Anh Khoa dịch
(VNTB) – Chính phủ đối lập hy vọng việc giúp quân nhân trốn thoát sẽ làm suy yếu quân đội
Ngày 8 tháng 1 năm 2022
Ange Lay đã cố gắng kìm chế sự lo lắng của mình vào một buổi sáng tháng 7 năm ngoái khi ông, vợ và con gái của họ lái xe rời căn cứ quân sự nơi họ sống. Là trung sĩ trong quân đội Miến Điện, ông Ange Lay được cấp trên cho phép đi thăm họ hàng. Thay vào đó, ông và gia đình tìm đường đến lãnh thổ do một nhóm phiến quân kiểm soát, thay đổi xe nhiều lần trên đường để “cắt đuôi”.
Ông Ange Lay không hài lòng với cuộc sống trong quân đội nhiều năm nay. Sĩ quan đối xử với lính cấp bậc thấp như người hầu. Bất cứ ai phàn nàn sẽ bị đấm vào đầu hoặc tống giam. Ông ấy nói: “Chúng tôi sống trong sợ hãi”. Và sau khi làm việc vất vả trong quân đội khét tiếng tham nhũng trong 15 năm, ông Ange Lay thấy mình cũng chẳng được gì. “Quân đội đang kéo đất nước xuống bùn cùng với họ,” ông nhớ lại đã nói với một người lính khi ông biết rằng Tatmadaw đã đảo chính cướp chính quyền. Cuối cùng ông quyết định đào ngũ.
Có nhiều người khác như ông Ange Lay. Kể từ cuộc đảo chính, khoảng 2.000 binh sĩ và 6.000 cảnh sát đã chạy trốn đến lãnh thổ do lực lượng nổi dậy kiểm soát, theo Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), một chính phủ đối lập bao gồm các nghị sĩ bị phế truất, giúp tổ chức kháng chiến. Có khả năng là những người lính khác đã bỏ trốn hoặc vượt biên. Nhiều trong số những người đã về với phía kháng chiến đã được những tổ chức People’s Embrace và People’s Soldiers (Vòng Tay Nhân Dân và Binh Đoàn Nhân Dân) giúp đỡ, những tổ chức này do người lính cũ giúp binh lính chạy trốn thành lập. Cả hai phối hợp với chính phủ đối lập và một số nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số có thiện cảm ở vùng biên giới của Myanmar.
Những người lính liên lạc với họ thông qua một ứng dụng nhắn tin được mã hóa, đã quyết định đào tẩu hoặc đang cân nhắc. Tình nguyện viên với nhiều người là cựu quân nhân kêu gọi những người đang còn phân vân hãy nghĩ đến việc các thế hệ tương lai của người Miến Điện sẽ nghĩ về họ như thế nào nếu vẫn ở trong quân đội. Họ cung cấp cho những người đào ngũ những chỉ dẫn về cách xác định vị trí lãnh thổ “đã được giải phóng” và giúp họ đến đó. Sau khi đến nơi, họ được cung cấp thực phẩm, nhà ở, trợ cấp và chăm sóc y tế, được tài trợ từ chính phủ đối lập và các khoản đóng góp từ công chúng.
“Chương trình đào ngũ là rất quan trọng,” Yee Mon, bộ trưởng quốc phòng của chính phủ đối lập, cho biết rằng chương trình có thể khiến quân đội bị sụp đổ và theo cách ít bạo lực hơn. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng cho đến nay chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ quân nhân thực sự đào ngũ. Quân đội có khoảng 300.000 binh lính và 80.000 cảnh sát. Nyi Thu Ta, một cựu đại úy quân đội và là người sáng lập Binh đoàn Nhân dân, nói rằng cần có ít nhất 10.000 binh sĩ đào ngũ để “tình trạng rạn nứt trong quân đội lộ rõ”.
Theo chính phủ đối lập, nhiều binh sĩ muốn chạy trốn nhưng không thể vì nhiều lý do khác nhau. Tatmadaw/Quân đội giám sát binh lính rất chặt chẽ. Việc liên lạc với thế giới bên ngoài doanh trại bị hạn chế rất nhiều. Một số trại có những khu không có internet. Hầu hết lính tráng không còn được rời doanh trại khi chưa được phép. Trước đảo chính, những người đào ngũ sẽ phải ngồi tù 5 năm. Bây giờ rất có thể họ sẽ bị tử hình.
Nhưng chính phủ đối lập vẫn lạc quan. Nhà phân tích Kim Jolliffe cho biết số lượng quân của Tatmadaw gây hiểu lầm. “Một số lượng lớn” binh lính “chỉ là những người cầm súng nhưng ít được huấn luyện”. Tinh thần của họ cũng đang đi xuống. Lực lượng này phải đối mặt với nhiều địch thủ hơn so với 20 năm trước, và đang phải chiến đấu với các nhóm sắc tộc, người Bamar đa số. Quân đội cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân.
Khi mỗi người lính trốn sang phe kháng chiến, có khả năng có rất nhiều người đã đào ngũ. Theo Ye Myo Hein của Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, từ 5.000 đến 7.000 binh sĩ đã từ bỏ quân đội mỗi năm trước cuộc đảo chính. Con số vào năm 2021 có lẽ cao hơn nhiều. Bất kể họ đào ngũ vì lý do gì, những người lính chạy trốn sẽ nhận ra cảm giác của ông Ange Lay khi ông lái xe ra khỏi doanh trại. “Tôi cảm thấy mình thật tự do … Giống như trút bỏ một thứ gì đó, một gánh nặng mà tôi đã phải gánh trong rất nhiều năm.”
Nguồn: The Economist