VNTB – Quốc hội Việt Nam lại họp bất thường

VNTB – Quốc hội Việt Nam lại họp bất thường

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Chiều hôm nay 2-5-2024 tại Hà Nội sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV.

 

Hơn nửa tháng sau đó, Quốc hội khóa XV lại tiếp tục họp, gọi là “Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV”.

Như vậy khả năng kịch bản kỳ họp bất thường vào chiều nay chỉ nhằm đến vấn đề mang tính thủ tục hành chính của việc bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm của ông Vương Đình Huệ, sau sự kiện “cho thôi giữ các chức vụ” theo đơn yêu cầu tự nguyện của ông Huệ.

Theo khoản 1 Điều 43 Nội quy ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, thì Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo trình tự cụ thể sau đây:

Cơ quan, người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm người giữ chức vụ, sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức;

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;

Đại diện cơ quan hoặc người có thẩm quyền báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội;

Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người được đề nghị miễn nhiệm, người bị đề nghị bãi nhiệm, cách chức có quyền phát biểu ý kiến;

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu; Sau đó Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức bằng hình thức bỏ phiếu kín;

Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức;

Quốc hội thảo luận; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết; Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

Kết thúc nội dung cho thủ tục hành chính miễn nhiệm. Nếu mọi chuyện suôn sẽ, cá nhân ông Vương Đình Huệ không đăng đàn ý kiến phản đối gì về nguyên do khiến ông có “đơn yêu cầu” gửi Bộ Chính trị, thì khối lượng công việc nêu trên xem ra cũng ngốn hết phần giờ hành chính của buổi chiều ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài từ tuần cuối tháng 4 đến hết ngày 1-5-2024.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ giữ vai trò của ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội. Đây cũng là chính khách được đồn đoán là ứng viên cho vai trò Chủ tịch Quốc hội trong thời gian còn lại của khóa XV.

Ông Vương Đình Huệ là chính khách đầu tiên của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lâm vào tình cảnh bị miễn nhiệm khi Quốc hội vẫn chưa kết thúc nhiệm kỳ. Trong vai trò là người đứng đầu cơ quan lập pháp, thì việc miễn nhiệm này đối với ông Huệ theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị, một lần nữa cho thấy đây không phải là tổ chức độc lập về quyền lập pháp, mà chỉ là cánh tay nối dài của Đảng; chịu mọi sự chi phối, sắp đặt nhân sự của Đảng.

Trong quá khứ, lịch sử Quốc hội Nhà nước Cộng sản Việt Nam (phân biệt với Quốc hội của thể chế Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam), ghi nhận quyền hạn và uy tín của Chủ tịch Quốc hội thay đổi trong suốt những năm qua. Điển hình hai Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là Nguyễn Văn Tố và Bùi Bằng Đoàn đều không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội thứ 4 là Trường Chinh lại được cho là người quyền lực thứ hai trong Bộ Chính trị.

Trường Chinh là người tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Quốc hội Cộng sản Việt Nam, khi giữ chức vụ này từ năm 1960 đến năm 1981. Đồng thời, lúc bấy giờ ông còn kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vừa mới được thành lập, năm 1981. Lúc này, tên gọi Trưởng ban Thường trực Quốc hội được thay đổi thành Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong lịch sử, chức vụ này còn gọi là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (1945–1960) hoặc Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960–1976).

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)