Việt Nam Thời Báo

VNTB – Qui luật ‘gần đèn thì sáng’

Tuan Nguyen

 

 

Cái đồng hồ hơn 85 tuổi này đáng giá bao nhiêu? Có lẽ vài ngàn đôla?

Hãng sản xuất là Patek Philippe. Thời điểm sản xuất là năm 1937. Đồng hồ có đường kính chỉ chừng 30 mm, tiêu biểu thời đó. Ba thông tin đó cho biết giá của đồng hồ phải trên 5000 USD.

Nhưng một thông tin quan trọng khác là chủ nhân. Người đeo cái đồng hồ này là vua Phổ Nghi (1906 – 1967), vị vua sau cùng của Trung Hoa. Ông lên ngôi năm 1908 (lúc mới 2 tuổi).

Chiếc đồng hồ hiếm hoi

Câu chuyện đằng sau cái đồng hồ mới thú vị. Năm 1945 (Thế chiến II) ông bị bọn Hồng quân của Liên Xô bắt giam ở Siberia. Trong thời gian bị giam tù ông quen thân với viên thông ngôn người Nga, và năm 1950 ông tặng viên thông ngôn cái đồng hồ. Sau khi viên thông ngôn qua đời, gia đình ông đem cái đồng hồ đi đấu giá.

Trong thời gian trị vì, vua Phổ Nghi muốn có một cái đồng hồ để giữ giờ, và thế là các cận thần phải tìm mua bên Thuỵ Sĩ. Hãng Patek Philippe được chọn chế tạo cái đồng hồ cho vua. Theo một nguồn tin, Patek Philippe đã phải bỏ ra 3 năm để nghiên cứu và sản xuất cái đồng hồ cho Phổ Nghi. Người đứng đằng sau ‘dự án’ này là nghệ nhân Victorin Piguet và Antoine Gerlach, một trong những người làm đồng hồ nổi tiếng trong lịch sử. Xin nói thêm rằng Victorin Piguet không liên quan gì với hãng làm đồng hồ Audemars Piguet.

Kết quả là cái đồng hồ như thấy trong hình. Những đồng hồ mắc tiền thường phức tạp, như mặt đồng hồ thường là Calatrava (loại này chỉ dùng cho dây da, chứ không kim loại được). Đồng hồ có hình mặt trăng, có ngày. Chất liệu chánh của đồng hồ là bạch kim, một kim loại thuộc hàng mắc nhứt thời đó. Cái máy đằng sau đồng hồ là do Victorin Piguet thiết kế và có tên là “Reference 96”. Patek Philippe cho biết họ chỉ làm 7 chiếc đồng hồ với cái máy này. Điều đáng nói là những tính năng phức tạp đó phải ‘nén’ trong một cái case chỉ 30 mm đường kính, chứng tỏ các nghệ nhân phải rất tuyệt vời. Chiếc đồng hồ được giao cho vua Phổ Nghi vào tháng 10 năm 1937.

Tính đến nay, chiếc đồng hồ này đã 86 tuổi tuổi. Dù đã 86 năm qua, chiếc đồng hồ này chưa được bảo dưỡng! Những vết trầy xướt trên đồng hồ là do vua Phổ Nghi nhờ một người hầu cạo lớp sơn bạc trên mặt số để xem nó có thật làm từ bạch kim! Xem ra ông vua này cũng không tin mình đeo đồng hồ xịn . Như nói trên, chiếc đồng hồ này chỉ ‘đi’ với dây da. Và, chiếc dây da trong hình là nguyên bản của 85 năm trước, không hề thay thế.

Vậy chiếc đồng hồ trị giá bao nhiêu? Theo nhà đấu giá ở Hồng Kông nó sẽ có giá trên 3 triệu USD.

Qui luật gắn bó

Cái giá của chiếc đồng hồ nói lên một qui luật mà Albert-László Barabási, tác giả cuốn sách “The Formula”, mô tả là “Preferential Attachment”, tạm hiểu là Qui luật gắn bó. Trong dịch tễ học người ta gọi là Matthew Effect hay Hiệu ứng Matthew.

Qui luật này có thể mô tả đơn giản là người giàu càng giàu hơn. Nếu bạn đã là người nổi tiếng, thì bạn có thể sẽ dễ thành công hơn trong tương lai, nhưng nếu bạn chưa phải nổi tiếng, bạn nên liên kết và làm quen với những người danh tiếng thì xác suất thành công sẽ cao.

Nếu bạn là ca sĩ chưa nổi tiếng, thì bạn nên ca chung với các danh ca vài bài thì sau đó bạn sẽ … ok. Tương tự, nếu bạn là nhà khoa học chưa thành danh, bạn nên đầu quân hay làm nghiên cứu chung với một người thành danh, thì tương lai bạn sẽ … ok. (Đó chính là lí do tại sao khi đọc lí lịch khoa học, người ta xem qua những địa chỉ mà đương sự đã làm qua).

Nói theo tiếng Việt mình cho dễ hiểu là: ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’.

Qui luật ‘Gần đèn …’ cũng có vẻ đúng trong thị trường. Năm 2017, cái đồng hồ hiệu Rolex 6062 của vua Bảo Đại có giá thị trường không quá 50,000 USD, nhưng khi người ta biết chủ nhân của nó là một ông vua, nên khi ra sàn đấu giá nó có giá trị hơn 5 triệu USD!

Bức tranh nổi tiếng Christ (Chúa Jesus) được bán với giá 450 triệu USD. Nhưng lần bán trước đó vào năm 2005, bức tranh đó trị giá chỉ … 10,000 USD. Điều gì giải thích cho sự gia tăng giá trị của bức tranh? Trước đó và cho đến năm 2005, người ta nghĩ rằng tác giả của bức tranh là học trò của danh họa Leonardo da Vinci, thế nhưng sau này thì qua đánh giá khoa học người ta mới biết tác giả là Leonardo da Vinci. Đó chính là lí do giải thích tại sao bức tranh có giá trị cao như thế.

Quay lại chiếc đồng hồ của Phổ Nghi, nếu xem xét chất liệu và tính năng thì chiếc đồng hồ này, dù là hiếm, khó có thể lên đến con số 10000 USD. Thế nhưng trong thực tế người ta kì vọng rằng nó sẽ có giá trên 3 triệu USD. Rất có thể giá sau cùng là hơn con số đó, vì người Tàu cũng đâu muốn một bảo vật như thế này về tay người nước ngoài. Các ‘đại gia’ Tàu thừa khả năng mua chiếc đồng hồ gấp 10 lần con số này.

Tóm lại, nhân câu chuyện chiếc đồng hồ của vua Phổ Nghi, tôi muốn ôn lại câu thành ngữ ‘Gần đèn thì sáng’ cho vui. Chiếc đồng hồ đó nếu do một ‘dân đen’ như chúng ta đeo thì chắc nó chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng vì nó gần chỗ sáng quá nên cái giá nó cũng tăng theo

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tình cảnh nông dân miền Tây ngày nay

Do Van Tien

VNTB – Vaccine không phải là ‘viên đạn bạc’ chống covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9 Danh Chính Ngôn Thuận Sự Thành?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo