Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Các bài báo cụ thể phải được Tòa dân sự tuyên là vi phạm vào các điều luật hình sự, thì sau đó mới tính được việc mở rộng trách nhiệm hình sự của tác giả…
Ghi nhận tại một ‘cà phê hội luận’ ở nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo. Việc ghi nhận được để ở chế độ ẩn danh, vì đang là tuần lễ nhạy cảm chính trị.
Chủ đề chính của hội luận là cần đáp ứng ra sao trước yêu cầu “Đề nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt là các Điều 117, 118 và 331, vốn hạn chế quá mức các quyền tự do ngôn luận, hội họp và biểu tình ôn hoà” nằm trong nội dung của Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là trường hợp của các nhà báo nhân quyền Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn (2021/2507, RSP).
Dưới đây là một vài tóm lược quanh vấn đề quyền tự do báo chí:
Điều 117 mặc định cứ viết bài đưa đến cảm giác là đọc thấy rằng tác giả có ý chống Nhà nước, vậy là cần bắt bỏ tù. Trong không ít trường hợp, nhà chức trách chẳng đoái hoài tới nhắc nhở của Bác Hồ, là “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm” được ghi hẳn ở trang 293, trong tập 15, sách Hồ Chí Minh, toàn tập.
Các phiên tòa hình sự xét xử về Điều 117, suốt thời gian qua phía công tố lẫn thẩm phán đều từ chối yêu cầu của luật sư tranh tụng, là hãy cụ thể các nội dung về bài báo đưa đến kết luận giám định là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Văn mình, vợ người. Những tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel, hay tranh của danh họa Picasso, ắt hẳn chẳng phải ai cũng có thể cảm nhận để yêu thích. Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm là một minh chứng cho việc từng có một thời bị chụp mũ chính trị, để rồi về sau trớ trêu thay người ta lại truy tặng các danh hiệu cao quý của Đảng – Nhà nước cho những tác giả này.
Trong các xã hội dân chủ, cơ sở tự do dựa trên ý tưởng rằng không quyền nào có thể được coi là tuyệt đối. Đòi hỏi của đời sống xã hội và đặc biệt là những yêu cầu về trật tự công cộng, dẫn đến những hạn chế về việc thực hiện các quyền cơ bản là cần thiết cho việc bảo vệ trật tự chung – vốn là bảo đảm cho các quyền này.
Theo luật nhân quyền quốc tế, bất cứ biện pháp nào mà các quốc gia dự định áp dụng, nhằm hạn chế bất cứ quyền con người nào, đều cần phải tuân thủ các điều kiện sau đây nhằm đảm bảo rằng việc hạn chế như vậy là phù hợp:
Việc giới hạn quyền phải được quy định rõ ràng trong luật. Không chỉ vậy, những quy định của luật đặt ra giới hạn đối với việc thực hiện quyền cần phải: Thứ nhất, công khai với người dân, và có chỉ dẫn thích hợp để mọi người có thể hiểu sự hạn chế luật định đối với các quyền của họ.
Thứ hai, quy định về giới hạn quyền trong luật phải chính xác, rõ ràng để người dân có thể hiểu rõ và tự điều chỉnh hành vi của họ.
Thứ ba, có những biện pháp thích hợp để phòng ngừa việc lạm dụng quy định giới hạn quyền, hoặc tùy tiện đặt ra các giới hạn mới.
Với những nhìn nhận ở trên, cho thấy để minh định về bài báo có nội hàm “phản biện ôn hòa”, “phản biện khiêu khích”… thì cần một quy trình pháp luật khoa học về giám định, và các bên liên quan được quyền bảo vệ quan điểm của mình công khai, dân chủ tại cấp tòa án dân sự thích hợp.
Nếu ở tòa dân sự, vị thẩm phán nhận thấy có dấu hiệu hình sự, thì sẽ tuyên bản án với kháng nghị hình sự, và đến khi đó thì phía cơ quan điều tra xem xét sẽ điều chỉnh bởi điều luật 331 hay 117 của Bộ luật Hình sự về những bài báo này.
Khi ấy, ắt hẳn sẽ hạn chế được chuyện người dân bị bắt bỏ tù vì “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm” đúng theo huấn thị của Bác Hồ, qua việc viết lách phản biện như các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn…