xã hội là chính và có cộng tác với một số báo nước ngoài.
“Tôi là một cử nhân Luật, được đào tạo để trở thành một luật sư. Bởi vậy, tôi hiểu rất rõ về Quốc hội, quy trình ứng cử và tất cả mọi quy định liên quan đến bầu cử. Về khía cạnh thực tế, tôi nắm rất sát những hoạt động của Quốc hội. Để nói về khả năng trúng cử, tôi chưa dám chắc và khẳng định điều gì, bởi còn phụ thuộc nhiều vào ý kiến của cử tri nơi cư trú, rồi thông qua khâu hiệp thương, sau đó mới là bầu cử” – anh Hà nói.
Cũng theo anh Hà, đến thời điểm này, tôi vẫn thông qua mạng xã hội và một số cuộc phỏng vấn để thực hiện công tác vận động các cử tri bầu cử cho mình. Nếu tôi trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ dùng kiến thức, hiểu biết của mình để đóng góp vào bộ máy Quốc hội trong Lập pháp, Hiến pháp… đưa ra những quyết sách lớn đối với đất nước.
Từng tham gia các hoạt động biểu tình
Theo ông Nguyễn Tường Thụy (65 tuổi, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội), năm 18 tuổi ông đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, ông về làm kinh doanh, buôn bán. Người đàn ông này từng học Đại học Kinh tế Quốc dân và có 3 năm làm biên tập cho Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo ông Thụy, việc ông tự ứng cử được hàng xóm ủng hộ, bởi ông hay giúp đỡ họ về luật pháp.
tu su cua vai nguoi tu ung cu dai bieu quoc hoi
Ông Nguyễn Tường Thụy.
Trả lời câu hỏi về việc, nếu được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, ông sẽ làm gì? Ông Thụy cho biết: “Đại biểu là của dân, thì trước hết tôi muốn nói với cử tri là tôi vì họ, vì quyền lợi của họ. Nó phù hợp với pháp luật, phù hợp với lợi ích chung xã hội. Trước đây tôi cũng hoạt động viết lách, tôi viết bài phản biện chứ không viết bài ca ngợi, vì viết bài ca ngợi thì nó quá nhiều rồi. Tôi tham gia một số hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, đi đến với dân oan bị mất đất, mất nhà, đến xem và bênh vực họ, hướng dẫn cho họ biết về pháp luật, để họ tự đứng lên bảo vệ quyền lợi cho mình.
Tôi cũng quan tâm đến rất nhiều vấn đề khác, ví dụ như vấn đề kinh tế hiện nay nó đang bê bét ở tất cả các mặt, tôi rất trăn trở với nó. Nền kinh tế chúng ta rất yếu, nợ công nhiều, chuyện tham nhũng, bè phái, biển đảo tôi cũng quan tâm. Nền chính trị đa nguyên tôi cũng vậy, chất lượng chất vấn, phản biện, giám sát rất là kém, có những đại biểu cả khóa chả có phát biểu nào, chỉ biết bấm nút cho thông qua hay không qua, những vị đó nên cho nghỉ. Tôi muốn mình sẽ tạo ra một sự đột biến, một sự đột phá về chất vấn và giám sát”.
Nói về quá trình làm hồ sơ tự ứng cử, ông Thụy cho biết: “Trong quá trình làm lý lịch cũng gặp vướng mắc như khi làm lý lịch thì địa phương có những nhận xét không tốt về tiểu sử của tôi như không vào đảng, không tham gia tổ chức nào, bị Công an cảnh cáo vì không ủng hộ chủ chương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước nhưng họ không có bằng chứng, nhận xét như vậy là trái luật. Tôi đi lại cũng nhiều để xin lý lịch thậm chí cả vợ tôi cũng phải đến đợi để nhận hồ sơ, tôi cũng có đơn lên các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc thành phố với những nhận xét vô lý về tôi”.
“Trình độ chính trị của tôi cao lắm”?
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoài Nam (55 tuổi, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội). Theo ông Nam, Quốc hội là một khái niệm đơn giản, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thành phần của là các đại biểu Quốc hội ưu tú.
tu su cua vai nguoi tu ung cu dai bieu quoc hoi
Ông Nguyễn Hoài Nam.
“Trình độ chính trị của tôi thì cao lắm, nó không có chứng chỉ, tín chỉ để xác nhận đâu. Anh nhìn kìa, ảnh bố tôi là đảng viên từ năm 1945, khi mà tôi tượng hình (đang mang thai) là đã mang trong mình dòng máu của đảng. Tôi không phải là đảng viên, nhưng dòng máu chảy trong tôi là dòng máu của đảng” – ông Nam nói.
Trả lời câu hỏi về việc, nếu được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, ông sẽ làm gì? Ông Nam cho hay: “Tôi phải phản ánh, phải mang đến Quốc hội cái nguyện vọng của những người đi bầu ra tôi. Tôi là đại biểu của họ và tôi mang tâm tư, mong muốn chính đáng của họ để phản ánh lên trên, đấy là cái trách nhiệm của mỗi một đại biểu Quốc hội. Những vấn đề cần giải quyết thì nhiều lắm, mỗi ông có một cái mạnh. Tôi là thảo dân, lao động tự do, tôi thấy cái gì nó “hót”, mà cái gì chả “hót”, cái “hót” nhiều tôi nói trước cái “hót” ít tôi nói sau. Điều quan trọng không phải là phản ánh mà quan trọng nhất là ông có trí thức, ông có thể tìm tòi ra các giải pháp. Bây giờ vấn đề trật tự xã hội, vấn đề tham nhũng, tôi tin không có giải pháp tổng thể đâu, trong một năm hai năm không thể giải quyết ngay được đâu mà nó phải từ từ. Giải quyết từng bước, từng bước một”.

————————–


Chân trời mới

TS Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành.

Lời giới thiệu : Kinh tế Việt Nam đang trải qua những khó khăn rất gay gắt, nợ công, nợ xấu đã ở mức báo động. Ngân sach thu không đủ chi. Năng lực cạnh tranh yếu kém. Trong khi đó tình trạng tham nhũng, lãng phí hầu như không kiểm soát nổi.

Từ Hà Nội, TS Lê Đăng Doanh khẳng định muốn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam phải cải cách thể chế.

Cuộc phỏng vấn do nhà báo Trần Quang Thành thực hiện.

Nội dung như sau


Trần Quang Thành: Xin chào Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Lê Đăng Doanh: Xin chào anh Trần Quang Thành

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh, Trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong dư luận xã hội đang rộ lên nỗi lo ngại là nợ công, nợ xấu ngày càng vượt trần quá mức qui định. TS Lê Đăng Doanh bình luận vấn đề này như thế nào?

LĐD: Trong kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong kỳ họp của Quốc hội, Bộ trường Tài chính có trình bày báo cáo về tình hình ngân sách nhà nước và tình hình nợ công. Trong đó chính bản thân Bộ trưởng Tài chính đã nói là ngân sách nhà nước đâng leo dây. Nếu dây mà đứt thì rất khó khăn. Chủ tịch Quốc hội cũng đã dùng những ngôn từ rất gay gắt và xã hội thật sư lo lắng về tình hình bội chi ngân sách và vấn đề nợ công.

Bộ trưởng Tài chính đã nói rõ là thu ngân sách không đủ để chi thường xuyên và trả nợ công. Vì vậy để trả nợ cũ bằng cách vay nợ mới để trả thì số nợ ngày càng tăng lên, chứ không phải là giảm đi. Bởi vì phải vay thêm nợ để trả phần nợ trước, rồi lại phải vay tiếp. Đấy là một tình hình rất đáng lo ngại.

Thêm phần nữa dư luận hết sức lo ngại là nợ của chính phủ đã vượt qua ngưỡng an toàn. Tức là vượt qua ngưỡng 50% GDP như Quốc hội đã qui định. Bây giờ nó lên đến mức 50,30%. Ngoài ra mức chi thường xuyên của Việt Nam quá cao. Quốc hội cũng đã chỉ ra lý do là bộ máy quá cồng kềnh; chi tiêu quá lãng phí trong đó có chi thường xuyên mà các đạị biểu Quốc hội đã chỉ ra như là đi nước ngoài quá nhiều. Năm 2015 đi hơn 2.200 đoàn và hiệu quả như thế nào thì không rõ. Đặc biệt hiệu qủa về đầu tư công thấp. Có hiện tượng chỉ số ICEOR – chỉ số vồn cần thiết phải đầu tư để tạo ra mức tăng trưởng GDP mới thì ngày càng tăng lên – Trong hi đó chỉ số TSP – tức là chỉ số về năng suất lao động thì ngày càng giảm đi – Như vậy chúng ta đang phải đầu tư ngày càng nhiều tiền hơn mới tạo ra tổng sản lượng quốc nội mới; trong khi đó năng xuất lao động của chúng ta ngày càng giảm đi. Vì vậy những vấn đề về kinh tế, về tài chính thật sự đáng báo động. Cần phải có sự phân tích, phải có sự đánh giá tổng thể và phải có những biển pháp cải cách kịp thời trước khi tình hình trở nên quá muộn.

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh, Trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2016. Và cũng là phiên họp kết thúc nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng lại đánh giá khác. Ông nói tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua rất là lạc quan, tiến triển rất là tốt đẹp. Vậy sự đánh giá giữa Quốc hội và Chính phủ có gì khác biệt . Ngay kể cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới rồi phát biểu cũng tỏ rất lo ngại về tình hình kinh tế hiện nay. Những sự đánh giá như vậy có điều gì để chúng ta đáng suy nghĩ không ạ?

LĐD: Rõ ràng tình hình kinh tế rất là khó khăn. Tình hình kinh tế của quí I năm nay đã xấu đi một cách rất rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng GDP của quí I thấp hơn quí I năm 2015. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là -0,3%. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp cũng chỉ khoảng 6%. Tức là thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trước đây là 8%. Vì vậy triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ là khó khăn. Chỉ số lạm phát quí 1 tăng vọt lên và lên đến mức 1,52%. Với triển vọng khô hạn sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long lại giảm sút có khả năng làm cho giá gạo tăng lên. Năm nay giá dầu khó có khả năng giảm thấp. Năm 2015 Việt Nam đã được lợi về việc giảm giá dầu cho nên lạm phát thấp và những sản phẩm Việt Nam nhập từ nước ngoài như phân bón, xăng dầu, chất dẻo đều có giá thấp vi vậy Việt Nam hưởng lợi. Năm nay yếu tố đó không có cho nên Việt Nam năm 2016 có rất nhiều khó khăn đòi hỏi phải có sự cải cách và có quyết tâm rất lớn để bảo đảm được mức độ tăng trưởng; để bảo đảm được công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2016 này.

TQT: TS Lê Đăng Doanh có bình luận gì về dư luận báo chí nói đến Ngân Hàng Thế Giới có khả năng cắt vốn viện trợ ODA cho Việt Nam trong năm 2017 và nhiều nước cũng đã bắt đầu thông báo từ giảm dần đến cắt bỏ viện trợ ODA cho Việt Nam?

LĐD: Việt Nam đã gia nhập khối các nước có thu nhập trung bình thấp và GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 đã đạt 2.109USD/người. Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm sút, nguồn vốn ODA của các nước bị phân tán. Có những nước đã đề nghị họ phải  tính vào nguồn ODA của họ khoản chi cho người tị nạn đến nước họ. Như vậy tức là nguồn tổng ODA sẽ giảm sút cho nên cách có thể tham gia vào nguồn vốn ODA sẽ trở nên rất là khó khăn. Ví dụ như các nước cam kết sẵn sàng cung cấp vốn ODA cho các dự án vê khắc phục biến đổi khí hậu, về khô hạn, nước biển dâng cao vv… Nhưng mà để tham gia vào những dự án đó phải tự xây dựng lại, phải tự thành lập ban điều hành dự án và phải ứng một phần vốn từ ngân sách nước mình. Hiện nay không còn có khả năng tự vẽ ra một dự án rồi các nước sẽ có thể cấp vốn.

Trong tình hình ngân sách Việt Nam khó khăn như thế này thì khả năng Việt Nam thu hút được nguồn vốn ODA bằng cách tự ứng vốn trước và vận hành một cách có hiệu quả khả năng cạnh tranh các dự án của các nước khác là hết sức khó khăn.

Vì vậy cho nên hoàn toàn có lý khi sắp tới đây nguồn vốn ODA có thể dự báo sẽ giảm sút. Ngân Hàng Thế Giới cũng đã báo là họ sẽ phải giảm đi các nguồn vay ưu đãi và nếu Việt Nam vay thì sẽ phải chịu một cái lãi suất cao hơn có thể là gấp đôi trước đây và thời gian ân hạn tức là thời gian Việt Nam được hưởng không phải trả lãi sẽ rút ngắn lại. Có nghĩa là Việt Nam sẽ phải thực hiện các dự án đó một cách có hiệu quả hơn rất nhiều để có thể sử dụng nguồn vốn ODA này một cách hợp lý. Cho đến nay Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA này không có hiệu quả. Rất nhiều dự án kéo dài và việc vay vốn xây dựng bị đẩy lên cao rất nhiều. Điển hình như dự án đường sắt trên cao ở thủ đô Hà Nội đã kéo dài quá nhiều và lượng vốn đã nâng cao lên hơn gấp đôi. Đây không phải là một trong những trường hợp cá biệt mà còn rất nhiều ví dụ khác có thể nêu lên.

TQT: Theo TS Lê Đăng Doang muốn vượt qua những trở ngại, những khó khăn kinh tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay thì điều kiện trược tiên phải là gì ?

LĐD: Việt Nam đã cam kết tham gia vào các hiệp định thương mại  tự do trên thế giới một cách rất sâu rộng. Việt Nam sẽ phải cải cách rất mạnh thể chế để có thể được hưởng những ưu đãi của các hiệp định thương mại đó.

Ví dụ Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2014 đã có mục phải giảm thông quan qua cảng Việt Nam xuống 12 ngày. Nghị quyết của Chính phủ 12/3/2015 qui định thời thông quan xuống còn 10 ngày. Thế nhưng Hiệp định TPP đã yêu cầu đến năm 2018 thời hạn thông quan phải là 48 giờ. Việc giảm từ 10 ngày xuống 48 giờ là một sự nhảy vọt đòi hỏi phải có sự cải cách, phải có sự đào tạo nhân lực, phải có sự điều hòa giữa các cơ quan hết sức có hiệu quả thì mới có thể thực hiện được.. Nếu không thưc hiện được cái này thì Việt Nam sẽ không được hưởng lợi các ưu đãi của thương mại tự do thế giới. Tôi nghĩ việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đó và việc cam kết cải cách thể chế là một hướng đúng đắn mà Việt Nam phải có quyết tâm thực hiện để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để được hưởng lợi trên các hiệp định thương mại tự do đó.

TQT: Xin cảm ơn TS Lê Đăng Doanh.

(CTM)

————————-

Việt Nam, phải dân chủ là điều tất yếu

Kính Hòa, phóng viên RFA

2016-02-18


Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản Việt Nam khóa 11, là người có nhiều phát biểu trước và sau đại hội đảng lần thứ 12 vừa qua về những cải cách và kiểm soát tham nhũng ở Việt nam. Qua Email, ông trả lời Kính Hòa của đài Á châu tự do về một số vấn đề liên quan đến kiểm soát quyền lực và bầu của Quốc hội tới đây.
Kính Hòa: Vấn đề nhân sự vừa rồi được tuyên bố hoặc là đề cập một cách chính thức sớm hơn nhiều so với những lần trước. Liệu sắp tới đây đảng cũng có thể công khai chuyện nhân sự từ những hội nghị Trung ương trước Đại hội Đảng?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cho rằng, tới đây, đảng hoàn toàn có thể và nên công khai chuyện nhân sự từ những hội nghị Trung ương trước đại hội, giống như đã làm trong dịp đại hội lần thứ 12 vừa rồi.
Kính Hòa: Sắp tới đây có tăng cường sự tham gia của người dân vào lĩnh vực truyền thông hay không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ chắc chắn có tăng cường. Rất cần thiết như vậy.
Kính Hòa: Đảng đã đề cập rất nhiều đến chuyện kiểm soát quyền lực, một Bộ trưởng đề cập thẳng ở đại hội chuyện độc lập giữa ba nhánh chính của nhà nước. Vậy cụ thể sẽ có gì mới trong việc kiểm soát quyền lực sắp tới?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Kiểm soát quyền lực là việc nhất thiết phải làm. Đại hội 12 vừa rồi đã khẳng định như vậy. Trong đó, theo tôi nghĩ, cần thiết và quan trong hàng đầu là việc phân quyền giữa 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cho hợp lý nhằm bảo đảm độc lập tương đối và thực hiện kiểm soát quyền lực lẫn nhau để hạn chế tối đa các sai sót hoặc sớm phát hiện và sớm điều chỉnh khi có sai, bảo đảm xử dụng quyền lực đúng quyền hạn và đúng mục đích, không lạm quyền, không lộng quyền, không để tha hóa quyền lực. Ngoài ra, sẽ còn những quy định khác nữa – Tôi nghĩ vậy.
Kính Hòa: Một nhân sĩ thường phản biện các chính sách ở Hà Nội là Tiến sĩ Quang A ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội cho khóa tới. Liệu những người như ông A sẽ có may mắn hơn trong kỳ bầu cử khóa tới so với những người ra ứng của tự do các khóa trước không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi chưa biết sẽ có những ai. Nhưng tôi nghĩ, nếu có những người ứng cử tự do là đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới đây thì đó là việc rất bình thường, xét theo nghĩa nào đó là tốt. Việt Nam đã có những tiến bộ về dân chủ, và sẽ ngày càng tiến bộ hơn nữa, cần phải vậy, tất yếu phải vậy! Còn đối với các ứng cử viên, dù tự ứng cử hay có một tổ chức giới thiệu, thì về cơ hội tôi nghĩ là như nhau.





Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo