Hà Nguyên
(VNTB) – Chủ trương Bộ Y tế còn cho phép của F0 không triệu chứng ở nhà, xem F1 như tội phạm thì không đảm bảo cả lý, lẫn tình.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu phối hợp Viện kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Hoàng Thị Hồng, 48 tuổi, trú thôn 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu về tội chống người thi hành công vụ.
Bà Hồng muốn được cách ly tại nhà để có thể giữ gìn tài sản
Tình tiết đưa đến vụ án, có thể tóm tắt như sau:
Ngày 23-8 tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu phát hiện một người đàn ông 54 tuổi mắc Covid-19. Sau đó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Diễn Kỷ truy vết, xác định người tiếp xúc với F0 trong vòng 14 ngày.
Ngày 14-8, người đàn ông này có đến quán ăn sáng và tiếp xúc với vợ chồng bà Hoàng Thị Hồng ngồi ăn chung bàn nhưng không đeo khẩu trang. Danh sách F1 được lập ra và tổ chức đưa đi cách ly tại Trường mầm non xã Diễn Kỷ, trong đó vợ chồng bà Hồng là F1 có nguy cơ cao.
Chiều 23-8, tổ công tác xã Diễn Kỷ cùng đại diện chỉ huy thôn đến vận động hai vợ chồng bà Hồng đi cách ly tập trung. Chồng của bà Hồng đã chấp hành quyết định cách ly tập trung, đến trường mầm non xã. Lúc này, bà Hồng trình bày do nhà mới xây, không ai ở nhà trông coi tài sản và xin được cách ly tại nhà để bảo vệ tài sản.
Ông Đậu Xuân Trường – chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ – cho hay tại thời điểm đó, nhà bà Hồng cơ bản đã hoàn thiện xong cửa, chỉ còn cửa tại cổng chính là chưa hoàn thiện. Việc đưa hai vợ chồng bà Hồng đi cách ly tập trung nhằm kiểm soát, không để dịch lây ra cộng đồng.
Dù được lực lượng chức năng vận động nhưng bà Hồng đã vào nhà và khóa trái cửa cố thủ bên trong suốt gần 3 giờ đồng hồ. Trước tình huống này, tổ công tác phá cửa, cưỡng chế bà Hồng đưa đi cách ly. Trong quá trình đó, bà Hồng cởi quần áo và chửi bới những người đang làm nhiệm vụ.
Những bàn luận xoay quanh hai ý: thứ nhất, không khuyến khích người bị F làm điều tương tự, nhưng cũng chẳng đồng tình với các cơ quan đưa người đi cách ly hoặc xét nghiệm mà bắt giữ như một tội phạm như thế.
Trong trường hợp như này cần tuyên truyền vận động, nếu gia đình họ đảm bảo cách ly tại nhà thì chỉ niêm phong và dán thông tin bên ngoài là nhà có người nghi nhiễm Covid 19 và đề nghị người dân xung quanh giám sát, báo cơ quan chức năng nếu người đó ra ngoài, vi phạm giãn cách.
Luồng quan điểm thứ hai là đồng tình với lý do mà ông Đậu Xuân Trường đã giải thích: tỉnh chưa có quy định để F1 được cách ly tại nhà.
Pháp luật liên quan quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 49 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thì người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
Các hình thức cách ly bao gồm: Cách ly tại nhà; Cách ly tại cơ sở khám bệnh, Cách ly y tế tại cửa khẩu; Cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác. Theo đó, thẩm quyền và thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010, cụ thể như sau:
Trong vòng 24 giờ đối với các đối tượng phải cách ly tại nhà, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở, địa điểm khác; 06 giờ đối với các đối tượng phải cách ly tại cửa khẩu mà các đối tượng này không tuân thủ, thì người có thẩm quyền phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.
Nội dung của quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế phải thể hiện rõ: Đối tượng bị bắt buộc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế; Địa điểm thực hiện việc cưỡng chế cách ly y tế; Thời hạn cách ly y tế; Trách nhiệm của đối tượng bị bắt buộc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế và cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.
Thủ tục tiến hành cưỡng chế cách ly y tế (Điều 10 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010), như sau:
Trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế đang lưu trú ở vùng có dịch, cơ quan công an cấp xã nơi đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly đang cư trú có trách nhiệm:
Thông báo nội dung của quyết định cho đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly, thân nhân của họ và người được giao nhiệm vụ chăm sóc cho người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế; Thực hiện việc đưa người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế từ nơi lưu trú đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc cách ly y tế; Phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc giám sát đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.
Một lưu ý quan trọng cho xét về tình tiết vi phạm tăng nặng từ cơ quan công quyền ở trường hợp công dân Hoàng Thị Hồng, đó là F1 không phải là người bệnh, chủ trương Bộ Y tế còn cho phép của F0 không triệu chứng ở nhà, xem F1 như tội phạm như thế thì không đảm bảo cả lý, lẫn tình.