Dự luật S-219 (Hành trình đến tự do) do thượng nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải bảo trợ, theo đó công nhận ngày 30-4 là quốc khánh để kỷ niệm dòng người di cư Việt Nam tới Canada và việc Canada tiếp nhận họ.
Tin liên quan:
Quan điểm Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết: S-219 là một đạo luật hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế (trong đó có Canada).
Dự luật S-219 tưởng nhớ người Việt tị nạn sau khi Sài Gòn sụp đổ. |
“Việt Nam kiên quyết phản đối việc Canada thông qua đạo luật này”.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, đây là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada, xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Canada.
“Trong nhiều năm qua, quan hệ Việt Nam – Canada đã được hai bên nỗ lực phát triển. Chúng tôi hy vọng phía Canada nhận thức rõ ảnh hưởng tiêu cực của việc thông qua đạo luật S-219, có các biện pháp khắc phục, không để xảy ra những sự việc tương tự” – Người phát ngôn Bộ ngoại giao bày tỏ.
Tưởng nhớ tị nạn là xuyên tạc, thù hằn lịch sử?
Chính quyền Việt Nam lại tiếp tục làm rỉ máu người Việt Nam bằng cái nhìn giai cấp thay vì dân tộc đối với đạo luật S-219.
Sự bề trên trong cụm từ “triệu đại sứ Canada” đến phản đối bởi Việt Nam biết được rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam-Canada đang được chú trọng.
Và quả thực, quan hệ thương mại tác động, khiến cho đạo luật này tháng 12 năm ngoái, dù được Thượng viện Canada thông qua, nhưng vẫn bị Hội đồng Thương mại Canada – Việt Nam phản đối kịch liệt, Bà Dai Trang Nguyen – Giám đốc Hội đồng cho rằng, dự luật chỉ phản ánh quan điểm của chưa tới 5% người Canada gốc Việt và sẽ thúc đẩy cái nhìn của quá khứ, của sự hận thù, sự tiêu cực, dẫn tới sự phớt lờ những con người của thế hệ tương lai. Và sự phản đối của Thượng nghị sĩ James Cowan, Lãnh đạo đảng Tự do trong Thượng viện Canada cũng trong cùng một quan điểm “tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á, trong đó có Việt Nam.” [1]
Một bia tưởng niệm thuyền nhân tại Úc Châu. |
Sự “kiên quyết phản đối” lần này của Bộ Ngoại giao dựa trên quan điểm đây là đạo luật hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Canada ủng hộ.
Nhưng TNS Ngô Thanh Hải, người bảo trợ cho dự luật S-219 trả lời đài RFA về ý nghĩa của đạo luật này: “Đó là dự luật để tưởng nhớ tới hơn hai triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi với tư cách là tị nạn, là thuyền nhân. Thứ hai là để tưởng nhớ 250 ngàn người Việt Nam đã bỏ mình trên biển cả hoặc là bị cướp, bị bão hay điều gì đó. Thứ ba nữa dự luật này nhằm cám ơn chính phủ Canada đã nhận một trăm hai chục ngàn người Việt Nam tỵ nạn vào cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 rồi sau này lên tới 300 ngàn người. Thứ tư nữa là cám ơn chính phủ, nhân dân Canada đã sponsor từ cá nhân, nhà thờ đến các cơ quan thiện nguyện đã bảo trợ giúp đỡ cho chúng ta. Thứ năm là Canada là một quốc gia mà trong thập niên đó, cuối 70 đầu 80 thì Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã nhận người tỵ nạn do đó mà Cao Ủy Tỵ Nạn (UNHCR) Canada đã trao giải Nansen cho Canada. Đạo luật này dựa trên 5 điều đó thôi.”
Tất cả là tưởng nhớ sự tỵ nạn sau ngày “giải phóng” (Canada, mỗi năm vào ngày 30 của tháng tư được gọi là “Hành trình đến Ngày Tự do”), và với tư cách là một TNS gốc Việt tại Canada, ông Ngô Thanh Hải đã bảo trợ đạo luật trong khuôn khổ “nội bộ tiến trình lập pháp của Quốc hội của Canada.”
Xâm lược là anh, kẻ thù là em
Sai trái, xuyên tạc lịch sử có lẽ là vì đạo luật đã tưởng nhớ hai triệu người Việt bỏ nước ra đi (tị nạn), là thuyền nhân và 30 tháng 4 là ngày kỹ niệm hằng năm.
Sự phản đối của “bên thắng cuộc” vẫn trịch trượng như cái quan điểm về thuyền nhân mà Ngoại trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố tại Hội nghị LHQ về thuyền nhân (Geneva, 20-21/07/1979) rằng: “Thuyền nhân chỉ là những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động.” [2]
Đó là vì sao bia tưởng niệm thuyền nhân Pulau Galang (Indonesia) bị đục bỏ hay Bidong (Maylayxia) bị dẹp bỏ vì phía Việt Nam than phiền về mặt ngoại giao.
Sự thiếu khoan dung về những người anh em cùng giòng máu, khiến cho “thuyền nhân” trở thành một sự xuyên tạc thay vì là một nỗi đau lịch sử cần được thừa nhận. Một sự khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu vào thời điểm sau “giải phóng” cần được chấp thuận.
Kẻ xâm lược là anh nay trở thành hòa hảo, trong khi kẻ thù là em lại dai dẳng cho đến tận ngày hôm nay. Vết thương rỉ máu giữa người Việt với nhau, khi còn vài hôm nữa, là diễn ra buổi lễ mừng 30/04 – buổi lễ cũng có thể được xem là “thúc đẩy cái nhìn của quá khứ, của sự hận thù, sự tiêu cực, dẫn tới sự phớt lờ những con người của thế hệ tương lai”, như cái cách mà bà Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada – Việt Nam phản đối đạo luật S-219.
Bia tưởng niệm thuyền nhân Pulau Galang (Indonesia) bị đục bỏ năm 2005 |
Bởi cái cách chính quyền Việt Nam thông qua Bộ ngoại giao lên tiếng phản đối đạo luật “Hành trình tìm đến tự do” không khác gì việc, họ bắt những con người từng rời khỏi cái thủ đô mang tên Sài Gòn, từng sống và làm việc trong một chính thể mang tên Việt Nam Cộng Hòa phải hát vang bài ca: “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn, ta giải phóng thành đô…” Buộc họ đọc báo chí địa phương, báo chí T.Ư như QĐND, Nhân Dân, nghe đài phát thanh tuyến huyện, xã ra rả “ngày ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ”…
Hay nói văn vẻ hơn, chính quyền Việt Nam bắt “triệu người buồn” phải nhảy múa, hòa nhịp cùng với “triệu người vui” trong ngày lễ “giải phóng miền Nam”.
Cái ngày mà anh cha của họ đã tử nạn trên chiến trường vì lý tưởng quốc gia, cái ngày mà sự ly tán, chết chóc trên đường di tản, sự kinh hoàng về mất mát, đau thương trong hành trình đi tìm tự do của mình…
Chỉ bởi, sự cao ngạo trong chiến thắng 1975 vẫn chưa dứt, dù đã trải qua 40 năm. “Thế lực thù địch, tàn dư chế độ Mỹ ngụy” vẫn còn được nhân danh để chống lại sự hòa hợp, hòa giải dân tộc.
“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Đem chí nhân thay cường bạo”, câu nói được trích dẫn được ông Phạm Quang Nghị,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc hào sảng trong diễn văn Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (2010), trước mặt các “đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các vị khách quốc tế, đại diện các đoàn ngoại giao” cuối cùng chỉ áp dụng cho “anh em tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, còn đối với những người Việt từng thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa – thì không.
Chỉ có sự áp đặt nặng nề về mặt chính kiến, thể chế trong sự hận thù, định kiến.
[1]dantri.com.vn/the-gioi/dai-su-quan-viet-nam-tai-canada-phan-doi-du-luat-gay-ton-hai-quan-he-hai-nuoc-1006796.htm
[2] Huy Đức, Bên Thắng Cuộc. “Giải Phóng”, Chương VI: Vượt biên.