Kiều Phong (VNTB) Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cơ học ở Việt Nam. Hiện ông là phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, tổ trưởng Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Thủy Lợi thuộc Khoa Xây dựng Thủy Lợi- Thủy điện, trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng. Ông và các giáo bạn trong hội giáo chức Chu Văn An luôn luôn trăn trở vì sao nước ta không có các nhà cơ học giỏi. Đó là câu chuyện của cả toàn xã hội. Kiều Phong của Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Thế Hùng về thực trạng này.
Gs Nguyễn Thế Hùng |
Kiều Phong: Kiều Phong từ Việt Nam Thời Báo xin được mến chào giáo sư Nguyễn Thế Hùng.
GS. Nguyễn Thế Hùng: Xin chào.
Kiều Phong:Thưa giáo sư Nguyễn Thế Hùng, hiện như có thể nói rằng các trường đại học ở Việt Nam không đào tạo được các nhà cơ học giỏi. Về phía sinh viên, nhiều bạn nói rằng họ không dám làm thí nghiệm vì sợ hỏng dụng cụ thí nghiệm, dẫn đến việc phải đền tiền. Mà không thí nghiệm nhiều thì không thể trở thành nhà cơ học giỏi được. Giáo sư nhận xét sao về sự thiếu thốn đó?
GS. Nguyễn Thế Hùng: Vâng, có những thí nghiệm đúng là có những máy móc rất là đắt tiền, mà nếu như sử dụng không cẩn thận thì sẽ hư hỏng thật. Nhưng không phải cứ sử dụng những thiết bị đắt tiền là người sinh viên giỏi, không hẳn phải như thế. Có nhiều thí nghiệm cơ học có thể rẻ tiền nhưng nó tượng hình hoặc có thể thấy bằng mắt thường; tượng hình là khi nhìn vô thí nghiệm mình thực hiện đó, tự dung mình hiểu sâu sắc vấn đề. Ví dụ như khi nén chất lỏng hay chất khí trong bình, lực mình tác dụng nén lên nó càng lớn thì môi trường truyền cho nó áp suất càng tăng. Như vậy mình có thể dùng những thiết bị đơn giản để thí nghiệm, có thể thông qua đòn bẩy hoặc dùng chính những lực tay, thì những kim thiết bị đo báo lên, ở đồng hồ đo áp suất, mình thấy áp suất tăng. Chứ còn như các thiết bị tự động, máy móc hiện đại tăng lực cũng tăng tự động, mình nhìn vào những con số mình không thấy tượng hình được nhiều. Việc tăng áp suất đâu phải tăng bằng cơ học nên không thấy được hiện tượng vật lý đó. Rất nhiều thiết bị cơ học, để cho sinh viên thí nghiệm có thể chế tạo đơn giản, phục vụ cho sinh viên hiểu được môn học, hiểu được những nguyên lý, những định luật sâu sắc hơn. không nhất thiết phải phải sự dụng những thiết bị hiện đại; nhưng sinh viên mình nhiều khi có quan niệm ngược lại là phải có thiết bị hiện đại thì mới nâng cao được chất lượng đào tạo.
Kiều Phong: Các sinh viên ngành cơ học, chẳng hạn như cơ khí động lực và cơ khí chế tạo máy, phàn nàn rằng họ buộc phải học thuộc lòng quá nhiều công thức cho các bài kiểm tra. Thành thử họ không có thời gian để sáng tạo. Điều này có diễn ra tại trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng nói riêng và các đại học khác trên lãnh thổ Việt Nam nói chung không?
GS. Nguyễn Thế Hùng: Vâng, vấn đề học thuộc công thức đúng là tùy ông thầy. Ví dụ các nước người ta lọc thầy rồi mới lọc trò.Khi ông thầy đã được sàng lọc rồi thì ông thầy biết cái nào cần phải học thuộc, cái nào chỉ cần hiểu kỹ không học thuộc. Tức là khi sinh viên thi có thể cho sinh viên giở tài liệu để tham khảo, hoặc những công thức phức tạp, trong đề thi người ta cho hẳn luôn. Cho nên cũng cùng môn học đó nhưng tùy thầy; có thầy cho tham khảo tài liệu, có thầy làm ngược lại. Người thầy có kiến thức sâu sắc sẽ biết cái nào cần học thuộc, cái nào không cần học thuộc mà chỉ cần hiểu kỹ để làm.
Ví dụ trong cơ học chất lỏng, chất khí, ví dụ phương trình Bernoulli thì mình phải học thuộc, đó là phương trình rất cơ bản, dùng rất là nhiều trong lĩnh vực thủy- khí. Các định luật, ví dụ định luật Pascal thì rất phổ biến, không khó nhớ và lặp đi lặp lại nhiều lần không muốn nhớ cũng có thể nhớ được. Còn những cái mà ít gặp mà khó nhớ,ví dụ những phương trình rắc rối như phương trình Navier-Stocks thì chỉ cần sinh viên hiểu kỹ. Bởi vì mình cố gắng học thuộc rồi cũng sẽ quên, việc này còn làm người sinh viên mất nhiều thì giờ vô ích, ngu thêm; làm cho trí mình tập trung tụng niệm miết chỗ đó, giống như tụng niệm thứ chủ nghĩa gì đó xa lạ đối với xã hội loài người văn minh. Cái thứ tụng niệm như thế rất nguy hiểm, càng ngày làm người sinh viên càng mê muội.
Kiều Phong: Thưa thầy, khung chương trình thiết kế cho đào tạo kỹ sư ở Việt Nam là từ 4-5 năm. Các trường đặt thời gian ra trường lâu nhất cho phép một sinh viên là 6-7 năm, nếu quá thì không được tốt nghiệp. Nhưng ở thế giới tiến bộ, các trường cho phép sinh viên trở lại học tiếp chương trình sau những khoảng thời gian rất lâu, có khi cả 10 năm gián đoạn. Việc giáo dục Việt Nam áp đặt một mốc thời gian ngắn như thế có gây áp lực cho sinh viên hay không, và dẫn đến nạn học chay- học tủ hay không?
GS. Nguyễn Thế Hùng: Hiện nay có những cái mình (Việt Nam) chưa theo tiêu chuẩn thế giới văn minh về khoảng thời gian cần phải có. Thì cái đó là một cái dở. Không phải như đại học như em nói mà cao học cũng thế. Cao học mình nói 2 năm cộng 1, tức là 2 năm có thể kéo dài thêm một năm, cái đó rất dở. Cũng giống như đại học 4 năm, 5 năm kéo dài 6-7 năm. Rất dở là vì sao? Không phải áp lực cho người học đâu mà người thầy cũng thế. Vì người thầy thấy người trò chưa đạt được, chưa đáp ứng đầu ra yêu cầu nhưng thương hại nó, thấy nó (sinh viên) gần hết hạn rồi nên xí xóa, châm chước, dẫn đến mất chất lượng. Cho nên các nước không có tại chức, không có tập trung gì hết, nhưng đặt cái chuẩn đầu ra như thế: Vào khoảng thời gian tương đối đủ, đặt thời gian không ngắn quá mà không dài quá. Bởi vì nếu thời gian đào tạo một cấp nào đó dài quá , thì không giúp ích gì cho xã hội. Mà ngược lại (Việt Nam) mình thì thời gian gia hạn lại ngắn quá. Do đó, chúng ta phải theo những tiêu chuẩn thế giới văn minh trong đào tạo, ví dụ tiêu chuẩn của nước có nền giáo dục hàng đầu như Mỹ. Thông thường mỗi nước có một thời gian kéo dài trong đào tạo khác nhau. Việt Nam mình làm như thế là ngắn quá, làm cho người học bị áp lực nặng nề. Do thời gian được phép kéo dài ngắn quá nên người học khó đi vào chiều sâu, không đáp ứng chuẩn đầu ra. Dẫn đến cả người học lẫn người thầy có những suy nghĩ không được đúng đắn như đã nói ở trên.
Kiều Phong: Vẫn với lý do vì sao Việt Nam không có các nhà cơ học giỏi. Phải chăng vì không có thị trường việc làm tự do để thúc đẩy nghiên cứu phát triển?
GS. Nguyễn Thế Hùng: Vì sao Việt Nam chưa có các nhà cơ học giỏi, tôi có một bài viết đăng ở hội thảo các nhà cơ học: “Làm thế nào để Việt Nam có các nhà cơ học giỏi” đăng trong hội nghị toàn quốc về giảng dạy cơ học tổ chức tại Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức TP.HCM tháng 11 năm 2013, cái đó liên quan đến nhiều vấn đề. Thứ nhất, phải nói để Việt Nam có một nhà cơ học giỏi thì phải có một quá trình đào tạo liên hoàn tốt, từ tiểu học, trung học đến đại học và trên đại học, sau đó giúp nhà cơ học những điều kiện vật chất, phương tiện tối thiểu để có thể nghiên cứu tốt được.
Bây giờ tôi nói, phải xuất phát từ triết lý giáo dục lành mạnh, tất cả các nước tiên tiến theo thế giới tự do đều xuất phát từ một triết lý lành mạnh. Tức là đào tạo một con người , làm thế nào để người ta có bản lĩnh có thể tự học suốt đời. Không những người ta nắm vững khoa học tự nhiên mà còn nắm vững khoa học xã hội. Nhiều lúc hiểu tháo đáo khoa học xã hội làm cho nắm vững khoa học tự nhiên tốt hơn, có nhiều sáng tạo hơn, do có sự tương đồng trong các ngành khoa học. Những nước có ngôn ngữ trong giảng dạy không phải là tiếng Anh như Việt Nam cần phải tiếng hành giảng dạy bằng song ngữ; vì hiện nay tiếng Anh là phổ biến, mình phải làm sao nói được tiếng Anh như người bản xứ. Nếu mình nói tiếng Anh ọp ẹp; nghe, viết chẳng bằng người ta, thì việc viết báo hay tham dự thảo luận ở các hội nghị quốc tế, rất là hạn chế. Những cái người ta nói nhiều là điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần; điều kiện vật chất là lương bổng rồi cơ sở vật chất để cho các nhà khoa học nghiên cứu thiếu thốn. Tôi thấy vấn đề cực kỳ quan trọng là tiền đồ của nhà khoa học. Tiền đồ là cái người ta thấy trước mình sẽ được cái gì khi làm việc đó?, để người ta hứng khởi mạnh bước tới. Tức là nếu những nhà cơ học giỏi đã thành danh được xã hội tôn trọng, thì người đi sau thấy con đường đó tốt đẹp thì họ sẽ phấn khởi tiếp tục đi theo con đường đó. Thực tế, người ta (chính phủ Việt Nam) nói một đường làm một nẻo. Nói là “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia” nhưng thực tế cái đó mọi người đều đã thấy không phải như vậy.
Tiếp đấy, một nhà cơ học giỏi giống như một vị tướng, phải có nhiều quân sĩ để sai khiến , để yểm trợ. Ví dụ tôi nói như các giáo sư ( nước ngoài), người ta có các nghiên cứu sinh tập trung, cao học tập trung, đó là cánh tay nối dài của họ để thầy trò người ta thảo luận, cùng nghiên cứu và chớm nở lên những ý tưởng mới. Và người thầy người ta hướng người học trò thảo luận những cái mới, hóc búa ; hướng đến những ý tưởng táo bạo, thảo luận trong môi trường tự do học thuật và như thế nảy sinh ra rất nhiều cái hay.
Còn ở Việt Nam mình hiện nay, tôi giảng dạy mấy chục năm nay, cao học, tiến sĩ, chưa có cao học tập trung, nghiên cứu sinh tập trung. Mà tiến sĩ của mình phải đi làm, vừa làm lại vừa học rất là cực. Thông thường mình hướng học trò nghiên cứu cái gì mình biết chắc chắn là ngon lành. Người nghiên cứu chỉ có cái là đi từng bước, gỡ rối từng bước. Mình cũng rất lo cho nghiên cứu sinh vì họ vừa làm vừa học, quỹ thời gian để học không nhiều, vì thế là hạn chế triển khai những đề tài khó, họ rất khó có điều kiện trong nghiên cứu đột phá.
Đồng thời là khả năng ngoại ngữ; khả năng ngoại ngữ cũng yếu, ví dụ như người học trò nước ngoài viết bài báo , thì mình chỉ cần sửa, không mất công sức nhiều; còn ở Việt Nam mình thì không phải vậy. Bởi vì viết một bài báo quốc tế, mà theo chuẩn mực quốc tế để được người ta thừa nhận thì rất vất vả; giống như nấu một món canh vậy, nó cần có nhiều gia vị; và như vậy rất là mất công. Nếu chúng ta không có những học trò cao học tập trung, nghiên cứu sinh tập trung giỏi thì chúng ta khó có nhiều bài báo (quốc tế) tốt được.
Chuyện nghiên cứu sinh tập trung, cao học tập trung, thầy trò tương tác hằng ngày nó tạo nên những hướng nghiên cứu mới rất là hay. Khi làm cái nọ nó ló ra cái kia, cứ thế có rất nhiều công trình sẽ được công bố. Còn Việt Nam thì không được như vậy. Cho nên tôi nói những trường trọng điểm quốc gia, những đại học quốc tế , mà một khi Việt Nam chưa có cao học tập trung, nghiên cứu sinh tập trung giỏi thì muôn đời ta vẫn là ta, không bao giờ phát triển đuổi kịp các nước phát triển được đâu.
Kiều Phong: Xin cám ơn giáo sư đã dành thời gian cho cuộcphỏng vấn ngày hôm nay.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng: Xin cám ơn, chúc mọi sự tốt lành.