Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam

Hà Nguyên

 

(VNTB)  – Tỷ lệ nữ tham gia chính trường là nằm trong ‘hạn ngạch’ của Bộ Chính trị.

 

Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%”. Chỉ thị số 35-CT/TW (ngày 30/5/2019) của Bộ Chính trị yêu cầu: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”.

Như vậy trong chuyện tỷ lệ này cho thấy quyền chính trị của phụ nữ tham gia chính trường có sự phân biệt, và điều đó nếu nói nặng nề hơn thì đây là chỉ dấu của vi phạm nhân quyền, mà cụ thể là Công ước CEDAW.

CEDAW là tên viết tắt của “Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ”  (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against Women) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979.

Ngày 3/9/1981, sau khi nước thứ 20 thông qua, công ước này bắt đầu có hiệu lực với tư cách một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ. CEDAW là một trong những điều ước quốc tế về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất với tiêu chí xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ là tạo điều kiện quan trọng để phụ nữ có cơ hội bình đẳng và phát triển đầy đủ, tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động,

Đến nay, theo Uỷ ban CEDAW, đã có 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc.

Các nước phê chuẩn Công ước này được yêu cầu phải đưa bình đẳng giới vào pháp luật quốc gia, bãi bỏ mọi điều quy định phân biệt đối xử trong các luật của mình,và ban hành các quy định mới để bảo vệ chống phân biệt đối xử với phụ nữ.

Thêm vào đó, các quốc gia phải cam kết không những bảo đảm bằng pháp luật hiện hành mà còn phải có những hành động cần thiết để phụ nữ được hưởng sự bình đẳng.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết tham gia công ước vào ngày 29/07/1980 và được phê chuẩn vào 27/11/1981.

Ghi nhận thực tế về quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam cho thấy sau khi kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, bộ máy Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Phạm Minh Chính có 6 nữ, trong đó có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng 3 ủy viên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội và 2 thành viên Chính phủ là nữ: Bà Võ Thị Ánh Xuân, 51 tuổi, là nữ Phó Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban công tác đại biểu. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Và sắp tới đây dự kiến có thêm gương mặt lãnh đạo nữ thứ bảy là bà Đào Hồng Lan – Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, nhiệm kỳ Đảng, lãnh đạo cao nhất ở ngành tòa án, viện kiểm sát đều không có nữ chính khách. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp trung ương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng không có sự góp mặt của chính khách nữ. Đặc biệt là từ năm 1930 đến nay, Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Thủ tướng cũng chưa thấy gương mặt chính khách nữ nào được xướng tên.

Trong 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, chỉ có 1 nữ là bà Trương Thị Mai – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Trước đó, khóa XII có 2 nữ chính khách là ủy viên Bộ Chính trị là bà Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Tòng Thị Phóng.

Ở nhiệm kỳ Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị hoàn toàn không có một nữ chính khách nào.

_________________________

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo