Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phóng sự ảnh: Sóng ngầm ở đầm Thị Tường, Cà Mau

Hoài An

 

(VNTB) – Thị Tường là đầm cá nước lợ lớn nhất xứ Cà Mau

 

Đầm Thị Tường (còn có tên là đầm Bà Tường) nằm trên phần đất 3 huyện Phú Tân, Cái Nước, Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau, chia thành 3 phần gọi là đầm Trong, đầm Giữa, đầm Ngoài.

 Huyền tích dân gian do chính người dân bản địa kể lại thì Bà Tường là tên người phụ nữ đầu tiên đến xứ này. Bà có công đánh đuổi cọp rừng, quái điểu để bảo vệ người dân và tôm cá ở đầm, nên đời sau nhớ ơn lấy tên bà đặt cho đầm.

Bận xưa đầm Thị Tường còn sâu rộng hơn giờ. Do sự bồi tụ theo thời gian, đầm hiện còn khoảng 700 ha mặt nước, nơi dài nhất khoảng 10 km và rộng ngót nghét 2 km tùy chỗ.

“Bận tui còn nhỏ, theo tía má vô đầm này còn thấy cá nước ngọt vào mùa mưa xuống. Những con cá lóc, cá trê bự 5 – 7kg, lờ đờ dưới đáy sình như khúc củi chìm. Sau này chủ yếu là cá nước lợ, những con cá vược, cá ngát, vồ chó, dứa… từ biển qua cửa sông Mỹ Bình về quần tụ ở đầm” – một lão nông nhắc chuyện xưa.

Vẫn theo lão nông kể thì bà Tường là nhân vật có thật, tên là Tô Quý Thị, thường gọi là Thị Tường.

Bà Thị Tường là 1 trong 11 người con của ông Tô Hòa, một trong những người đi khai phá đất phương Nam. Hiện nay, gia phả của dòng họ Tô ở ấp Nhà Di, xã Trần Thới, huyện Cái Nước vẫn còn ghi chép đầy đủ tên họ những người này.

Cũng theo những người nắm rõ nguồn gốc dòng họ Tô ở Nhà Di, bà Thị Tường có tật ở chân nhưng rất giỏi võ nghệ, được cha là ông Tô Hòa cử đi giữ và khai thác đầm lớn mà sau này thành địa danh đầm Bà Tường…

Để bảo tồn và khai thác tốt đầm Thị Tường, UBND tỉnh Cà Mau từng lập quy hoạch khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Tường. Mục tiêu của việc quy hoạch, nhằm bảo vệ hệ sinh thái đầm thành khu dự trữ tự nhiên, nơi cư trú của nhiều loài thủy sản có giá trị, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo cảnh quan môi trường cùng không gian du lịch sinh thái theo hướng phát triển hài hòa, bền vững gắng với sinh kế của người dân, không làm phá vỡ cảnh quan của đầm.

Dự án Quy hoạch khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên đầm Thị Tường, nhằm sắp xếp lại tình hình nuôi sò và khai thác thuỷ sản tại đây, vẫn chưa được triển khai, tạo nên sự hoang mang của người dân sống nhờ vào đầm. Họ không biết sau khi tháo dỡ, không nuôi sò huyết nữa thì đầm Thị Tường được dùng làm gì, ai sẽ khai thác, quản lý, họ có còn được đánh bắt trên đầm hay không.

 Chính việc nuôi sò đã phát sinh chuyện khoanh mặt nước, xí phần, mua bán mặt nước một cách tràn lan.

Ảnh 7: Hầu hết các dãy rào lưới hiện hữu trên đầm Thị Tường là do các hộ dân từ nơi khác đến thuê để nuôi sò huyết. Người dân bản địa ít thực hiện mô hình nuôi vì cần nhiều vốn.

Giá thuê mặt nước và mua bán vùng nuôi không nơi nào giống nơi nào. Bởi khu vực đầm là nơi tiếp giáp giữa 3 huyện: Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời. Tuỳ theo điều kiện của bãi, dòng chảy… mà khu vực cho thuê, mua bán có giá chênh lệch khác nhau. Trả lại đầm cho đầm, xem ra còn rất lâu lắm mới thực hiện được.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tiêu huỷ đàn chó: lại là lỗi của thế lực phản động

Phan Thanh Hung

VNTB – Mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở bán đảo Cà Mau

Phan Thanh Hung

VNTB – Thăm xóm nhà không cửa đang dần… muôn năm cũ

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo