Phê bình sinh thái trong văn học phương Đông
Chim Báo Bão
(VNTB) – Thể chế chính trị khác nhau dẫn đến những số phận khác nhau. Số phận lầm than của người dân Trung Quốc ngày nay, chỉ có thể giải thích là do những người cộng sản Trung Quốc nắm quyền gây ra.
Như đã nói trong kỳ một , văn minh phương Đông có những chất liệu mà văn minh phương Tây không có. Cách tư duy của người phương Đông khác hẳn người phương Tây, sự phục hưng của phương Đông cũng đến trước phương Tây.
Quan điểm nhất nguyên và nhân đức đối thiên của Trung Hoa
Văn minh phương Đông, mà tâm điểm là nền văn minh Trung Hoa, cho rằng những yếu tố trong thiên nhiên cũng là một sinh thể sống động. Vô số những câu chuyện dân gian truyền miệng trong các cộng đồng dân Trung Hoa cổ, rằng những cái cây nào quá to thì là nơi quỷ thần cư ngụ.
Cùng thời, triết học Đề-các, cơ sở của văn minh phương Tây trong suốt đêm trường, cho rằng thân thể, vật chất chỉ là vỏ ngoài , chỉ có tinh thần mới sống, gọi là quan điểm nhị nguyên (1). Trong lúc đó, người phương Đông, cụ thể là người Trung Hoa, đã cho rằng thân thể và tinh thần có mối liên hệ mật thiết, đây là quan điểm nhất nguyên. Với quan điểm nhất nguyên này, theo người Trung Hoa, linh hồn sống động không chỉ tồn tại trong cơ thể người, mà còn tồn tại trong sông, nước, rừng, muông thú. Đặc biệt, với những cây gì quá to, những con gì sống quá lâu, người Trung Hoa cho rằng nó là nơi ở của thần- hoặc là cái cây đã thành tinh, và tuyệt đối không được động đến. Điều đó có nghĩa nạn chặt phá rừng nếu có ở Trung Quốc thì chỉ có ở thời hiện đại, thời phong kiến thì ý thức hệ của họ nghiêm cấm việc chặt phá rừng, hay còn gọi là xúc phạm hồn thiêng sông núi.
Tam quốc diễn nghĩa có kể lại chuyện Tào Tháo xây điện Kiến Thủy để dưỡng già. Thợ khéo là Tô Việt dâng bản vẽ tòa điện chín gian, Tào Tháo ưng lắm nhưng ngặt không có gỗ to. Tô Việt thưa rằng có một cây gỗ lê cực to mọc cạnh một cái đền, cao hơn mười trượng, có thể dùng làm nóc điện đó. Tào Tháo mừng lắm, lập tức sai thợ đến đốn cây gỗ lê đó.
Hôm sau thợ về báo rằng:
– Cây ấy cưa không đứt, búa bổ cũng không vào, không sao đẵn được.
Tào Tháo không tin, dẫn vài trăm kỵ binh đến trước cửa đền có cửa đền, xuống ngựa, ngẩng mặt xem thấy cây lá xum xuê sát đến mây xanh, thẳng tuột không có một chà chạnh nào. Tháo sai chặt xuống. Có mấy ông cụ già lại kêu rằng:
– Cây này đã mấy trăm năm nay, có thần thiêng lắm, không chặt được đâu.
Tháo nổi giận mắng rằng:
-Ta bình sinh trải khắp dưới gầm trời hơn bốn mươi năm nay, trên trời từ thiên tử, dưới đến thứ dân, ai cũng phải sợ, yêu thần nào dám trái ý ta?
Nói xong, liền rút gươm ra chặt mấy nhát, thì thấy có tiếng kêu sang sảng, máu chảy ròng ròng ở thân cây.Tháo sợ hãi, quẳng gươm lên ngựa, về cung. Canh hai đêm hôm ấy, Tháo nằm không yên, đương ngồi trong điện ngả mình xuống ghế ngủ gà, bỗng thấy một người xõa tóc, tay cầm thanh kiếm, mình mặc áo thâm, đến trỏ vào mặt thét mắng rằng:
– Ta là thần ở cây gỗ lê đây! Mày làm đền Kiến Thủy, sắp muốn cướp ngôi nhà Hán, dám đến chặt cây thần của ta! Ta biết số mày sắp hết, nên đến giết mày đây!
Thá Tháo giật mình vội hô lớn:
– Võ sĩ đâu cả, chúng bay?
Tháo kêu chưa dứt lời, người ấy cầm gươm toan chém Tháo một nhát. Tháo hét to một tiếng, giật mình tỉnh dậy, thấy đầu rức như búa bổ, không sao chịu được. Tả hữu giới thiệu một thần y đương thời là Hoa Đà đến chữa. Hoa Đà nói:
– Đại vương nhức đầu, vì nhiễm phải gió độc, bệnh ở trong óc, không thoát ra được, uống thuốc cũng uổng mà thôi.
Rồi Hoa Đà đề nghị mổ óc chữa bệnh, Tào Tháo không chịu. Kế đó bệnh Tháo mỗi ngày một nặng hơn. Vài hôm sau Tào Tháo nghe trong mình khí bốc lên quáng cả mắt, không trông thấy gì cả. Tào Tháo chỉ kịp dặn dào những việc còn lại cho người của mình, rồi chết.
Câu chuyện trên là một trong số vô vàn những câu chuyện trong nền văn minh Trung Hoa, với minh triết rằng nếu hủy hoại thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ báo ứng, rất nhanh, rất gọn. Ngoài ra còn có hằng hà sa số những câu chuyện trong kho tàng văn học Trung Hoa, chẳng hạn như Liêu Trai Chí Dị, Đông Chu Liệt Quốc, đều nói rằng những cây nào to quá thường có quỷ thần ở. Rõ ràng quan niệm người Trung Hoa, cây cối, chim muông, lắm khi là những bản thể sống động như con người. Đất có thổ công, sông có hà bá, vì vậy sông ngòi Trung Hoa không có ai dám đổ chất độc hay vứt đồ bừa bãi.
Về thái độ đối với những sinh vật trong thiên nhiên, người phương Tây mới dừng ở khái niệm “tình yêu thương động vật”, trong khi người Trung Hoa đã từ lâu đi đến khái niệm “đức hiếu sinh”. Điều đó chứng tỏ về phương diện lý thuyết đối thiên, Trung Hoa đã đạt được đến một tầm văn minh cao hơn. Quan niệm vạn vật bình đẳng cho nên người Trung Hoa xưa kia hết sức yêu thương động vật. Quan niệm vật ngã đồng nhất, vạn vật tương thông, là quan điểm của đạo học Trung Hoa cổ đại, thể hiện xuyên suốt dòng văn học và dòng lịch sử. Ngày nay các nhà nghiên cứu văn học phương Tây khi tiếp xúc với hệ hình tư duy đó, họ rất ngạc nhiên và không ngần ngại thừa nhận: Chính nền văn minh phương Đông, cụ thể là văn minh Trung Hoa cổ đại, có những chất liệu để bảo vệ môi trường mà phương Tây không thể có.
Trung Hoa: Phục hưng và tàn lụi
Khi nói đến Trung Hoa, những người ở châu Âu và Trung Cận Đông đều thốt lên rằng đó là một thế giới, khác hẳn với phần còn lại của thế giới. Người ta biết rằng nước Ý, là cái nôi của phục hưng, nhưng người ta không biết rằng ở viễn Đông cũng đã có một phong trào Phục hưng như vậy.
Chỉ cần một phép so sánh nho nhỏ. Ta nói rằng Phục hưng là một cao trào của thị dân đòi quyền sống bình đẳng với quý tộc, vai trò của quý tộc trong xã hội phải được giảm bớt trao về tay thị dân và tầng lớp tư sản. Trong phong trào Phục hưng, người ta đòi quyền tự do về tâm hồn, với mong muốn thoát ra khỏi trật tự phong kiến kìm hãm cá nhân, tôn vinh trí tuệ của con người. Đã được thống nhất rằng nước tư bản đầu tiên trên thế giới là nước Ý, thành phố có phong trào Phục hưng đầu tiên là thành phố Florence ( Firenze), bắt đầu vào khoảng thế kỷ XIV. Ấy vậy mà ở bên phương Đông, vào thời Đường đã có một phong trào với đầy đủ tính chất trên. Vào thời nhà Đường, tức là từ đầu thế kỷ thứ VII, cũng đã xuất hiện những tên tuổi lớn về tư tưởng, thi ca, hội họa. Người ta không ca ngợi thiên tử nữa, cũng không bị bó buộc nữa, người ta ca ngợi thiên nhiên và ngẫm nghĩ về nhân sinh. Thời đại nhà Đường, cầm-kỳ-thi-họa phát triển như vũ bão, đạt đến trình độ tinh xảo, rõ ràng các tác gia nhà Đường chính là những người Phục hưng đầu tiên của thế giới. Chỉ cần sơ lược với những tác phẩm thơ ca thời Đường thì ta đã thấy tình yêu thiên nhiên, đạo đức sinh thái của cổ nhân Trung Hoa vượt xa thời đại ngày nay. Những vần thơ tuyệt mỹ, tả cảnh ngụ tình của thơ Đường, những Lý Bạch, Vương Duy… là những trang thơ thấm đẫm không gian sinh thái. Những bức tranh thủy mặc của Trung Hoa với những cảnh đẹp núi rừng mộng mơ, cõi đất được khắc họa đẹp như chốn thiên đình.
Rõ ràng so với cuộc Phục hưng ở Trung Hoa, cuộc Phục hưng ở phương Tây thiển cận và có quá nhiều rủi ro. Vì không có nhân đức đối thiên nên cuộc Phục hưng như Trung Hoa, người Phương Tây nhân danh chủ nghĩa nhân văn vắt kiệt thiên nhiên, và theo luật công bằng, họ phải trả giá, tiêu biểu là tình trạng ô nhiễm môi trường khí thở ở nước Anh thời hiện đại.
Đọc đến đây, sẽ có người phản đối, cho rằng nếu Trung Hoa yêu thiên nhiên như thế thì tại sao ngày nay thành phố Bắc Kinh ô nhiễm môi trường kinh khủng nhất thế giới? Lấy đâu ra nhân đức đối thiên mà nước Anh cải tạo được môi trường? Đây là thắc mắc có lý. Câu trả lời nằm trong thể chế chính trị. Thể chế chính trị khác nhau dẫn đến những số phận khác nhau. Số phận lầm than của người dân Trung Quốc ngày nay, chỉ có thể giải thích là do những người cộng sản Trung Quốc nắm quyền gây ra.
Kỳ 3:Phê bình sinh thái và những chất liệu trong văn chương Việt Nam.
Chú thích:
(1) – René Descartes( Rơ-nê Đề-các) có câu nói nổi tiếng: Je pense, se je suis ( Tôi tư duy thì tôi tồn tại). Văn minh châu Âu sùng bái câu nói đó suốt thời gian rất dài, coi tinh thần là thực tồn, còn thể xác và thiên nhiên là hư ảo. Đó gọi là quan điểm nhị nguyên.
Xem lại:
VNTB- Phê bình sinh thái- trào lưu mới trong văn chương (Phần 1)
http://www.ijavn.org/2016/12/vntb-phe-binh-sinh-thai-trao-luu-moi.html