(VNTB)-Phạm Quang Nghị: Ngoại giao âm hưởng chiến tranh

(VNTB)-Phạm Quang Nghị: Ngoại giao âm hưởng chiến tranh

 

L.Trân Ký


(VNTB) Việt Nam – luôn được tuyên truyền là điểm đến hấp dẫn, trong đó nhấn mạnh tính thân thiện của mỗi người dân và mỗi người dân được xem là một sứ giả ngoại giao.

Sở dĩ vậy là bởi vì Việt Nam vẫn bị không ít người dân các nước (trừ Bắc Triều Tiên tin điều đó) coi là đất nước chiến tranh, thậm chí là chưa thoát khỏi chiến tranh. Và chúng ta làm tất cả để xóa bỏ cái nhìn đó.

Câu khẩu hiệu “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” cũng dùng để dọn dẹp các tàn tích của chiến tranh, qua trở lại mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế, chú trọng không để nó làm ảnh hưởng các mối quan hệ.

Thế nhưng, trong những ngày tháng 7 Lịch sử, thời điểm mà vào năm 1995 hai nước Việt – Mĩ bình thường hóa quan hệ và đến năm 2013 thì hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện, một phái đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Ngoại giao Mĩ mời sang lại có những động thái hết sức lạ lùng. Và sự lạ lùng đó một lần nữa cho thấy người Trưởng đoàn nói riêng và ngoại giao Việt Nam nói chung có một sự không thống nhất, mềm dẻo lẫn quên đi cả hoàn cảnh – địa thế chính trị, kinh tế của đất nước trong thời điểm hiện tại, sắp tới.

Cuộc gặp tháng Bảy và món quà bất ngờ

Ông Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gặp Thượng nghị sĩ John McCain, và gây ấn tượng bằng lời nói và món quà bất ngờ.

Hai tấm ảnh, lớn bằng khổ giấy A4, ghi lại tấm bia tại đường Thanh Niên bên hồ Trúc Bạch. Chính nơi đây 47 năm về trước vị thiếu tá phi công hải quân J.McCain đã bị quân và dân miền Bắc bắt làm tù binh.

Theo nội dung cuộc gặp ghi lại được và đăng tải trên Vietnamnet thì phần đối thoại có phần gượng ép và sự tản mạn chiến tranh đã khiến làm mất đi chủ đề trọng điểm mà Việt – Mĩ cần đề cập đến – đó là sự hỗ trợ của Mĩ về một số mặt phát triển.

Do đó, tôi tự hỏi với tấm hình chụp cái bia và hình ảnh viên phi công đang giơ tay đầu hàng, ông Ủy viên Bộ Chính trị thực sự đến với căn phòng nơi đất Mĩ đó với dụng ý gì?

Mặc dù ông Trưởng đoàn có rào đón trước bằng câu nói: “Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết. Còn ngài thích, thì tùy ngài”.

Một món quà mà tự bản thân người tặng thấy bối rối về giá trị và thông điệp của nó thì liệu bản thân món quà ngoại giao đó có xứng đáng được cầm vào đất nước, căn nhà người ta mà trao tặng?

Món quà đó gây hoài nghi từ người tặng, nhưng nó càng trở nên vô duyên hơn trong bối cảnh hân hoan kỷ niệm nối lại mối quan hệ (mà ngoại giao Mĩ là nơi chủ động mời thăm). Do đó, thay vì nhắc nhở về việc tăng cường mối quan hệ 2 nước thì bức ảnh đã tước mất không gian tốt để nói về chuyện đó, làm bầu không khí trở nên xơ cứng vì vết thương chiến tranh, về thái độ “nhập gia nhưng không tùy tục” của ông Trưởng đoàn (Ủy viên Bộ Chính trị) và nhóm người đi theo.

Do đó, dù ông Thượng nghị sĩ có bộc trực, thẳng thắn nhưng ông không thể từ chối món quà – vì đó là phép lịch sự tối thiểu. Nhưng ông có vẻ hồi đáp khéo léo khi đề cập đến việc về tấm ảnh của mình sẽ “treo lên trần nhà”. Đó liệu phải là sự hàm ý thái độ – một cách bày tỏ ý kiến rất khéo léo trong ngoại giao? Trong khi, Việt Nam đang rất cần chủ động tăng cường mối quan hệ toàn diện này.

Chính vậy, khi so với ông Trương Tấn Sang (chủ tịch nước) thì món quà này là một sự đối nghịch:

– Đó là sự nhắc lại vết thương chiến tranh, đáng ra là nên khép lại từ lâu.

– Thiếu sự khéo léo, tinh tế, trong bối cảnh Hạ viện Mĩ tán đồng bán vũ khí cho Việt Nam cũng như trước đó ra Nghị quyết về Biển Đông.

– Nó còn cho thấy sự bối rối, kém cỏi trong cách tiếp xúc ngoại giáo của ông Ủy viên Bộ chính trị và sự không thống nhất về cách hành xử ngoại giao trong Bộ Chính trị đối với quốc gia này. 

Món quà này không những không có giá trị thực tế cần thiết về sự vun đắp mối quan hệ giữa hai nước, mà nếu so với lá thư ông Trương Tấn Sang gửi tặng ông tổng thống Mĩ vừa hợp người, vừa hợp ta, chủ động củng cố mối quan hệ, thì món quà ông Nghị lại là một cái vỗ vai bất lịch sự trong ngoại giao, trái ngược với lại mục tiêu “khép lại quá khứ” trong thời bình và càng trở nên lạc lõng trong không gian mừng thiết lập quan hệ ngoại giao trước đó nữa. Tệ hơn, nó có thể khiến ông Thượng nghị sĩ, vốn ủng hộ sự tăng cường quan hệ Việt – Mĩ có những hoài nghi không đáng về tính thực tâm của Việt Nam đối với mối quan hệ hai nước thông qua hành động tặng tranh bia chiến tích.

Ngoại giao “khôn ngoan thực dụng”

Thế hệ ngoại giao trong chiến tranh Việt Nam rất tuyệt vời, một trong số đó là ông Hồ Chí Minh. Ngoại giao với ông là sự tìm kiếm cơ hội, thắt chặt quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội. Một câu chuyện về ông là vào tháng 07/1957, khi ông sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, chỉ thông qua câu nói: “Các đồng chí có loại cá không có xương không?” mà khiến giúp nước bạn chủ động đặt vấn đề nhập cá từ Việt Nam.

Do đó, ngoại giao vì vậy cần lắm sự linh hoạt, chủ động lẫn thận trọng. Nhất là bối cảnh Việt Nam quan hệ với tất cả các nước với ngôn từ đẹp đẽ, mật thiết như “đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện; song phương”, song lại thiếu tính thực tế đi kèm. Một nền ngoại giao làm bạn với tất cả các nước nhưng lại không có một người bạn nào thực sự. Việt Nam với nền ngoại giao như vậy đã dẫn đến nghịch cảnh, có rất nhiều bạn nhưng lại không có một đồng minh quân sự chiến lược và không ký hiệp ước phòng thủ và tương trợ lẫn nhau nào – thế nên phản ứng (nếu có) của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng sẽ rất hạn chế.

Ngoại giao không cần sự “phân hóa nội bộ Mĩ” như ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng đứng nói trước kiều bào nước ngoài. Ngoại giao với các đoàn công cán sang thăm chỉ cần tập trung một mục tiêu duy nhất là tăng cường cơ hội cho đất nước, thu hút sự ủng hộ của người tiếp xúc đối với các vấn đề chính trị, kinh tế của quốc gia trong thời bình và đấu tranh không khoan nhượng, nhưng tránh những tình tiết khiến mối quan hệ xấu đi trong chiến tranh. Cái gì tốt thì cứ vun đắp, cái gì hơi xấu thì cố gắng xóa bỏ, cái gì xấu quá thì làm nhẹ nó đi. Nghĩ về quyền lợi quốc gia là cao nhất – đó cũng là một cách ngoại giao khôn ngoan – ngoại giao thực dụng; là cách trả lại tiền thuế của dân một cách tốt nhất khi các chuyến đi thăm nước ngoài đều được trả bằng lại tiền này – không hề miễn-phí.
Vậy nên, câu chuyện ông Ủy viên Nghị đi Mĩ lần này, với nội dung trao đổi cơ bản với ông Thượng nghị sĩ được truyền tải trên báo điện tử như trên nhắc lại một nỗi đau về ngoại giao. Một nền ngoại giao thiếu tính “bạn thân” thực sự.

Hành xử tặng bức ảnh đó như là một sự lúng túng về cách nhìn nhận mối quan hệ, dù cho quan hệ đó đã gần chạm mốc 20 năm bình thường hóa (1995 – 2015). Vậy nên, thà cứ như ngoại giao Tháp Rùa như nhà văn Phạm Thị Hoài chỉ ra, với các món quà vô-tội vô-vạ như tranh lãnh tụ, tranh Chùa Một Cột hay Tháp Rùa lại hay hơn, hợp lý hơn so với “ngoại giao âm hưởng chiến tranh” như trên.

Ngoại giao “không giống ai”

Nếu đó là thông điệp nhà nước ngầm thì hỏng lại càng thêm hỏng.

Nhìn lại chuyến đi của ông Nghị, thông qua cách ông Nghị hành xử, có thể nhận thấy đây là bệnh cận thị trong ngoại giao, nó làm cho người đi sứ/công cán các nước không nhìn xa trông rộng, chỉ thấy lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn. Trong khi đi giao thiệp, cái gì đáng nói cái gì không đáng nói lại nhập nhằng.

Có lẽ ông Nghị nên tiến hành khiển trách, thậm chí đuổi việc những ai đã tư vấn món quà đó cho ông, thậm chí là những người bên Ngoại giao không ngăn cản ông chọn món quà đó– một món quà dở tệ – hoàn toàn không hợp thời.

Ngành ngoại giao Việt Nam muốn đưa phần thế và lực của quốc gia lên một tầm mới, thì nên làm tốt việc lựa chọn, tư vấn quà công du cho các vị Ủy viên Bộ Chính trị.

Còn riêng với ông Nghị, nên chăng ông phải hiểu là nước ta đang đối diện với mối họa nào và cần tăng cường với ai để làm giảm hay triệt tiêu mối họa đó. Chỉ khi vậy, ông mới nắm được cái nguyên lý ngoại giao làm lợi tối đa cho quốc gia mình, từ đó xóa bỏ những cách hành xử ngoại giao không giống ai như trên trong thời hiện đại này.

À! Mà nghe đâu trong Đại hội Đảng kì tới, ông được cơ cấu lên chức vụ cao hơn?

 

Ông Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gặp Thượng nghị sĩ John McCain

 


L.Trân Ký

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)