(VNTB) – Nếu Tô Lâm quản lý không tốt thì phải từ chức để người khác làm. Chứ không thể để người không có năng lực nhận lương từ thuế của dân được.
Ông Tô Lâm vừa có một phát biểu đáng chú ý trước quốc hội CSVN khi thừa nhận “thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu”. Người đứng đầu đảng CSVN cho rằng “dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm”, đồng thời cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh.
Nhìn lại Việt Nam thời gian qua có khá nhiều lệnh cấm lạ lùng, bị người dân phản ứng mạnh. Ví dụ như cấm ngực lép lái xe, cấm đi xe không chính chủ, cấm bán bia vỉa hè, cấm mua lầm mũ bảo hiểm dỏm, cấm quay phim chụp ảnh công an, cảnh sát giao thông… Một số điều luật này được ban hành lúc ông Tô Lâm là bộ trưởng bộ công an. Cho nên ngay cả chính ông Tô Lâm cũng có cái tư duy quản không được thì cấm chứ đừng nói chi ai.
Tuy nhiên, thay vì chịu trách nhiệm người đứng đầu, Tô Lâm đổ qua cho người khác: “Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của quốc hội, các cơ quan của quốc hội, các đại biểu quốc hội và chính phủ”. Tô Lâm nói. Tức là ông tổng bí thư quy trách nhiệm cho chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn và thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính.
Trong cơn bão thanh lý môn hộ mà Tô Lâm tạo ra từ đầu năm tới nay, thì việc đổ trách nhiệm cho hai thành viên tứ trụ là một động thái cho thấy cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các bên vẫn chưa dừng lại. Có thể Tô Lâm muốn dùng vấn đề “quản không được thì cấm” này để nhắc nhở các đối thủ chính trị rằng lò vẫn cháy, đừng để tổng bí thư phải mạnh tay.
Quay trở lại chuyện chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Quốc hội, chính phủ là cơ quan dưới quyền của đảng cộng sản, Tô Lâm là người đứng đầu đảng. Nếu chỉ nói chung chung, nói cho có nói thì rồi mọi chuyện vẫn sẽ không có gì thay đổi. Điều này đã diễn ra mấy chục năm nay, quan chức cộng sản nào nói cũng hay, mà thực tế là càng ngày đảng cộng sản càng tệ hơn, xã hội càng rối ren và tha hoá hơn.
“Quản không được thì cấm” có thể đổi thành “quản không được thì cứ để hoạt động, rồi ra luật bảo vệ người dân. Ví dụ chuyện quản lý mại dâm ở Việt Nam. Có khi nào mà CSVN quản ký được đâu, nhưng vẫn cấm. Cố cấm để rồi công an, xã hội đen, tội phạm thay nhau hành hạ phụ nữ, mà không một cơ quan nào bảo vệ. Tới khi bị lộ ra thì chính những người phụ nữ nạn nhân này lại bị bắt ở tù.
“Quản không được thì cấm” cũng có thể đổi thành “quản không được thì từ chức”. Là lãnh đạo đất nước, là cơ quan lập pháp, hành pháp, thì cán bộ nhà nước phải có khả năng làm quản lý, quản lý nhân sự, quản lý hành chính, quản lý xã hội. Nếu quản lý không tốt thì phải từ chức để người khác làm. Chứ không thể để người không có năng lực nhận lương từ thuế của dân được.
Nếu thật sự muốn bỏ được cái tư duy cũ, thì ông Tô Lâm phải là người đầu tiên đứng ra làm gương cho cán bộ cấp dưới làm theo. Với cương vị tổng bí thư, đại tướng công an, giáo sư tiến sĩ luật, Tô Lâm muốn cho thiên hạ thấy mình là người văn võ song toàn, đứng đầu bá quan văn võ. Thì Tô Lâm phải dám đứng ra chịu trách nhiệm thay cho cấp dưới, dám từ chức khi thấy mình không thể thay đổi tư duy của đảng viên dưới quyền. Đó mới là bản lãnh của người lãnh đạo. Mà nói cho cùng, loại như Tô Lâm thì làm gì có bản lãnh từ chức để làm người tử tế!
______________________
Tham khảo: