Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phỏng vấn NV Bùi Công Dụng về trưng cầu dân ý: “Không được quy kết những ý kiến đối kháng gay gắt”

Khúc Thừa Sơn thực hiện
(VNTB) – “… khi ban hành luật này thì sự bắt đầu của nó là phải làm rõ giá trị pháp lý của những ý kiến của dân, dù đó sẽ là những ý kiến đối kháng gay gắt liên quan đến nhiều lĩnh vực đáng quan tâm của đất nước”.

 Images intégrées 1

Nhà văn Bùi Công Dụng
Trong khi Quốc hội Việt Nam ban hành Luật trưng cầu ý dân nhưng còn ở giai đoạn dự thảo thì đã nảy ra tranh luận nhiều vấn đề trong các phiên hội Quốc hội gần đây. Điều gì khiến một văn bản luật tiến bộ và không phải hiếm ở các nước trên thế giới nhưng lại gặp nan giải ở Việt Nam?
Việt Nam Thời Báo đã có cuộc trao đổi với nhà văn Bùi Công Dụng, hiện đang sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng, để nghe những chia sẻ của ông về vấn đề này        
KHÚC THỪA SƠN: Thưa ông, ông có thể cho quý bạn đọc Việt Nam Thời Báo hiểu sơ qua về khái niệm Trưng Cầu Ý Dân?

Nhà văn BÙI CÔNG DỤNGTrưng cầu ý dân, đó là việc Nhà nước mời người dân cho ý kiến trước khi quyết định về một vấn đề cụ thể nào đó. Về hình thức thì đó là một cuộc bỏ phiếu để trực tiếp lấy ý kiến của người dân. Tức là những vấn đề tuy Quốc hội đã bàn thảo thông qua rồi, nhưng vẫn chưa phải là đã đủ điều kiện thực thi, mà Quốc hội phải hỏi lại ý kiến quảng đại quần chúng nhân dân. Cách làm đó gọi là thực thi dân chủ trực tiếp. Lâu nay ta chỉ quen thực hiện dân chủ đại diện, tức là dân bầu ra những vị đại diện cho mình, rồi để tự các vị ấy bàn thảo, ban bố những quyết sách, trúng trật đâu thì dân cam chịu, phẫn uất quá thì biểu tình chống lại, chống lại ngay những người mình bầu ra. Cho nên đúng nghĩa nhất vẫn là nhân dân là người cuối cùng quyết định vấn đề. Quốc hội tổ chức tạo điều kiện cho nhân dân quyền bày tỏ ý kiến, thông thường là qua bỏ phiếu kín.

KHÚC THỪA SƠN: Việc Trưng Cầu Ý Dân để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất nước là điều không có gì mới lạ ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước dân chủ, thế nhưng ở Việt Nam còn đang là vấn đề tranh cãi có nên áp dụng hay không là vì những nguyên do gì?

Nhà văn BÙI CÔNG DỤNG:  Không mới lạ nhưng không phải nước nào cũng áp dụng. Ví dụ ở Pháp, Thụy Sĩ… thì có trưng cầu. Mỹ thì chỉ ở một số bang chứ trưng cầu cấp liên bang thì chưa. Các nước Anh, Đức thì chưa áp dụng bao giờ…. Cho nên có thể nói thế này, việc trưng cầu ý dân trong chừng mực nào đó nó có thể làm thay đổi một sự cố hữu khiếm khuyết nào đó đang tồn tại trong điều hành của bộ máy công quyền, điều mà người ta không muốn. Cho nên chính ở các nước dân chủ người ta cũng rất đắn đo chứ không phải chỉ có ở Việt Nam.
Câu hỏi này cũng chưa chính xác ở chỗ không phải có nên áp dụng hay không? Ngay từ đầu tháng 6 này, trên nghị trường quốc hội thì đa số đại biểu đều nhất trí việc ban hành luật này rồi, chỉ chưa bấm nút là vì các vị còn đang bàn thảo những vấn đề nào, điều kiện nào, thời điểm nào thì đưa ra trưng cầu ý dân. Đó cũng là việc bình thường thôi. Quốc gia nào cũng có những cân nhắc như vậy.

KHÚC THỪA SƠN: Theo ý của ông, việc tiến hành áp dụng Trưng Cầu Ý Dân ở Việt Nam sẽ bắt đầu từ đâu khi mà Hiến pháp có ghi nhận nhưng luật lại chưa có ban hành ?

Nhà văn BÙI CÔNG DỤNG:  Chưa có thì rồi sẽ có. Thuật ngữ “trưng cầu ý dân” đã có trong bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 và được kế thừa trong các bản hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Nhưng cho tới nay Nhà nước vẫn chưa ban hành thành luật để thực thi hiến pháp. Xu thế đi lên của một đất nước dân chủ là phải có luật này. Các nước trên thế giới cũng tùy điều kiện cụ thể, tùy theo nhận thức về dân chủ, tùy thời gian, thời điểm của họ mà áp dụng các điều luật này.
Nói về bắt đầu từ đâu thì việc đầu tiên theo tôi khi ban hành luật này thì sự bắt đầu của nó là phải làm rõ giá trị pháp lý của những ý kiến của dân, dù đó sẽ là những ý kiến đối kháng gay gắt liên quan đến nhiều lĩnh vực đáng quan tâm của đất nước. Anh phải thừa nhận, chấp nhận là những có ý kiến đó và anh phải giải thích về sự tồn tại cũng như khả năng thực thi của nó, chứ không được phủ nhận và quy kết những ý kiến đó mà làm khó cho người dân.

KHÚC THỪA SƠN:  Đã có ý kiến cho rằng dân trí nước ta còn thấp nên chưa thể áp dụng việc Trưng Cầu Ý Dân. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

Nhà văn BÙI CÔNG DỤNG:  Lập tức cũng đã có rất nhiều ý kiến, thậm chí thành làn sóng phản đối mạnh mẽ ý kiến coi thường dân trí kia. Ý kiến đó không đáng để mất thì giờ bàn luận.

KHÚC THỪA SƠN: Nếu khoảng thời gian tới việc Trưng Cầu Ý Dân được áp dụng thành luật thì người dân được lợi gì?

Nhà văn BÙI CÔNG DỤNGCái lợi cơ bản nhất và đáng kể nhất là cái tâm thế của người dân được nâng cao, được tôn trọng. Người dân không còn cảm giác bị áp lực khi bày tỏ chính kiến của mình, không bị áp đặt chính kiến mà thấy được tự do tư tưởng. Đó là nói cho người dân. Chứ nếu nói cho Đảng cầm quyền thì đảng sẽ càng được lợi lớn. Vì chắc chắn sẽ thu hẹp được khoảng cách câu nói “Ý đảng lòng dân”. Hiện nay khoảng cách này là quá xa.

VNTB chân thành cám ơn những ý kiến chia sẻ của nhà văn Bùi Công Dụng. 

undefined

Tin bài liên quan:

“Quan chức, công chức ngoại tỉnh mua nhà ở Hà Nội rất nhiều”

Phan Thanh Hung

Ai có thể trở thành nội gián cho cướp biển?

Phan Thanh Hung

Phát hiện: Ngân hàng nhà nước “gài” Thủ tướng bằng nợ xấu 17%?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.