VNTB – Phỏng vấn: Nhận định tình hình Việt Nam 2015 của những bạn trẻ

Khúc Thừa Sơn thực hiện


(VNTB) – Sống cùng vận mệnh của đất nước, ai quan tâm đến hiện tình đất nước Việt Nam cũng dễ dàng thấy được một điều đáng khích lệ và hết sức vui mừng là đã dần xa rồi cái thời hễ khi người dân nghe tới hai từ “ chính trị” hoặc nghe đến những vấn đề nhạy cảm của đất nước là tỏ ra lo lắng, sợ hãi hoặc không dám bàn luận.

Ngày nay mọi sự dường như đã giảm đi một phần đáng kể trong suy nghĩ của từng người. Và điều đặc biệt đáng nói ở đây là những người tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã mạnh mẽ dấn thân cho một Việt Nam hoàn toàn độc lập tự do dân chủ, không ngần ngại công khai bàn luận các vấn đề không chỉ liên quan đến chính trị mà còn bao quát tất cả những vấn đề liên quan đến hiện tình đất nước.

Trong không khí gặp mặt đầu năm 2015, phóng viên Khúc Thừa Sơn, thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam có dịp hân hạnh được làm quen và cùng giao lưu, thảo luận đề tài “Nhìn tình hình Việt Nam năm 2014, tuổi trẻ dấn thân Việt Nam đưa vài nhận định tình hình Việt Nam năm 2015 ” với 3 người bạn trẻ dấn thân ( 2 trong nước và 1 ngoài nước ). Đó là các bạn Nguyễn Công Khoa ( Miền Nam Việt Nam ), Nguyễn Dung (Miền Trung Việt Nam ) và Nah Nguyễn Vũ Sơn ( Hoa Kỳ ).

– Khúc Thừa Sơn: Năm 2014, sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông khiến tình hình chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn “thân thiết” bấy lâu đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, mặc dù sau đó Trung Quốc đã phải di dời giàn khoan ra khỏi lãnh hải chủ quyền Việt Nam. Căng thẳng 2 nước tạm thời bớt nóng nhưng liệu có thổi bùng lên lại sự căng thẳng tương tự trong năm 2015?

Nah Nguyễn Vũ Sơn: Rất có thể. Trung Quốc gần đây có nhiều biểu hiện ôn hòa, nhưng đó là biểu hiện của con sói đang giả vờ để đợi thời cơ. Khó đoán được khi nào thì Trung Quốc sẽ lại tấn công Việt Nam. Nó cũng phụ thuộc vào tình hình chính trị của toàn thế giới. Mĩ gần đây đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều, nhưng liệu giới lãnh đạo Việt Nam có dám cắt đứt quan hệ với Trung Quốc để trở nên thân Mĩ hay không? Hay là sẽ tiếp tục chơi hai mang? Có cùng kẻ thù là Mĩ, liệu quan hệ của Trung Quốc và Nga có ngày càng thân thiết hơn hay không? Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ không dám xung đột trực tiếp với Mĩ, nên sẽ tìm cách đánh lẻ, cả về đường kinh tế lẫn quân sự. Khó có thể biết được khi nào Việt Nam sẽ bị như Ukraine.
 

Bạn Nguyễn Công Khoa. Ảnh: Nguyễn Công Khoa



Nguyễn Công Khoa: Trung Quốc vừa mới tuyên bố hoàn thành khảo sát trữ lượng hải sản sau hai năm khảo sát, và tuyên bố phát hiện mỏ khí đốt lớn trên Biển Đông. Song song với việc này, Trung Quốc cho tăng tốc xây dựng ồ ạt các đảo trái phép trên Biển Đông. Năm 2015 này có thể là năm mà Trung Quốc muốn khẳng định sức mạnh quân sự trên biển của mình bất chấp việc Philippines kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Theo tôi nghĩ thì sẽ không có sự căng thẳng đáng kể nào giữa 2 nhà nước trong năm nay vì năm nay Việt Nam kỷ niệm nhiều mốc lịch sử lớn, xét về mặt ngoại giao có thể hai đảng cộng sản Việt Trung sẽ có những thoả thụân ngầm nào đấy. Còn nếu có căng thẳng xảy ra thì cũng như mèo khóc chuột thôi, tuồng chèo cải lương.

Nguyễn Dung: Căng thẳng ở đây theo tôi nghĩ không phải nằm trong tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam ( ĐCS Việt Nam ) mà là của nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước lo lắng cho vận mệnh dân tộc Việt Nam. Một khi những lãnh đạo Việt Nam còn lúng túng với quan hệ 2 đảng Việt – Trung thì những gây hấn, xung đột leo thang của Bắc Kinh sẽ làm cho người dân và các trí thức mê ngủ ở Việt Nam được xem và nhìn nhận lại các vị lãnh đạo ĐCS Việt Nam có xứng đáng lãnh đạo đất nước, xứng đáng sống nhờ tiền thuế của nhân dân Việt Nam rõ ràng hơn hay không? Những bước gây hấn của Trung Quốc không phải đến bây giờ họ mới thực hiện, chẳng qua trước đây chưa có Internet, truyền thông hiện đại nên người dân ngày xưa không cảm thấy bất an nhiều. Cho nên, không chỉ riêng những năm gần đây mà trong năm 2015 này đây Bắc Kinh tăng cường, gây hấn và mộng bành trướng, xâm lăng của Bắc Kinh không dừng lại việc thôn tính Việt Nam.

– Khúc Thừa Sơn: Kinh tế Tài chính Việt Nam năm 2014 mặc dù có những điểm sáng nhưng cũng đầy những điểm tối, ví dụ như gần 70.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, xuất nhập khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều, nợ công tăng cao, thị trường chứng khoán chao đảo khi Vn-Index có lúc giảm kỷ lục… Nhiều nguồn dư luận đánh giá kinh tế tài chính năm 2014 khó khăn hơn năm 2013, vậy liệu sang năm 2015 kinh tế tài chính có khó khăn hơn năm 2014?

Nah Nguyễn Vũ Sơn: Tôi không theo sát tình hình kinh tế lắm, nhưng theo tôi thì kinh tế Việt Nam năm 2015 nhìn bề nổi là sẽ phát triển. Kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc khiến nó trở thành một nền kinh tế bong bóng. Giá cả dao động thất thường và phụ thuộc vào giá xăng dầu toàn thế giới. Với tình hình các nước lớn đánh đòn kinh tế lẫn nhau như hiện nay, hi vọng là bong bóng sẽ không bị vỡ.

Nguyễn Dung ; Trong một chế độ độc tài như ở Việt Nam, kinh tế tài chính tập trung vào các công ty Nhà nước và đứng đằng sau là các lợi ích nhóm. Sự phát triển kinh tế tư nhân hết sức khó khăn như đang bị bóp nghẹt, cộng thêm các mặt hàng Trung Quốc giá rẻ , chiếm lĩnh hầu hết thị trường Việt Nam nên tất yếu có nhiều doanh nghiệp Việt Nam không trụ vững, giải thể.

– Khúc Thừa Sơn: Tiến trình gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) năm 2014 đã không thành công. Có hy vọng 2015 Việt Nam thành công gia nhập hay không?

Nah Nguyễn Vũ Sơn: Việt Nam được Mĩ hỗ trợ nên việc gia nhập TPP trong năm nay là gần như chắc chắn.

Nguyễn Dung; Tôi nghĩ là không thành công. Hoa Kỳ cần sự cầu thị và sự chân thành muốn gia nhập TPP của Việt Nam chứ không phải là những con số ảo không thực, việc làm lấy lệ. Và tôi cũng hi vọng khi nào Hoa Kỳ thấy được những vị lãnh đạo ĐCS Việt Nam muốn thoát Trung, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, thả tù nhân chính trị, tự do ngôn luận thì lúc đó mới chấp nhận Việt Nam gia nhập TPP.

– Khúc Thừa Sơn: Năm 2013, Việt Nam chính thức là thành viên hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng cũng là năm chính quyền Việt Nam bị quốc tế đánh giá có nhiều vi phạm nhân quyền như bắt giữ , hành hung và khủng bố tinh thần tùy tiện các blogger, những người có tiếng nói đối lập cổ vũ dân chủ nhân quyền dựa theo các lý do viện dẫn là vi phạm pháp luật Việt Nam. Năm 2015 dự đoán tình hình nhân quyền Việt Nam có được cải thiện hơn?

Nah Nguyễn Vũ Sơn: Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2015 vẫn tệ, nhưng sẽ khá hơn 2014. Đàn áp người bất đồng chính kiến sẽ vẫn xảy ra, nhưng sẽ không thể xảy ra trên diện rộng. ĐCS Việt Nam sẽ không dám mạnh tay đàn áp người dân vào lúc này vì muốn giữ quan hệ tốt với Mĩ và các nước đồng minh của Mĩ.

Nguyễn Công Khoa: Dự đoán cá nhân tôi thì năm nay là năm tình hình nhân quyền Việt Nam chẳng những không được cải thiện mà còn có chiều hướng tệ hơn, khi Nhà nước còn xác định dùng tù nhân lương tâm để làm con tin mặc cả với thế giới nhằm đạt cho bằng được những hiệp định thương mại FTA, TPP ,v..v.., cũng giống như giai đoạn xin gia nhập WTO 2007-2008.

Nguyễn Dung: Nếu trong năm 2015, Việt Nam không gia nhập được TPP thì chứng tỏ chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn còn đàn áp, bịt miệng, bắt giam những nhà đấu tranh trong nước. Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn mong những người thừa lệnh cấp trên là các anh an ninh hiểu ra việc làm sai trái của mình, nếu không giúp được các nhà đấu tranh dân chủ thì hãy giả lơ, ngấm ngầm ủng hộ họ mà không làm tổn thương đến tinh thần và thể xác của họ.

– Khúc Thừa Sơn: Căng thẳng đất đai giữa người dân và chính quyền cũng là đề tài nóng bỏng ở năm 2014 tiếp diễn cho những năm trước bằng những hình ảnh khiếu kiện và cưỡng chế khốc liệt. Năm 2015 tình hình có lắng đọng xuống hay nóng bỏng hơn?

Nah Nguyễn Vũ Sơn: Mâu thuẫn giữa người dân và ĐCS Việt Nam sẽ ngày càng tăng, điều đó là chắc chắn. Tuy nhiên năm nay khác với những năm trước, và phần thắng sẽ dần nghiêng về phía người dân, với lý do như tôi nhận định ở trên.

Nguyễn Công Khoa: Dân oan ngày càng nhiều, cường hào ác bá thì công khai cướp đoạt đất đai của nhân dân với lý do quy hoạch để phát triển túi tham, ăn cướp tài sản của người dân. Lắng dịu là điều không thể, không khéo năm nay lại nóng bỏng hơn.

Nguyễn Dung: Cái này thực ra tôi không rõ lắm. Nhưng với tình hình kinh tế ảm đạm như thế này, cộng thêm cái đầu những quan chức lãnh đạo chỉ biết bán đất ở những vị trí đắc địa thì việc khiếu kiện, cưỡng chế đất đai và dân oan là điều có thể xảy ra.

– Khúc Thừa Sơn: Nhục hình tra tấn và nhiều vụ án có dấu hiệu sai phạm lạm quyền của những đại diện nền tư pháp Việt Nam được phát hiện. Trong khi ấy năm 2014 Việt Nam đã ký kết công ước chống tra tấn nhục hình quốc tế, dự đoán năm 2015 Nhà nước Việt Nam làm gì hay không làm gì trước nền tư pháp Việt Nam vốn có nhiều bất cập hiện tại?


Nah Nguyễn Vũ Sơn: Tôi không rành về mặt pháp luật của ĐCS Việt Nam, nên xin không đi sâu vào câu hỏi này. Theo tôi thì việc lạm dụng nhục hình tra tấn sẽ vẫn diễn ra.

Nguyễn Công Khoa: Dự đoán năm nay, Nhà nước này nói chung, ngành tư pháp nói riêng cũng sẽ vẫn ăn tục nói phét như mọi năm, tình hình lạm quyền, bức cung, tra tấn sẽ vẫn không có gì thay đổi dù cho Chính quyền có ký bao nhiêu công uớc quốc tế đi chăng nữa, cũng đạp lên dư luận quốc tế và coi nhân dân như cỏ rác, rất nhiều lời nói láo không biết ngượng mồm.

– Khúc Thừa Sơn: Năm 2014, trên bàn nghị trường Việt Nam luôn nghe nói nhiều đến vấn đề “thoát Trung, thân Mỹ và phương Tây”. Rất nhiều nhận định cho rằng vấn đề nghị trường Việt Nam thoát Trung là không thể bởi nó đánh đổi quá nhiều quyền lợi của Đảng Cộng Sản và chế độ, nhưng không thoát Trung thì quyền lợi đất nước luôn bị đe dọa, đặt trong tình trạng hiểm nghèo trước mộng bành trướng, hiếu chiến từ phía Trung Quốc. Năm 2015 hy vọng nghị trường Việt Nam có thay đổi sang thân Mỹ và phương Tây hay không ?


Nah Nguyễn Vũ Sơn: Theo cảm nhận của tôi, ĐCS Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục chơi hai mang, vừa thân Trung vừa thân Mĩ. Chính sự hai mang này đặt đất nước Việt Nam vào tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì Mĩ và Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tranh giành sức ảnh hưởng tại Việt Nam, dễ dẫn đến xung đột quân sự, như vụ Biển Đông trong năm vừa qua, hoặc thậm chí là lớn hơn. Nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không tấn công Việt Nam khi Việt Nam được hậu thuẫn của Mĩ là một nhận định sai lầm của rất nhiều người Việt. Cũng không loại trừ khả năng cộng sản Việt Nam đã ngấm ngầm thỏa thuận riêng với Trung Quốc và chỉ đang lợi dụng Mĩ để mưu lợi cho riêng đảng phái của mình, dùng Mĩ như một chỗ dựa đề phòng trường hợp cộng sản Trung Quốc lật lọng và không tôn trọng những giao kèo trước đó. Đây mới chính là lý do khiến phía Mĩ còn đang dè dặt trong việc hậu thuẫn Việt Nam, chứ thật ra Mĩ không quá quan tâm việc cộng sản Việt Nam có tôn trọng nhân quyền hay không?

Nguyễn Công Khoa: Theo ngu ý của tôi thì Nghị trường Việt Nam là một cái sân khấu kịch, các ông bà nghị chỉ ngồi gật gù theo ý của Đảng chứ có bàn thảo quyết sách gì cho ra hồn đâu. Trên từ Bộ Chính Trị , TW, thấp xuống đến tận cấp cơ sở chỉ lo cho số phận của bản thân họ chứ quan tâm gì đến vận mệnh nước nhà. Cũng chính họ chia phe ra rồi chơi trò đi dây với Trung Quốc và phương Tây. Điều tệ hại nhất mà dư luận đã đưa ra nhiều bằng chứng là họ đem Nhân dân ra làm cây giữ thăng bằng cho công cuộc đi dây của họ. Nghiêm túc mà nói thì năm nay có lẽ phe thân Mỹ và Phương Tây sẽ vận động ráo riết hơn, thứ nhất là để thủ thế trước sự hung hăng của Trung Quốc khi có những tuyên bố sặc mùi thuốc súng gần đây, thứ nữa là để vận động đàm phán mấy cái hiệp định thương mại quan trọng trong năm nay.

Nguyễn Dung: Theo tôi thì không, ĐCS Việt Nam vẫn tiếp tục với màn đu dây chính trị, ngoài mặt thì cầu viện Hoa Kỳ và phương Tây viện trợ , đầu tư y tế, giáo dục nhưng thực ra đi đêm với cộng sản Trung Quốc để qua mặt người dân Việt Nam. Những người dấn thân vì dân chủ như tôi quen biết chỉ có thể làm ở đây là ra sức nâng cao dân trí để người dân hiểu được quyền con người, được tự do ngôn luận, được quyền bầu cử quyết định người lãnh đạo và giám sát người lãnh đạo có làm đúng thiên chức của mình hay không?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)