(VNTB) – Không chỉ “nuôi” ở bệnh viện, họ còn nhận về tận nhà của bệnh nhân để làm “ô-sin y tế”.
Bản thân họ, chẳng ai coi đó là một nghề nhưng cuộc sống mưu sinh và nhu cầu xã hội đã dẫn họ đến với một cái nghề rất lạ – nghề nuôi bệnh. Gặp họ ở các bệnh viện thấy những việc họ làm tưởng chừng như đơn giản nhưng thật gian truân, ngay cả những thân nhân cũng chỉ biết đứng nhìn.
Ông Huỳnh Nhân – giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái (TP.HCM) chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi – cho biết khách hàng của công ty thường là người già, kinh tế khá giả. Đa số bệnh nhân (BN) mắc bệnh tai biến mạch máu não, tiểu đường, tim mạch, ung thư, bệnh già… “Đa số những người làm nghề nuôi bệnh đều có hoàn cảnh rất đáng thương, họ tìm đến với nghề vì muốn có một công việc ổn định để có tiền lo cho bản thân và gửi về gia đình”, ông Nhân nói.
Không bao giờ làm nghề nữa!
Dù biết làm nghề nuôi bệnh phải chịu cực, chịu nhẫn nhịn, thế nhưng trên thực tế có không ít người gặp phải những tình huống éo le, khó nói. Một sinh viên nữ 20 tuổi, khi tham gia lớp nuôi bệnh tại công ty học rất chăm chỉ, nhiệt tình. Thế nhưng khi đi nuôi một BN nam 60 tuổi bị ung thư túi mật chỉ đúng một ngày đã nằng nặc xin nghỉ việc và tuyên bố… không bao giờ làm nghề nữa. Lý do: cô rất xấu hổ khi phải thay túi chứa nước tiểu của BN.
Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Hậu (55 tuổi). Lúc này, chị Hậu đang một tay nhẹ nhàng lau mặt, lau cổ cho BN, sau đó bắt đầu bơm thức ăn xay nhuyễn qua ống thông dạ dày cho BN. Dường như cảm nhận được tình cảm của chị Hậu, gương mặt phúc hậu của người bệnh cứ rướn về phía chị, đôi mắt có ánh cười lấp lánh… Nếu chị Hậu không mặc đồng phục người nuôi bệnh của Công ty TNHH Nhân Ái, ai cũng nghĩ BN là người thân của chị.
Chị Hậu kể, chị đã phải khóc thầm vì gặp BN hoặc người nhà BN quá khó tính, khắt khe. Họ không cho nghe điện thoại, cầm từng cái ly, cái muỗng… xem xét chị rửa có sạch không. Có chị lại khổ sở vì BN luôn miệng than mất tiền dù tiền không bị mất đồng nào. Có gia đình BN kỹ đến mức vào nhà thay một đôi dép, vô phòng khách thay một đôi, qua phòng ngủ một đôi khác và vào nhà vệ sinh thêm một đôi nữa. Chỉ cần đi nhầm một đôi dép không theo ý gia đình BN là có thể bị “nặng nhẹ”. Vô ý làm một việc gì đó khiến BN không hài lòng là họ gọi điện đến công ty “mắng vốn”, đòi hủy hợp đồng thậm chí không thanh toán tiền chăm sóc BN. Những lúc như vậy, công ty phải xin lỗi BN và bù lương cho nhân viên.
Không chỉ người nuôi bệnh mới khóc thầm mà ngay cả BN cũng có không ít người rất đáng thương. Như chị Trang được giao chăm sóc một bà cụ bị bệnh tiểu đường. Bà cụ ở với con trai và con dâu, nhưng tiền chăm sóc bà lại do con gái trả. Vì bệnh lâu ngày, con cái không quan tâm, bà bị stress tâm lý rất nặng. Không biết làm gì để giải tỏa ấm ức, bà nghĩ ra cách tiêu, tiểu ngay trong nhà rồi làm tùm lum cho hôi hám để… “trả thù” con cái.
Với những BN như vậy, người nuôi bệnh không chỉ là người chăm sóc đơn thuần mà còn là chỗ dựa tinh thần, là người bạn, người con, người cháu để họ chia sẻ, trút nỗi lòng.
Ông Huỳnh Nhân tâm sự: “Làm nghề nuôi bệnh phải có tâm. Phải xác định việc chăm sóc BN như chăm sóc cha mẹ, anh chị của mình mới có thể chịu cực và vượt qua được mặc cảm của công việc”.
Những người may mắn
Những gian nan, vất vả và cả nỗi oan ức của nghề nuôi bệnh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên may mắn được gia đình BN hết mực yêu quý. Dũng, nhân viên chăm sóc một BN được gia đình mua cho xe đạp điện, cho đi học Anh văn và thương yêu như con cháu trong nhà. Nhiều nhân viên khác còn được tặng cả điện thoại di động để liên lạc với chủ và được cho đi du lịch cùng gia đình ở nhiều nơi.
Ông Huỳnh Nhân cho biết thực tế nghề này có khá nhiều ưu điểm như không phải đầu tư vốn, vừa có bảo hiểm lao động và mức thu nhập khá nên cũng khá đông người dân nhập cư nộp hồ sơ. Nhưng sau khóa học chỉ có khoảng 70-80% tiếp tục, còn lại cảm thấy công việc quá khó khăn đã rút lui. Vì đa số những người sử dụng dịch vụ này là người lớn tuổi, mắc những căn bệnh nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, ung thư…
Hiện nay, có nhiều trung tâm cung cấp người nuôi bệnh như Công ty Nhân Ái, Công ty ProMaids, Công ty SASO.CO… Những BN đang điều trị tại nhà có thể mướn người nuôi bệnh từ các đơn vị này khá an toàn, có hợp đồng, không lo thuê phải người gian.