Trần Hùng
(VNTB) – “Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh” của Churchil có thể coi là chân lý cho trường hợp Việt Nam.
Phán quyết của PCA hay tiếng chuông nguyện hồn?
Ngày 12.7.2016, toà thường trực La Haye đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Phillipine từ 2013. Với phán quyết này, rõ ràng là tính pháp lý và chính danh của sự đòi hỏi phi lý của Trung Quốc không còn và nó đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Một mặt, nếu tiếp tục leo thang các hoạt động xâm lấn, xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự, cản trở việc tự do hàng hải cũng như hoạt động đánh bắt thuỷ sản của các nước trong khu vực biển Đông thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cô lập chính trị và liên minh quân sự hùng mạnh của Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Phi..Sự đụng độ quân sự rõ ràng là một cuộc tự sát cả về chính trị lẫn quân sự.
Mặt khác, hậu quả của việc giáo dục tuyên truyền qua nhiều thế hệ rằng Biển Đông là của Trung Quốc, đại đa số nhân dân đều tin rằng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là chân lý và cần thiết việc sử dụng sức mạnh để đỏi hỏi chủ quyền đó. Tư tưởng Đại Hán là một tư tưởng xuyên suốt lịch sử của đất nước này. Việc khơi gợi mạnh mẽ về một “giấc mơ Trung Hoa” với những tham vọng kinh tế, chính trị và quân sự khổng lồ của Tập Cận Bình làm người ta nhớ lại những gì ở nước Đức của những năm trước thế chiến II. Tư tưởng dân tộc cực đoan được khuyến khích trong quân đội, xã hội dân sự và được sử dụng để tập hợp sức mạnh cho một thể chế độc tài trong bối cảnh này đã trở thành một con dao hai lưỡi. Nó không cho phép chính quyền dừng lại trước phán quyết của PCA.
Bên cạnh đó, những rủi ro và nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế với số nợcông chính phủ vượt mức 250% GDP, một cơ cấu kinh tế khổng lồ đang lạc điệu, vấn nạn thất nghiệp và bất công xã hội như một quả bom trong lòng xã hội Trung Quốc có thể nổ bất cứ lúc nào, thì việc xuất khẩu sự hỗn loạn và xung đột ra bên ngoài lãnh thổ, ở qui mô khu vực mà Trung Nam Hải có thể kiềm soát được là một giải pháp hoàn hảo. Gần như chắc chắn, chính quyền Tập Cận Bình sẽ chấp nhận một “rủi ro chính trị vừa phải” để đạt được cả hai mục đích: Duy trì thể chế, ổn định xã hội và tiếp tục việc xâm lấn lãnh thổ, chủ quyền ở Biển Đông.
Phán quyết của PCA là mốc dấu khởi đầu của một cuộc tranh chấp, xung đột dai dẳng đầy bi kịch vì cả những kẻ quyết định cuộc tranh dành này không bao giờ dễ dàng từ bỏ. Đó chính là tiếng chuông nguyện của một cuộc chiến tranh không thể nào tránh khỏi. Quyền lực không bao giờ có điểm dừng và cỗ xe của thần Ares đã lăn bánh thì chẳng ai có thể ngăn lại được.
“Con dê tế thần” hay “gạch lót đường” cho Trung Cộng?
Trước sự “trỗi dậy hoà bình” sặc mùi thuốc súng của Bắc Kinh, các nước trong khu vực Asean đã không còn lựa chọn nào khác là phải tìm cho mình một liên minh quân sự đủ mạnh và tin cậy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh hàng hải. Những mối liên hệ và ràng buộc mang tính lịch sử trong khu vực, cùng với sự tự chủ về chính trị và kinh tế là điều kiện giúp cho các nước như Phil, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Myamar… nhanh chóng tập hợp quanh Mỹ. Người Mỹ có một cơ hội vàng để xây dựng ảnh hưởng quyền lực tại khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, cùng tài nguyên và địa kinh tế chính trị trọng yếu của Châu Á: Biển Đông.
Năm 2013, sau tất cả nỗ lực ngoại giao thất bại, Manila đã làm một việc làm dũng cảm: đệ đơn kiện Trung Quốc ra toà quốc tế về việc vi phạm luật biển UNCLOS, chiếm đóng bãi cạn Scarborough và phá huỷ rạn san hô, hệ sinh thái biển. Cùng với việc chuẩn bị nghiêm túc thủ tục cần thiết cho vụ kiện mà được coi là hành động “châu chấu đá voi” của mình, Manila nối lại liên minh quân sự đã bị ngắt quãng một thời gian dài với đồng minh chiến lược của mình: Hoa Kỳ. Việc đưa Trung quốc ra toà án La Haye tự nó đã thể hiện rõ ràng quan điểm, tư cách của một nền chính trị độc lập. Một quốc gia nhỏ bé nhưng có chủ quyền và dũng cảm bảo vệ chính nghĩa dân tộc.
Quần đảo Trường Sa và Hoàng sa là tâm điểm của những tranh chấp ở Biển Đông. Trong số 6 quốc gia tuyên bố có chủ quyền và có vùng biển, đảo chồng lấn, tranh chấp là Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam thì Việt Nam là quốc gia có những mối ràng buộc phức tạp với Trung Quốc. Là quốc gia có bờ biển dài nhất, với địa chính trị và quân sự lợi hại nhất trong khu vực, nhưng lại là nước yếu nhất trong chuổi mắt xích của Asean. Sự phụ thuộc quá lớn cả về kinh tế, chính trị vào Trung Quốc không cho phép một đột phá “thoát Trung” nào có thể xảy ra ở thời điểm này.
Việt Nam đã tự loại bỏ mình khỏi sân chơi chung và cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trước người láng giềng to lớn và tham lam. Chưa bao giờ tiếng nói của Việt Nam trong Asean lại mờ nhạt như bây giờ, thậm chí còn thua kém “kẻ ngoài cuộc” như Campuchia. Chính sách ngoại giao “đu dây”, lật lọng của chính quyền Hà Nội làm chán ngán tất cả các chính khách vốn dĩ có ít nhiều thiện cảm với Việt Nam.
Chính sách “ba không” trong quân đội Việt Nam tự mình đã cô lập cơ hội hợp tác, lớn mạnh và phát triển với các lực lượng quân đội của các quốc gia hùng mạnh khác. Dù duy trì quân đội thường trực khá lớn so với các nước trong khu vực nhưng khả năng tác chiến yếu kém và tinh thần đã rệu rã, tha hoá bởi nạn tham nhũng và thành tích “làm kinh tế” qua nhiều thập kỷ. Một quân đội với số tướng lãnh(716) nhiều hơn cả số tướng lãnh của Trung Quốc(191) và Hoa Kỳ (498) cộng lại được nuôi bằng 1/3 ngân sách quốc gia này đã không còn một tiếng nói phản kháng nào trong các xung đột quân sự từ 1988 trở lại đây. Ít ai nhận thấy rằng, Gạc Ma đã trở thành tấm bia đau đớn và ô nhục cho cái chết của một nền Chính trị độc lập, cái chết một quân đội đã mất đi Danh Dự khi chối bỏ chức trách thiêng liêng là Tổ Quốc và Dân Tộc. Những ngày này, trong các cuộc ngoại giao quân sự các cấp giữa hai nước, người ta giật mình vì không thể phân biệt được đâu là quân đội Việt Nam, đâu là quân đội Trung Quốc vì quân phục quá giống nhau và thậm chí bảng tên hiệu của đại biểu cũng được viết bằng tiếng Trung Quốc. Những nhượng bộ liên tiếp từ hiệp định biên giới, Vịnh Bắc bộ mà Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận mất đi những phần đất đai và chủ quyền chỉ là hệ quả tất yếu sau đó.
“Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh“ của Churchil có thể coi là chân lýcho trường hợp Việt Nam. Những gì đã xảy ra ở Châu Âu những năm trước thế chiến II khi các nước cố gắng né tránh cuộc chiến với Đức đã phải nhận hậu quả như thế nào trước chủ nghĩa phát xít và cuồng vọng bá chủ của Hitler. Người ta thường hay quên những bài học lịch sử và lịch sử thì có luôn trở lại bằng một bộ mặt mới, tên gọi mới và những quốc tịch khác nhau.
Chính thể Việt Nam tự mình ràng buộc vào trăm ngàn lưỡi móc câu oan nghiệt của Bắc Kinh, những ảo vọng rơi rớt về cùng một hệ tư tưởng chính trị, về tình thân ái Cộng sản 4 Tốt, 16 Chữ vàng thỉnh thoảng được tô vẽ lại bằng Nhân dân tệ và những lời lẽ đường mật không thể xoá lấp được hàng ngàn cái chết tủi hờn của ngư dân trên biển, những vụ việc xâm phạm ngày một trắng trợn đến chủ quyền quốc gia. Nhưng sự lệ thuộc quá lớn về kinh tế và chính trị và ràng buộc trong quá khứ với những bí mật của hai Đảng cầm quyền không cho phép Hà Nội có thể “trở cờ” và ngả sang hướng khác. Những tiếng nói “quan ngại” và “phản đối” năm này qua năm khác, sự kiện tiếp nối sự kiện trở lên lạc lõng, trơ trẽn đến thảm hại của một một chính thể không còn Độc lập.
Trong cuộc chiến ở Biển Đông, địa chính trị quân sự của Việt Nam là một yếu tố mang tính quyết định. Dù sự phát triển vượt trội các thành tựu khoa học quân sự đã làm giảm đi rất nhiều lợi thế địa lý nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia nắm lợi thế địa quân sự quan trọng nhất. Cho nên, Trung Quốc sẽ không bao giờ buông tha “đứa con hoang đàng” này có thể rời bỏ gia đình. Không có một lý do gì để Trung Quốc dừng lại trong việc chiếm lĩnh lợi thế quan trọng từ bờ biển của Việt Nam trên con đường thống trị vùng biển này.
Và trong khi Biển Đông đang sôi sùng sục thì chuyến công du của Nguyễn Xuân Phúc gặp Lý Khắc Cường kết thúc bằng khuôn mặt láng bóng, hớn hở của ông thủ tướng Việt Nam. Người ta mường tượng đến một tương lai mờ mịt tăm tối của dân tộc sắp tới sau những ngã giá và chấp thuận thuần phục đớn hèn của chính thể Hà Nội trước kẻ thù ngàn năm không đội trời chung Trung Quốc. Phải chăng một lần nữa Định Mệnh đã lại thử thách sự tồn vong của dân tộc Việt trước nhưng toan tính bá quyền của nước lớn và những cơn sóng cồn tàn bạo của lịch sử lại sắp dội lên mảnh đất đau thương Việt Nam?