Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phông bạt và từ lóng mỉa mai thói giả tạo, khoe mẽ

Cảnh Chân

 

(VNTB) – “Phông bạt”  là cụm từ được dùng liên tục trong những ngày qua, khi mà nhiều người bị lộ ra chuyện lợi dụng lũ lụt để sống ảo, khoe tiền từ thiện nhưng lại không chuyển khoản đủ…

 

Cụm từ “phông bạt” được dùng liên tục trong những ngày qua, khi mà nhiều người bị lộ ra chuyện lợi dụng lũ lụt để sống ảo, khoe tiền từ thiện nhưng lại không chuyển khoản đủ…

Phông bạt vốn có nghĩa đen là tấm bạt làm phông nền cho sân khấu. Khi bước lên sân khấu biểu diễn thì các nghệ sĩ thường nói chuyện mỹ miều, duyên dáng, lịch sự. Họ cố khoe ra những cái đẹp mà họ sở hữu, như giọng ca, dáng hình, lời ăn tiếng nói. Từ đó thì “phông bạt” trở thành một từ có nghĩa bóng dùng để chỉ những người hay khoe mẽ, giả tạo, đạo đức giả…

Dạng từ này do một người hay một nhóm người nào đó chế ra. Ban đầu là để châm biếm, chế nhạo, hay đơn thuần chỉ là vui vẻ,  mới lạ, vượt qua các quy chuẩn cũ, làm phong phú thêm ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày. Dần dần thì trở nên quen thuộc và thành thứ ngôn ngữ chính thức.

Bây giờ giới trẻ sử dụng nhiều tiếng lóng hơn. Đôi khi là cường điệu hóa một vấn đề, hình tượng nào đó, đôi khi là để châm biếm, nhắc nhở nhẹ nhàng, chứ không hẳn là công kích, chế nhạo…

Phông bạt là từ thường dùng ở miền Bắc, để giảm nhẹ việc chỉ trích, thay vì phải dùng những từ nặng nề hơn là “bốc phét”, “khoác lác”… Đồng nghĩa với từ “phông bạt” thì có “nổ”, ở miền Nam thường có câu “nổ banh nhà lồng chợ”, “xạo”, “lấy le” …  để chỉ những người thích khoe khoang, nói lố, có một nói mười. Từ đó mới hình thành từ “quăng bom”, “quăng lựu đạn” là để chỉ việc gây ra tiếng nổ, vụ nổ, cũng tương tự như từ “nổ”.

Có vẻ như rất nhiều người thích khoe khoang, nên chuyện “có một nói mười” này được giới trẻ mô tả bằng rất nhiều từ lóng khác nhau. Ngoài “phông bạt”, “nổ”, “quăng bom” thì còn có “sống ảo”, “làm màu”, “ra vẻ”…

Sống ảo tức là hay lên mạng xã hội khoe khoang những hình ảnh đẹp của bản thân, hoặc ở ngoài đời thì tỏ vẻ sang trọng, chảnh chọe với người khác. Tiếp theo từ “sống ảo” lại có từ “ảo ma Canada”, một cách nói vần luyến láy để nói về một người hay khoe khoang lố bịch, hay những sự vật, hiện tượng có vẻ phi thực tế, khó tin…

“Làm màu” thì là từ để nói tới chuyện ai đó thích tỏ ra màu mè, phô trương bản thân. Trước đây thì có câu  “màu mè hoa lá hẹ” cũng tương tư với từ “làm màu”. Hoặc từ “ra vẻ” cũng có nghĩa tương tự, xuất phát từ cụm từ “sao hay ra vẻ quá à” theo kiểu phương ngữ miền Nam. Các bạn trẻ thường nói câu này giễu cợt một cách vui nhộn khi thấy ai đó khoe khoang, hoặc có những hành vi, lời nói, cách ăn mặc hơi lố so với xung quanh.

“Ô dề” hay “làm quá nó ô dề” cũng là một từ để châm biếm cái thói làm màu, khoe mẽ. Xuất phát từ đoạn clip quay lại cảnh một phụ nữ trung niên ăn mặc màu mè, lòe loẹt, trang điểm đậm. Nhưng bà này vẫn khẳng định với người khác rằng: “Làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề”. “Ô dề” được dùng với nghĩa chỉ những thứ bị tô vẽ, làm quá lên, không giống ai…

Ngoài ra thì còn có từ “xà lơ” trong câu “ăn nói xà lơ” dùng để chỉ người “ăn không nói có”. Từ này vốn là “sai lơ”, để nói tới việc sai hoàn toàn, không có thật. Bắt nguồn từ một video bán hàng livestream của hai mẹ con ở Ninh Thuận. Trong đoạn clip đó, cô con gái đã hợp tác với mẹ để giới thiệu sản phẩm, nhưng lại dùng từ ngữ không phù hợp. Người mẹ tá hỏa, mới nói với cô bé là “ăn nói xà lơ, sao con nói dị (vậy)”. Sau câu nói hài hước này thì đoạn video có tới hàng chục triệu người xem và bắt đầu sử dụng từ “xà lơ” từ đó.

Quả thật là khoe khoang cũng có nhiều kiểu, nhiều dạng, nhiều cách khác nhau, nên việc mô tả tính cách, hành động, hoặc hình ảnh đó cũng phải phong phú, đa dạng. Việc phê phán, mỉa mai, châm biếm những người khoe mẽ cũng phải nhẹ nhàng, vui vẻ để tránh đụng chạm, mích lòng nhau. Cho nên đôi lúc người lớn bắt gặp giới trẻ dùng những từ mới, đọc không quen miệng thì cứ nghĩ rằng đó là tiêu cực. Nhưng thật ra việc sáng tạo, ẩn dụ cũng là một cách góp ý vui vẻ để cả người nghe và người nói đều dễ tiếp nhận quan điểm của nhau mà không xảy ra mâu thuẫn.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lời giải cho cuộc chiến mang tên “Cát”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cay đắng thay bốn chữ “đàng hoàng dạy thêm”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Liên Hệ Có Phải là Động Từ hay Không?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.