Từ Thức
(Paris)
(VNTB) – Phiên tòa xử Mẹ Nấm, Trần Thị Nga là một hài kịch lố bịch, cũng là một bi kịch. Bi kịch của một xã hội đã đánh mất lương tâm.
Các ông lại diễn trò. Trơ trẽn. Xử án nhưng cấm không cho ai coi…
Các ông biết kịch mình diễn quá dở? Trong khi giặc Tầu đe dọa ngoài khơi, quân ta chưa đánh đã chạy, các ông không có gì khẩn cấp hơn là mang một người đàn bà tay không, với hai đứa con dại ra xử. Hành hạ một người đàn bà dễ hơn là đánh giặc. ‘’La vengeance est une justice sauvage ‘’ ( Sự trả thù là một công lý man rợ. Francis Bacon ). Cũng chẳng phải là một sự trả thù, vì có thù oán gì đâu ? Trần Thị Nga hay Mẹ Nấm chỉ bày tỏ một chút lòng với đất nước, đang bị lấn chiếm mỗi ngày. Trên đất, trên rừng, trên biển.
Các ông quan tòa, khi đọc bản án người ta viết sẵn, có một chút áy náy , một giây bứt rứt? Mười năm cho Mẹ Nấm, người đã nói những điều chính các ông nghĩ, nếu còn lương tri. Chính các ông nói, nếu có can đảm. Tội của Mẹ Nấm, bà Nga ? Viết báo, biểu tình chống Tầu, chống Formosa, giúp dân bị cướp đất, cướp nhà khiếu kiện. Trước khi bi giam, bà Nga đã bị côn đồ, tay sai của bạo quyền dùng gậy sắt đánh gẫy tay, gẫy chân. Công an cấm hàng xóm mang hai đứa con dưới 12 tuổi lên thành phố kiếm cơm ăn, khi nhà bà bị phong tỏa.
Trước khi các ông lên án, xin kể một chuyện đã và đang làm xôn xao nước Pháp : cách đây 33 năm, một chú bé, Grégory Villemin, bị giết, thả trôi sông. Vụ án đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, vì ở một xứ văn minh, sinh mạng một đứa trẻ là chuyện cực kỳ nghiêm trọng, không phải nơi trẻ em bị bắt cóc , mổ bụng, lấy nội tạng mà nhà nước khoanh tay, vì công an, cảnh sát dành hết thì giờ, sức lực đi hành hạ đàn bà, con nít biểu tình chống Tầu, chống Formosa.
Sau 33 năm, vụ án sẽ được xét xử trở lại, vì người ta tiếp tục điều tra, vừa tìm được những dữ kiện mới. Ông thẩm phán Jean Michel Lambert, người điều tra vụ án từ những ngày đầu, lúc đó còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, không kiếm ra thủ phạm. Ở bên Pháp, người điều tra, lập hồ sơ cho toà xử là một thẩm phán độc lập, không phải công an, cảnh sát nhận lệnh của nhà nước. Trong 33 năm, hình ảnh chú bé Grégory, cuộc điều tra thiếu sót , phiên tòa không hoàn hảo, tất cả ám ảnh ông thẩm phán Lambert, ngày nay 62 tuổi. Khi báo chí loan tin vụ Grégory trở lại ánh sáng, ông thẩm phán Lambert chụp một túi nhựa lên đầu tự tử, cách đây vài ngày.
Chuyện Tây và chuyện Việt không liên hệ gì với nhau ? Có, có một liên hệ. Đó là vấn đề lương tâm của quan tòa. Một nơi có những người coi lương tâm hơn cả mạng sống của chính mình. Nơi khác, lương tâm của quan toà là một hư cấu, một chuyện viển vông.
Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Tuyên án 10 năm tù một người đàn bà vô tội, thản nhiên như búng tay gọi taxi. Người ta mơ một ông tòa tuyên bố : tôi được lệnh bỏ tù bà, nhưng tôi tuyên trắng án, vì bà vô tội, nhân danh lương tâm quan tòa, nhân danh lương tâm một công dân. Cố nhiên đó chỉ là một giấc mơ.
Phiên tòa xử Mẹ Nấm, Trần Thị Nga là một hài kịch lố bịch, cũng là một bi kịch. Bi kịch của một xã hội đã đánh mất lương tâm.