VNTB – “Phản biện xã hội” là ‘sản phẩm’ của dân chủ hóa đời sống chính trị

VNTB  – “Phản biện xã hội” là ‘sản phẩm’ của dân chủ hóa đời sống chính trị

Hiền Vương

 

(VNTB) – Phản biện xã hội luôn hiện hữu trong đời sống chính trị – xã hội của các thể chế dân chủ, được nhà nước thừa nhận trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

 

Việt Nam tự nhìn nhận là một quốc gia dân chủ với nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nên “phản biện xã hội” tất nhiên cũng hiện hữu, nhưng chịu sự định hướng xã hội chủ nghĩa tương tự như đang áp dụng với nền kinh tế thị trường vậy thôi.

Những nghề theo đuổi nghề viết báo, làm báo, phát hành báo cũng là những người trung thành với phản biện xã hội, họ cũng buộc phải chịu ‘định hướng’ đó. Tuy vậy, với họ, ‘phản biện xã hội’ chính là tự do ngôn luận, tự do báo chí – điều kiện tiên quyết để minh bạch một quốc gia. Song những người theo đuổi nghề báo cũng hiểu mục tiêu của tự do không phải là có thể chửi tổng bí thư cho sướng miệng, thỏa ấm ức…, mà là để đi đến tận cùng sự thật.

Tôi không nghĩ là ở trong các quốc gia thực sự dân chủ, đi đến tận cùng sự thật là một công việc dễ dàng, nhưng càng ở những quốc gia ít dân chủ hơn càng cần các nhà báo dám đi tới tận cùng sự thật.

Những nhà báo dám thách thức miếng cơm manh áo của mình thật là dũng cảm – kể cả các nhà báo trở thành anh hùng sau khi về hưu. Nhưng đừng tưởng tất cả những người giữ mình trong hệ thống báo chí nhà nước là chỉ vì miếng cơm manh áo.

Có không ít sự thật họ đã không thể nói ra, nhưng nhiều nhà báo (có thẻ) đã phanh phui rất nhiều sự thật. Những sự thật mà chỉ khi công bố trên báo chí nhà nước nó mới gây tác dụng…” – một nhà báo hiện không còn làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước nữa, chia sẻ về chuyện nghề trong cách hiểu của ‘phản biện xã hội’.

Công bằng mà nói trong việc ‘phản biện xã hội’, một khi chọn cách thể hiện qua những bài báo đăng tải trên báo chí nhà nước, đòi hỏi không chỉ là sự dũng cảm, mà còn là khéo léo và bản lĩnh của cả ban biên tập tờ báo ấy, bởi những-nhà-báo luôn phải hiểu ‘độc lập’ là tương đối, vì buộc phải tuân thủ ‘định hướng’.

Trong lúc đó thì ‘phản biện xã hội’ yêu cầu một nhà báo cùng ê kíp sản xuất tờ báo ấy phải có tính độc lập gắn với vị trí, vị thế độc lập (tương đối) của chủ thể phản biện xã hội. Đây là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm tính khách quan và chính kiến của chủ thể phản biện xã hội, liên quan trực tiếp đến hiệu quả, giá trị của nội dung phản biện.

Nếu mất đi đặc điểm kể trên thì tính chất phản biện sẽ giảm, hoặc không còn tính giá trị. Nhờ tính độc lập mà mỗi nhận xét, đánh giá, lập luận trong phản biện xã hội mới thực sự là tiếng nói của chủ thể phản biện mà không chịu sự chi phối của bất cứ sức ép nào.

Muốn thể hiện được tính độc lập trong phản biện, chủ thể phản biện – ở đây là nhà báo, phải có sự tự chủ, vị thế độc lập nhất định về mục tiêu, tôn chỉ hoạt động, tài chính, nhân sự độc lập…, so với chủ thể chịu sự phản biện.

Mặt khác, tính độc lập có thể có tính chủ quan  nhưng cũng phải đảm bảo được những yếu tố khách quan nhất định. Tính khách quan, trung thực thể hiện ở chỗ nó không phụ thuộc vào ý muốn của nhà quản lý, dù nhà quản lý có tiếp thu hay không và tiếp thu ở mức độ nào thì ý kiến phản biện vẫn phải được lập luận trên một cơ sở khoa học nhất định và các yếu tố quyền lợi chính trị – kinh tế – xã hội nếu có cũng phải phù hợp với xu hướng chung, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội…

Tất cả đòi hỏi trên nếu được suy xét thấu đáo, sẽ nhận ra áp lực lớn đến dường nào đối với những nhà-báo-phản-biện đang làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước với thể chế chính trị đơn nguyên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)