Phạm Chí Dũng
VOA
Có một khả năng là vào cuối năm 2016, luật Lập hội sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua và do đó mở ra khả năng thành lập các công đoàn độc lập tại doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ)
Bí thư Thăng ‘diễn biến hòa bình’?
Khoảng hơn hai tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam, sau một thời gian cố tình trì hoãn, đang phải thúc đẩy việc “thí điểm” định chế Công đoàn độc lập – một điều kiện tiên quyết để Việt Nam được vào TPP.
Trong lúc giới dư luận viên – mà có thể hiểu phía sau giới này là các cơ quan tuyên giáo và công an – dần chuyển giọng theo cách “Sự xuất hiện của công đoàn độc lập sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tuy nhiên không ai có thể khẳng định tất cả các công đoàn độc lập đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp như vậy”, dấu hiệu hiện lên rõ nhất đến từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng với Liên đoàn Lao Động TP HCM vào ngày 23/8/2016. Tại đây, nhân vật có tần suất lên báo dày đặc nhất trong các chính khách Việt bất ngờ cho rằng yêu cầu đình công của công nhân là chính đáng và còn đặt câu hỏi: “Sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”. Thậm chí ông Thăng còn phát ra đánh giá “chưa thành công là do tổ chức công đoàn chưa mạnh dạn làm việc đó”, và yêu cầu Liên đoàn Lao động TP HCM nếu chưa tổ chức thành công thì cứ mạnh dạn tổ chức cho thành công.
Hiện tượng chưa từng có nói trên là trái ngược hoàn toàn với toàn bộ những gì mà đảng đã quyết liệt bài bác, chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn độc lập với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công của công nhân Việt Nam đúng theo lối trả lời thật thà “Chưa bao giờ!” của Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM Trần Kim Yến trước câu hỏi “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?” của Bí thư Thăng.
Nhưng giờ đây, Bí thư Thăng đang “diễn biến hòa bình” chăng? Hay chỉ lỡ lời như theo phong cách chỉ đạo đầy cảm xúc bồng bột vốn có ở ông?
Nhúc nhích ‘sửa luật’
Nếu nhớ lại vụ Bob Kerry hồi tháng 5/2016 thì khó có thể cho rằng Bí thư Thăng lỡ lời. Khi ấy, chỉ vì tỏ ra không chống đối Bob Kerry – cựu chiến binh từng tham gia bắn giết trong cuộc chiến tranh Việt Nam – làm chủ tịch Hội đồng tín thác của Trường đại học Fulbright, bài trả lời phỏng vấn của Ủy viên Bộ Chính trị kiêm bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã bị Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ – theo mật lệnh từ “ai đó” – thẳng thừng gỡ xuống. Kể từ đó, ông Thăng ăn nói có vẻ cẩn trọng hơn và cũng không quá “đi đâu cũng báo” như một số vị cách mạng lão thành càm ràm.
Thật ra cảm xúc được coi là đột ngột của Bí thư Thăng với phạm trù đình công của công nhân đã được dẫn dắt bởi giới quan chức tuyên giáo trung ương từ đầu tháng 8/2016. Một chiến dịch tuyên truyền cho việc Việt Nam sắp vào TPP với đủ thứ lợi ích đã một lần nữa được tung lên mặt báo chí nhà nước, kèm theo vài ẩn ý về việc “sẽ sửa luật Lao động, đặc biệt là chương về Công đoàn và những cam kết về lao động quốc tế”.
Như vậy, phải suýt soát một năm kể từ khi Việt Nam hoàn tất đàm phán song phương về TPP, chế độ mới nhúc nhích “sửa luật”.
Một năm trước, dấu hiệu rõ nhất thuộc về Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.
Ngày 10/9/2015, báo điện tử Vietnamnet đã đăng bài phỏng vấn ông Kiên. Đây là lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm của Việt Nam công khai một số thông tin về tiến trình hình thành tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam, liên quan trực tiếp đến quá trình Việt Nam đàm phán đa phương và song phương với các nước khác về Hiệp định TPP. Còn trước đó, mọi thông tin về công đoàn độc lập hầu như không tồn tại trên mặt báo chí nhà nước.
Nội dung đặc biệt nhất trong toàn bộ bài phỏng vấn này là câu trả lời của ông Nguyễn Đức Kiên: “Chúng ta cam kết thế, phải luật hóa các cam kết đó, và phải thực hiện 24 tiếng sau khi phê chuẩn TPP”.
Câu trả lời của ông Nguyễn Đức Kiên đã gián tiếp xác nhận rằng Nhà nước Việt Nam đã chính thức chấp nhận và cam kết điều kiện cho thành lập tổ chức công đoàn độc lập (hay “công đoàn cơ sở” theo cách gọi né tránh của Việt Nam) sau khi hoàn tất đàm phán song phương với các nước, đặc biệt với phía Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã trở thành quan chức đầu tiên của Việt Nam nhắc lại một sự thật ít người biết:
“Việt Nam trở thành thành viên của ILO năm 1998 sau khi đạt được thỏa thuận lùi thời gian thực hiện lại, tức có lộ trình. Có 13 công ước của ILO, trong đó, chúng ta đã và đang thực hiện 8, và 5 chưa thực hiện.
Có hai công ước quan trọng nhất. Thứ nhất là Công ước 87 về quyền tự do lập hội của người lao động ở cơ sở, hay nói nôm na là quyền lập công đoàn cơ sở. Một nhà máy có thể có nhiều công đoàn, như công đoàn công chức, công đoàn công nghiệp, công đoàn hóa chất, hay thậm chí là hội thợ may quê Nghệ An… Người lao động được tự do gia nhập các tổ chức ấy, hoặc là họ tự lập ra một tổ chức và chính quyền phải chấp nhận. Họ có quy chế, có đăng ký, và các tổ chức ấy được đối xử bình đẳng.
Thứ hai là Công ước 107, khi công đoàn tập hợp được trên 50% người lao động thì họ có quyền liên kết lại để ký với chủ thỏa ước lao động; và nếu cần, họ có thể đình công, hay kêu gọi đình công hợp pháp. Công đoàn này có thể hỗ trợ công đoàn khác. Họ liên kết ngang, liên kết dọc”.
Tất nhiên, cho tới nay vẫn khó có chuyện nói ngang nói dọc ngoài ý đảng, mà phải theo nghị quyết và chủ trương. Lý do đơn giản là nếu không có chủ trương được thể hiện bằng văn bản, những nhân vật như Nguyễn Đức Kiên và Đinh La Thăng không thể tự tiện “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Nếu thông tin đầu tiên và quá khó tin về công đoàn độc lập cho Việt Nam được công bố từ chính Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama – khi ông đến nói chuyện tại nhà máy Nike ở bang Oregon vào đầu tháng 5/2015 – rằng lần đầu tiên Việt Nam sẽ phải để cho công nhân tự do thành lập các nghiệp đoàn của họ, thì sau đó một thông tin ngoài lề cho biết chính vào thời điểm tháng Năm ấy, giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam đã quyết định chấp nhận vô điều kiện định chế Công đoàn độc lập để Việt Nam có thể được vào TPP, đồng thời làm “quà” cho chuyến đi Mỹ tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Tuy vậy, nếu không có cơ chế chế tài, sẽ hoàn toàn không đơn giản để Nhà nước Việt Nam chịu thực thi cam kết về Công đoàn độc lập, khi Nguyễn Phú Trọng cùng các cấp dưới của ông ta vẫn giấu biệt khái niệm Công đoàn độc lập cùng việc triển khai nó nhiều tháng trời sau khi rời Phòng Bầu dục. Chỉ sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ Obama, mới xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và phương Tây đã sắp sẵn một cơ chế chế tài đối với chính quyền Việt Nam về việc thực hiện công đoàn độc lập và cả tự do tôn giáo.
‘Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định TPP’
Hãy nhớ lại vào năm 2015, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã cứng rắn chưa từng thấy: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định TPP”.
Vào đầu tháng 12/2015, Tom Malinowski đã có một cuộc gặp đáng chú ý với cộng đồng Việt Nam ở Washington. Lần đầu tiên, Malinowski đã giải đáp khá chi tiết về hướng thực hiện Công đoàn độc lập ở Việt Nam, đồng thời thông báo về việc TPP có cơ chế để ràng buộc Việt Nam trong việc thực thi các quyền của người lao động:
“Hầu hết các yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi luật pháp và Quốc hội Việt Nam phải thông qua các luật đó. Họ muốn thực hiện trong bao lâu thì tùy. Nhưng một khi Quốc hội Mỹ thông qua TPP, nếu điều đó xảy ra, thì lúc đó, Việt Nam cũng vẫn chưa vào được TPP. Vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ bắt đầu thực thi các cam kết. Và chỉ khi chúng tôi chứng nhận với Quốc hội Mỹ rằng họ đã thực hiện tất cả các cam kết, thì lúc đó Việt Nam mới bắt đầu được miễn thuế và hưởng các lợi ích khác của TPP.
Trong quá khứ, các hiệp ước thương mại khác không đưa các điều khoản về quyền của người lao động vào trong quy trình giải quyết khiếu nại, nhưng TPP thì có”.
Malinowski cũng cho biết: TPP thiết lập một ủy ban song phương để giám sát việc thực hiện và báo cáo cho chúng tôi một khi phát hiện ra sai phạm và đề nghị biện pháp xử lý. Ủy ban đó sẽ gồm 3 thành viên độc lập với các chính phủ: một người do chính phủ Việt Nam đề cử, một do Hoa Kỳ chỉ định và một do ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) bổ nhiệm.
Hoa Kỳ sẽ định kỳ tái đánh giá quá trình thực hiện của Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn không để cho công đoàn độc lập được hình thành, thì những lợi ích về kinh tế tiếp theo sau thời điểm đó sẽ không được áp dụng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho đây là yếu tố quan trọng vì các khoản miễn thuế đặc biệt quan trọng của TPP chỉ được chính thức áp dụng sau 5 năm hoặc 10 năm. Điều này cho phép Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội, các nhà hoạt động có thời gian và công cụ để giám sát việc thực thi cam kết của Việt Nam.
Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập!
Có một khả năng là vào cuối năm 2016, luật Lập hội sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua và do đó mở ra khả năng thành lập các công đoàn độc lập tại doanh nghiệp. Và theo cam kết của Nhà nước Việt Nam, trước khi TPP được Quốc hội Mỹ thông qua (có thể vào đầu năm 2017), Việt Nam phải làm một số động tác triển khai Công đoàn độc lập. Thời gian không còn nhiều, trong khi sức ép về việc đưa Việt Nam “tái hòa nhập” vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) một lần nữa đang tăng vọt trong Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu. Nếu CPC được áp vào Việt Nam, cánh cửa cho chế độ này vào TPP xem như sẽ đóng kín.
Bây giờ mới là lúc những người như Bí thư Đinh La Thăng lên giọng.
Tâm thế “còn nước còn tát” của chính quyền thật đáng nể!
Rất có thể, chính quyền Việt Nam muốn “đi tắt đón đầu” cơ chế Công đoàn độc lập bằng một phương châm duy nhất: Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập. Tức tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Nói trắng ra là “đình công cuội”, như lịch sử đương đại của đảng đã một số lần tổ chức “biểu tình cuội”.
Chẳng những thế, đảng còn đang đặc biệt chú ý làm sao để gầy dựng hình ảnh “thủ lĩnh” cho đình công, và có thể sắp tới là “thủ lĩnh biểu tình”. Yếu tố tâm lý mới mẻ này đã thoát thai từ một câu hỏi của Bí thư Thăng: “Các cuộc đình công đều có thủ lĩnh. Vì sao công nhân lại coi những người công nhân không phải là cán bộ công đoàn là những thủ lĩnh các cuộc đình công mà không coi cán bộ công đoàn là thủ lĩnh? Chúng ta phải suy nghĩ về việc này”.
Lùi một bước để tiến nhiều bước!
Cho tới nay, vẫn không ít quan chức trong chính quyền còn mang ảo vọng về một kịch bản tái lặp như thời Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC vào năm 2006 và gia nhập WTO vào năm 2007, để sau đó “trở cờ” và “hốt” phần lớn giới đấu tranh dân chủ nhân quyền cứng đầu và a dua với phương Tây. Phương châm tình thế hiện thời vẫn là “lùi một bước, tiến nhiều bước”, cứ tạm nhân nhượng để Việt Nam vào được TPP, sau đó sẽ “hốt trọn ổ”.
Công đoàn độc lập, cũng bởi thế, sẽ là cuộc chiến đầy cam go gian khổ trên mảnh đất Việt Nam đang lấp ló giao thời từ toàn trị sang “dân chủ nửa mùa”.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.