Hiền Vương
(VNTB) – Có lẽ mạch nguồn miền Bắc giờ đã đứt
Sách báo khi viết cổ động chính trị đã từng không ngớt dành ‘lời có cánh’ cho chuyện “uống nước nguồn miền Bắc”, đại để như một kiểu học trò làm văn với ý tứ thời sự như sau:
Năm 1973, Măng Thị Hội – người dân tộc Ba na Chăm quê ở Bình Định, thi tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) đã chọn ca khúc “Bóng cây Kơ nia” làm bài thi tốt nghiệp, và Măng Thị Hội đã giành điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm ấy.
Khi Trường Âm nhạc tổ chức đi biểu diễn ở Thái Nguyên, lúc Măng Thị Hội hát “Bóng cây Kơ nia”, sân vận động Thái Nguyên như vỡ òa bởi những tràng pháo tay của khán giả.
Sau Măng Thị Hội, thì ca sỹ Vân Khánh (Quảng Trị) được cho là người hát “Bóng cây Kơ nia” rất hay và truyền cảm, được nhiều người yêu thích.
Sau này có rất nhiều ca sỹ đã thể hiện ca khúc “Bóng cây Kơ nia” ở nhiều sân khấu chuyên nghiệp quy mô lớn trong cả nước, và gặt hái nhiều thành công vang dội, như ca sỹ Phương Nga với “Bóng cây Kơ nia” đã giành giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình Sao Mai năm 2011…v.v…
Ca khúc hay đến vậy, nhưng có lẽ cái hồn của ca khúc nằm ở lời thơ “Bóng cây Kơ nia” thấm đẫm tình cảm, hiện thực và sức sống mãnh liệt của Tây nguyên bất khuất gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhà thơ Ngọc Anh (1932 – 1965) ở Kon Tum, được nhà thơ khắc họa hết sức tài tình và đầy ý nghĩa qua từng khổ thơ mà theo nhà văn Nguyên Ngọc thì: “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây nguyên, Ngọc Anh thì Tây nguyên từ trong máu”.
Vẫn theo nhà văn Nguyên Ngọc, bạn của nhà thơ Ngọc Anh từ những năm tháng làm báo, làm phóng viên mặt trận ở chiến trường Tây Nguyên suốt thời kháng chiến chống Pháp, thì: “Chính tôi, mãi về sau mới biết, chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. Bóng cây Kơ-nia là hay nhất” – Nguyên Ngọc, Tản mạn Nhớ và quên. Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, trang 38 – trích bài viết “Tâm tình với Bóng cây Kơ nia” đăng trên Thanh niên online ngày 24-7-2011 của Nguyễn Nhã Tiên.
Theo góc nhìn của Tuyên giáo Đảng ở tỉnh Kon Tum thì “Bóng cây Kơ nia” là niềm tự hào của các dân tộc Kon Tum từ những năm tháng chiến đấu oanh liệt giữ làng, giữ nước cho đến hôm nay và cả mai sau. “Bóng cây Kơ nia” trở thành biểu tượng của sự mộc mạc, chân thành, nghĩa tình, thủy chung về tấm lòng, tình cảm và ý chí kiên cường của đất và người Kon Tum.
Nguyên văn bài thơ “Bóng cây Kơ nia” in lần đầu trong tập thơ “Tiếng hát miền Nam”, tập thơ từ miền Nam gửi ra, Nhà xuất bản Văn học,1959:
BÓNG CÂY KƠ NIA
Buổi sáng em lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh, không ngủ…
Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc…
Em hỏi cây Kơ nia:
– Gió mày thổi về đâu?
– Về phương mặt trời mọc,
Mẹ hỏi cây Kơ nia:
– Rễ mày uống nước đâu?
– Uống nước nguồn miền Bắc.
Con giun sống nhờ đất
Chim phí sống nhờ rừng
Em và mẹ nhớ anh
Uống theo nguồn miền Bắc
Như bóng cây Kơ nia
Như gió cây Kơ nia.
Sinh thời, nhà văn Triệu Xuân (phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam) từng kể với bè bạn rằng có ai đó đã đặt cho Măng Thị Hội cái tên Măng Kơ nia!
Giờ ngẫm nghĩ lại với chút liên tưởng vụ 11-6 vừa rồi, cho thấy từ “Bóng cây Kơ nia” của “uống theo nguồn miền Bắc – như bóng cây Kơ nia”, đến ca khúc “Cô gái Pa Cô” với những ngợi ca vinh quang muôn đời đảng cộng sản: “Ớ hỡi núi rừng quê ta cất lên muôn lời ca ta hát mừng chiến thắng – Ơ người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ – Dù gian khổ vượt núi băng rừng…”, cho thấy có lẽ mạch nguồn miền Bắc giờ đã đứt, và con cháu Bác Hồ chỉ còn là dĩ vãng ở thời xa vắng lắm rồi với người dân xứ cao nguyên.
Có lẽ đồng chí Tổng bí thư cần ‘hết sức nghiêm túc kiểm thảo’ việc ‘nói và làm’ đối với “Đề cương Văn hóa Việt Nam” mà đảng cộng sản đã đưa ra từ 80 năm về trước.