VNTB – Phải giữ án tử hình để còn… mặc cả tạo nguồn thu

VNTB – Phải giữ án tử hình để còn… mặc cả tạo nguồn thu

Ngọc Linh Lan

(VNTB) –  Việc hăm he tuyên án tử hình ở Việt Nam trong các vụ tham nhũng, cần phải gìn giữ vì tạo nguồn thu cho ngân sách.

 

Bạn đọc viết

Thời sự về oan án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng hiện nay đưa dẫn đến việc kêu gọi Việt Nam nên chấm dứt duy trì án tử hình.

Cá nhân tôi đồng ý với đề nghị trên, vì ở Việt Nam án oan đến mức tử hình hiện tại có thể đếm gần hết hai bàn tay: Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Đặng Thị Nga, Nguyễn Minh Hùng, Trần Trung Thám, Võ Tê, Trần Văn Thêm, Bùi Minh Hải… Đây là những người mà “phút cuối”, bản án thay đổi nhờ vào tội phạm gây án đến đầu thú nên oan án mới tạm khép.

Thế nhưng với những bản án liên quan tham nhũng, tôi cho rằng cần giữ lại vì nó mang lại nguồn thu ngân sách khá lớn.

Bản án tuyên “chuyến bay giải cứu” vừa qua là một dẫn chứng cho việc dễ dàng tạo nguồn thu lên đến cả trăm tỷ bạc chỉ trong một phiên tòa hình sự cấp sơ thẩm.

Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu thoát án tử hình, bởi đến “giờ chót” nộp gần hết số tiền hưởng lợi.

Trước khi nhận mức án trên, Kiên bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tử hình về tội “Nhận hối lộ”. Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền là hơn 42,6 tỷ đồng.

Khi vụ án bị khởi tố, bị cáo Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Đến thời điểm Viện Kiểm sát luận tội đề nghị mức án tử hình với Kiên về tội “Nhận hối lộ”, bị cáo đã “tác động gia đình” nộp tiếp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, lần đối đáp với các luật sư, bị cáo, Viện Kiểm sát vẫn giữ quan điểm truy tố, đề nghị mức án trên với Kiên.

Đến ngày 18-7, sau một tuần xét xử, vợ của bị cáo Kiên đã tiếp tục đi nộp 8 tỷ đồng gọi là “khắc phục” cho chồng. Theo đó, tổng cộng Kiên đã “khắc phục” hơn 35 tỷ đồng (cả tiền trả cho các doanh nghiệp đưa hối lộ).

Đến ngày 24-7, toà đã nhận được biên lai thể hiện gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 7 tỷ đồng, khắc phục hậu quả.

Cũng chính việc nộp tiền trên đã “giúp” Kiên thoát án tử.

Việc nộp tiền khắc phục được toà ghi nhận, nêu trong bản án sơ thẩm rằng: Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn, tác động gia đình khắc phục trên 42 tỷ đồng…

Tiền lệ nộp tiền thoát án tử từng diễn ra ở tòa Hà Nội.

Tháng 12-2019, Viện kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Bắc Son có vai trò quyết định, đứng đầu trong việc thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, vì mục đích tư lợi đã nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ nên đề nghị mức án tử hình.

Tại phiên tòa ngày 21-12-2019, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, hội đồng xét xử có nhận được thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son, trong thư cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, gia đình ông đã khắc phục được 12,5 tỷ đồng, còn 55 tỷ đồng. Số tiền còn lại, bị cáo Son cam kết sẽ tiếp tục động viên gia đình khắc phục trước ngày 26-12. Trước mắt là đưa căn nhà của bị cáo tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào làm tài sản đảm bảo thi hành án.

Tiếp đó, tại phiên tòa ngày 23-12, thẩm phán Trương Việt Toàn thông tin, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỷ đồng.

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết thêm, gia đình bị cáo Son có nộp một số chứng từ chuyển tiền. Trong đó, ông Trần Quang Hưng (con rể ông Son) cho hay, lý do nộp tiền là theo ý nguyện của bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ MobiFone mua AVG. Ngoài gia đình ông Son còn có một số người khác đã giúp nộp tổng số 21 tỷ đồng.

Ở ngày đầu tiên của phiên tòa, trong phần luận tội tại Tòa án nhân dân Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội đề nghị phạt cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son 16-18 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, án tử hình do “Nhận hối lộ”; hình phạt chung là tử hình.

Hồi chung cuộc, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và chung thân về tội “Nhận hối lộ”. Hình phạt chung hội đồng xét xử tuyên phạt với ông Son là chung thân, thời hạn thi hành án tính từ 23-2-2019.

Về nguyên tắc, kể từ năm 2031 trở đi, tức sau 12 năm thụ án, ông Nguyễn Bắc Son có thể hưởng các chế độ ân xá, giảm án.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)