Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quản trị quốc gia phải bằng luật pháp chứ không thể là nghị quyết Đảng

Nguyễn Huyền

(VNTB) – 10 năm, 170 cán bộ cấp cao bị xử lý, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, tướng lĩnh, có người đứng đầu không ít bộ ngành, địa phương…

Xin hãy nhìn thẳng vào vấn đề là có nên tiếp tục tung hô thế này khi bàn về chuyện tham nhũng, đó là tuyến các bài viết tuyên truyền – cổ động chính trị mà giới biên tập viên nội chính của các tòa soạn đều thuộc nằm lòng những kiểu câu đầy sáo ngữ – trích: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần quán triệt, “việc nào ra việc ấy”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, rồi “kiên quyết chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng”, “anh được giao chống tham nhũng mà tham nhũng, tiêu cực thì tôi xử trước”…

Những thông điệp giản dị, trực diện mà đầy thuyết phục, đi vào lòng người bởi nó được chắt ra từ thực tiễn cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực cam go, quyết liệt. Nó đã hình thành hệ thống lý luận về chống tham nhũng, từ kỷ luật Đảng, xử lý hành chính đến xử lý hình sự, liên thông, đồng bộ, kiên quyết.

Việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương do bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương đứng đầu cho thấy lò sẽ nóng đều hơn, không thể có chuyện trên nóng, dưới lạnh…”.

Các nội dung ở trên là nằm trong tuyến bài tường thuật về Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 – 2022) do Bộ Chính trị tổ chức với sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra sáng 30-6, với sự tham gia của hơn 81.000 đại biểu cả nước qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Số liệu báo cáo công khai ở hội nghị cho biết, trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/ 33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/ 33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/ 30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/ 5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/ 5.647 bị cáo.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (tháng 1-2021) đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/ 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/ 1.054 bị can).

Liên quan công tác thu hồi tài sản tham nhũng, theo Ban Nội chính trung ương, đã “có chuyển biến tích cực”. Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,7% (năm 2013, tỉ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 41,3%.

Nội dung mà báo chí tường thuật về tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 – 2022), không thấy các phần liên quan đến Luật phòng, chống tham nhũng; trong khi đó về nguyên tắc của quản trị quốc gia, nếu việc phòng, chống tham nhũng không đạt kết quả như mong muốn, thì điều đầu tiên cần phải xem xét đó là vì sao Luật phòng, chống tham nhũng lại không mang đến hiệu quả về quản lý?

Phải chăng ở đây còn có vấn đề tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực trong khối Đảng, mà theo nguyên tắc chung lâu nay, chỉ khi có ý kiến của người đứng đầu Đảng thì “pháp luật” mới đến lượt mình “nhắm” đến.

Bộ luật hình sự 2015, phần các tội phạm về tham nhũng được quy định tại Mục 1 Chương XXIII bao gồm 07 Điều luật từ Điều 353 đến Điều 359; cụ thể: 1. Tội tham ô tài sản (Điều 253); 2. Tội nhận hối lộ (Điều 354); 3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); 4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); 5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); 6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); 7. Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).

Như vậy nhìn khái quát cho thấy với luật chuyên ngành và luật chung là Bộ luật hình sự, dường như vẫn chưa thể xử trí được chuyện tham nhũng. Cần thiết ở đây và có thể đó cũng là mấu chốt: hãy xem lại quyền độc lập tư pháp, và chuyện đồn đoán rằng “tứ trụ” luôn có được “kim bài miễn tử”?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam đang lừa cả thế giới?

Do Van Tien

VNTB – Vì sao tôi phản đối việc ‘xã hội hóa’ chích ngừa, mặc dù thấy… có lý?

Phan Thanh Hung

VNTB – VinFast chọn sự im lặng khó hiểu?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo