Lâm Viên
(VNTB) – Sao cứ dè những tuần cận Tết người ta lại hầm hè đe nẹt nhau? Trời đánh còn tránh bữa ăn. Đàng này ở đây chỉ cần giở sách luật ra sẽ thấy ngay rành rành chẳng có ai cho phép chuyện quân đội tự dưng đàn áp cả làng với người dân lam lũ nghề nông. Pháp luật xứ mình khó hiểu quá, lạ lùng quá!
Câu chuyện xảy ra vào lúc trời chưa hừng đông của đêm về sáng ngày 9-1-2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
“Pháp luật xứ mình khó hiểu quá” là chủ đề bàn luận được ghi nhận ở nhóm thân hữu đang có mặt ở thành phố biển Nha Trang trong vụ phúc thẩm về ‘trốn thuế’ của luật sư Trần Vũ Hải hôm 9-1.
Từ Hà Nội, ông Đào Tiến Thi nhắn cho luật sư Trần Vũ Hải cùng một số thân hữu báo chí, luật sư và đại biểu Quốc hội, như sau: “Cảnh sát cơ động vừa mới khiêng 3 người từ trong nhà cụ Kình ra và có thể nói chắc chắn trong số đó có anh Lê Đình Công, con trai cụ Kình. Trẻ em hôm nay không được đến trường. Sự vi phạm luật pháp ở Đồng Tâm như vậy là quá trắng trợn. Lý do gì mà phong tỏa như khi có lệnh giới nghiêm? Lý do gì mà bắt người theo kiểu bắt cóc?.
Tình hình đã quá nghiêm trọng. Một lần nữa tôi kêu gọi ông Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ngay biện pháp khẩn cấp ngăn chặn bạo lực, không để tiếp tục gia tăng căng thẳng. Kêu gọi các đại biểu Quốc hội lên tiếng. Kêu gọi tất cả công dân Việt Nam và dư luận thế giới quan tâm.
Tôi muốn kêu gọi riêng ông Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người đã từng nỗ lực vì bà con Đồng Tâm, kêu gọi các luật sư Hà Huy Sơn, Trần Vũ Hải, Lê Quốc Quân và những luật sư vì dân khác hãy tư vấn ngay cho các cấp chính quyền để giải tỏa tình trạng nguy hiểm này.
Hãy cứu lấy bà con Đồng Tâm. Cứu cả những cảnh sát đang bị huy động vào vụ đàn áp này”.
Ông Đào Tiến Thi còn gửi đến đích danh bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu cần trả lời theo đúng quy định của pháp luật giáo dục, rằng vì sao ngày thứ Năm 9-1-2020 lại có lệnh cấm trẻ em ở Đồng Tâm đến trường học?
Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ sự phẫn nộ: “Xứ sở này chưa cần đến tự do mà cần rất nhiều máu. Đủ máu ắt có tự do…”.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói rằng cũng thời điểm cận Tết như vầy, năm ngoái, chính quyền đã dùng sức mạnh của súng, đạn để ‘đập phá’ nhà cửa người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM. Gọi là ‘đập phá’, ‘cướp bóc’, vì nếu cho đây là công việc của ‘giải tỏa’ thì kèm theo phải là quy trình luật định theo pháp luật về đất đai.
Thế nhưng dẫu sao thì ở vụ vườn rau Lộc Hưng vẫn có thể tìm được lý giải nguyên do là ‘giải tỏa’ phục vụ quy hoạch, mặc dù việc giải tỏa này chưa tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, và quy hoạch cũng chưa được phê duyệt theo trình tự luật định.
Còn với vụ Đồng Tâm xảy ra ở Hà Nội vào đêm về sáng ngày 9-1-2020, khi người dân lương thiện bất ngờ bị ‘Bộ đội cụ Hồ’ tấn công bằng vũ lực, bằng các trang thiết bị xe phá sóng điện tử, chống khủng bố…, thì có lẽ trong từ điển tiếng Việt, và cả trong Quân sử sau này vẫn chưa biết phải dùng từ ngữ gì để mô tả, để diễn giải cho câu chuyện kể về dân làng Đồng Tâm, sáng 9-1, tức rằm tháng Chạp, Kỷ Hợi. Bởi theo mô tả từ phía Bộ Công an, nguyên do xảy ra ‘va chạm vũ lực’ là vì người dân gây rối, cố tình cản trở lực lượng quân đội xây hàng rào cho phần đất của sân bay Miếu Môn.
Trưa ngày 9-1, trả lời báo chí, thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an nói “việc gây rối ở Đồng Tâm đang nằm trong tầm kiểm soát, rất đông lực lượng chức năng tiếp tục có mặt ở hiện trường để ổn định tình hình”. Về số người bị bắt, khởi tố, ông Xô cho hay “sẽ thông báo sau”.
Nhắc lại chuyện sân bay Miếu Môn ở làng Đồng Tâm, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội – ông Dương Trung Quốc, “Nếu Chính phủ đưa ra một bản đồ về đất mà Thủ tướng Đỗ Mười trao cho Quốc phòng từ năm 1981 thì khỏi có chuyện gì xảy ra. Người dân hỏi tại sao không có bản đồ? Điều này gợi lại cho chúng ta câu chuyện Thủ Thiêm vì nhập nhèng trong bản đồ mà nhân dân bức xúc.
Bản đồ là tối thiểu. Năm 1980, chúng ta ở trình độ cao. Bây giờ chúng ta không có bản đồ đưa ra, các bản đồ đều dựng lại từ năm 2013, 2014 thì làm sao người dân tin được… Từ việc Đồng Tâm, tôi muốn nói một vấn đề mà tôi cho là quan trọng hơn: một Chính phủ liêm khiết, một Chính phủ kiến tạo thì hãy trở lại nguyên lý truyền thống là tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhà nước ngày xưa có trách nhiệm rất lớn là giáo hóa cho dân, mỗi cái sai của người dân có lỗi của nhà nước. Vì thế tôi rất muốn là Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ lấy được lòng tin của người dân”.
Năm hết, Tết đến, thật ngậm ngùi khi lại tiếp tục nối dài bảng danh sách về những gia đình người Việt đã không thể vui xuân ngay trên chính quê hương của mình.