Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phóng sự: Mùa hè với những đứa trẻ trên đồi Cát Bay

Nguyễn Tuấn

(VNTB) – Mùa hè. Nhiều du khách nói rằng, đến đồi cát Mũi Né – Hòn Rơm mà không có trượt cát thì mất vui. Nhưng đằng sau niềm vui, tiếng cười sảng khoái của du khách đó là những giọt mồ hôi của những đứa trẻ cho thuê ván trượt thấm vào cát…


“Cát Bay” là cái tên mà tụi nhóc nơi đây đặt. 01 giờ trưa. Trời nắng như đổ lửa, kèm từng cơn gió rít những âm hưởng không biết vui hay buồn để chào mời những du khách đến với đồi Cát Bay, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.
Chỉ có nắng và gió giữa không gian mênh mông thoảng chút hương vị biển. Lác đác xa xa, trên những đồi cát chập chùng, đang có từng nhóm người “đương đầu” với nắng, gió. Họ là những du khách và nhóm người kiếm cơm nhờ du khách.
Thoáng nhìn thấy du khách vừa xuống xe, lưỡng lự nhìn lên bãi cát mênh mông, 4 đứa trẻ đang trốn nắng dưới bóng cây vội ôm xấp ván trượt băng nhanh đến chào mời: “Trượt cát đi cô chú. Lên cái đồi đằng kia, con bày cho cô chú trượt”.
Đằng kia, theo hướng tay chỉ của cậu bé là đồi cát khá cao, cách khoảng 200 mét khiến 1 thành viên trong nhóm khách e dè: “Xa quá zậy?”. Vẫn ôm xấp ván trượt trên tay, cậu bé mở nụ cười cầu tài, nài nỉ, thuyết phục: “Xa gì đâu cô? Đi chút xíu tới liền hà. Lên đó trượt mê tơi luôn, chứ cô thấy có ai trượt trong này đâu!”. Cuối cùng, nhóm khách cũng xiêu lòng… trắc ẩn.
Gọi là ván trượt, nhưng thực chất chỉ là những tấm nhựa dày 2mm x 30 x  100 cm. Phong, tên của cậu bé hồ hởi vừa làm hướng dẫn viên, vừa “tâm sự đời tôi” với nhóm khách… tò mò. Nhà của Phong ở Phan thiết, cũng gần đồi Cát Bay. Nghèo lắm. Ba Phong đi theo ghe đánh cá cho người ta (ở đây gọi là “đi bạn”). Ghe nhỏ xíu, không thể ra khơi xa, chỉ loanh quanh bắt cá gần bờ. Má Phong cũng tham gia đội quân bán nước uống cho du khách trên đồi cát này.
Phong 14 tuổi, đang học lớp 7. Bây giờ đang nghỉ hè, ra đồi cát cho người ta mướn ván trượt, phụ má kiếm tiền. Chị Phong lớn hơn Phong 2 tuổi, nghỉ học lâu rồi, cũng “làm việc” ở đồi cát này giống như Phong, nhưng làm thường xuyên hơn, lâu hơn Phong, 5 năm nay rồi.
Mướn tấm trượt 20 ngàn/tấm. Chơi chừng nào thỏa thích thì trả lại. Tuy nhiên, nếu không có sự bày vẻ của “hướng dẫn viên”, du khách khó mà tự trượt ngon lành.
Bươn bả qua vùng cát nóng, cuối cùng cũng đến đỉnh đồi. Khách có thể hình dung mình đang đứng trên đỉnh và sẽ trượt dài theo cạnh 1 tam giác đều có độ dốc 60 độ. Một du khách nhỏ tuổi hăm hở từ ngồi lên tấm trượt, thả lỏng. Tấm trượt trôi từ từ khoảng… 3m thì đứng im bất động trong tiếng cười ha hả của Phong: “Thua rồi! Ai mà trượt kiểu vậy? Lên đây tui bày cho nè”.
Sau động tác khua chân làm phẳng mặt cát nóng, Phong lấy thỏi sáp gạch vài đường mặt đáy tấm trượt, nói như ra lệnh: “Ngồi như vầy nè, nắm chắc 2 cọng dây. Ngã người ra sau. Đừng có hả họng ra coi chừng bị dính cát đó”. Một cú đẩy mạnh sau 3 tiếng đếm 1, 2, 3 của Phong. Tấm trượt băng băng lao xuống dốc như cổ xe trượt tuyết của ông già Noel, chỉ dừng lại khi xuống hết triền dốc, khoảng 20m. Sau cảm giác hả hê, khách phải hì hục, xách tấm trượt leo dốc ngược lên đỉnh đồi để làm tiếp tập 2, tập 3…
Chịu khó lội cát nóng, dang nắng, năn nỉ, chào mời khách, mỗi ngày chị em Phong cũng kiếm được 100 – 200 ngàn đồng phụ má. Nắng nóng, chực một chút nhưng mà vui vì cũng còn kiếm được tiền. Sợ nhứt là lúc trời mưa. Mưa, cát ướt nhẹp, coi như trò chơi này phải dẹp tiệm.
Khi đồi cát vắng bóng khách du lịch, Phong và các bạn đồng nghiệp tụm lại trốn nắng dưới vài bóng cây hiếm hoi ven đồi. Những đứa trẻ vô tư râm ran chia sẻ nhau những câu chuyện vui, chuyện buồn, chuyện nghề, chuyện đời… Để rồi tất cả cùng bật đứng lên, túa ra khi thấy những chiếc xe du lịch dừng bánh. Cùng đồng loạt lên tiếng gọi mời: “Mình lên cái đồi đằng kia trượt cát đi cô/ chú/ anh/ chị…”.
Một ông khách từ Sài Gòn ra đây, kể với tôi rằng, lần nọ, chiều chạng vạng, khách dần rời đồi cát, trước khi uể oải dấn những bước chân nặng nề về với gia đình sau ngày dài bán mình trên đồi cát, thật xúc động khi thấy đám trẻ tùy thu nhập mà đứa góp 5.000 đồng, đứa 10.000 đồng đặng giúp cho thằng cu tên Khang vì bị cát bay vào mắt nhiễm trùng nay mai phải về Sài Gòn mổ mắt. Một hình ảnh đáng để nhiều người lớn đã và đang sống trong sự thờ ơ, có khi lạnh lùng đến vô cảm trước nỗi đau, sự bất hạnh của những người quanh mình, phải suy ngẫm!
Nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa với các em theo cha mẹ tới tham quan đồi cát, được học hành, được du lịch, còn những đứa trẻ ở đồi cát Mũi Né – Hòn Rơm thì tuổi thơ gửi vào cát lòng bỗng bùi ngùi.
Hè của những đứa trẻ trên đồi cát…

NT
Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao vaccine Tàu có hiệu quả thấp?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đình công đã bước sang ngày thứ sáu

Phan Thanh Hung

VNTB – Tiêu chuẩn chọn vaccine

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.