Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền biểu tình

Linh Giang

 

(VNTB) – Luật Biểu tình không chỉ là đòi hỏi của một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền, mà Luật Biểu tình còn là kênh quan trọng nhằm duy trì trật tự xã hội.

 

Vậy là ở cả 3 thành phố lớn là Hà Nội – Sài Gòn – Đà Nẵng đều có biểu tình phản đối chính sách thuế.

Các cuộc biểu tình này mang yếu tố nước ngoài khi diễn ra với màu áo của Grab – ứng dụng đặt xe hiện đang có mặt tại 6 quốc gia là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Theo nghị định 126/2020, bắt đầu từ ngày 5-12, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ. Hành khách đi xe phải chi thêm tiền theo từng km, còn tài xế lo ngại vì cước phí tăng dẫn đến tình trạng ế ẩm.

VAT là thuế gián thu nên kể từ khi tăng mức thuế thêm 7%, thì 27,273% là tỷ lệ khấu trừ mỗi cuốc xe mà tài xế phải chịu so trước kia là 20%.

Nồi cơm của các tài xế đã bị sứt mẻ, vậy là xuống đường biểu tình phản đối thôi.

Quyền biểu tình là một quyền dân sự, chính trị quan trọng của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, quyền biểu tình được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ năm 1959 đến năm 2013. Hiến pháp năm 1946 tuy không ghi nhận trực tiếp quyền này, nhưng có thể hiểu quyền biểu tình là nội hàm của quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp theo quy định tại Điều thứ 10.

Cũng giống như quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình được thực hành theo cách ôn hòa, không được dùng để xúc phạm, gây chia rẽ, bất ổn hay kích động các hành vi bạo lực, phân biệt đối xử.

Là nội hàm của quyền hội họp hòa bình, quyền biểu tình luôn đi kèm với hình thức “phi vũ trang”. Đồng thời, được phân biệt rằng, biểu tình là một hình thức của tự do hội họp, nhưng không phải là hội họp một cách ngẫu nhiên, mà nó đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị cẩn thận, chu đáo.

Giữa những người đi biểu tình phải có tối thiểu một mối liên hệ chung, đó là mục đích của biểu tình. Hành vi hội họp một cách ngẫu nhiên, bất thường cần được phân biệt rõ ràng với hành vi biểu tình, vì các hành vi này đưa đến những hệ quả pháp lý khác nhau.

Hiện nay, mỗi khi có các cuộc biểu tình tự phát của người dân thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam thường áp dụng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Tuy nhiên, Nghị định này lại nhằm để điều chỉnh hành vi “tập trung đông người ở nơi công cộng” chứ không phải là điều chỉnh các hoạt động biểu tình.

Cần phải hiểu rõ việc tập trung đông người ở nơi công cộng có thể là một hình thức của biểu tình, nhưng chưa chắc đã là hoạt động biểu tình. Theo quy định của Nghị định này, các hoạt động tập trung đông người chỉ được diễn ra khi có sự “cho phép” Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Quy định này là hoàn toàn trái với tinh thần của pháp luật về biểu tình. Bởi biểu tình là một quyền tự do, người dân chỉ cần “thông báo” đến cơ quan nhà nước về việc tổ chức biểu tình chứ không phải là “xin – cho”.

Đồng thời, các quy định của Nghị định này đều thể hiện rõ xu hướng là tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, chứ không phải là tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình. Hơn nữa, biểu tình là một quyền hiến định và vì thế, những nội dung liên quan đến quyền này chỉ có thể được ghi nhận trong luật chứ không thể dùng nghị định để điều chỉnh.

Như vậy, Luật Biểu tình không chỉ là đòi hỏi của một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền, mà Luật Biểu tình còn là kênh quan trọng nhằm duy trì trật tự xã hội.

Không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các cuộc biểu tình. Đó là kênh giao tiếp quan trọng giữa nhân dân với chính quyền, nó góp phần làm các bên hiểu biết và dễ chia sẻ với nhau hơn.

Với các cuộc biểu tình ủng hộ, đương nhiên, Nhà nước tìm thấy trong đó những tiếng nói khích lệ, sự đoàn kết, ủng hộ của dân chúng với các chủ trương đúng đắn.

Còn với các cuộc biểu tình phản đối, phải hiểu đó không phải là sự chống đối của người dân mà đó chính là kênh quan trọng để người dân bày tỏ quan điểm một cách hòa bình, góp phần để Nhà nước phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quản lý để từ đó nhanh chóng khắc phục.

Biểu tình chính là một kênh phản biện xã hội quan trọng cần có trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhân quyền lành tính ‘made in Vietnam’

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Vì sao Việt Nam chưa có Luật biểu tình?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bị kỷ luật Đảng là đồng nghĩa vi phạm pháp luật?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo