Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Quyền im lặng” chưa được ghi cụ thể trong luật

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Trên thực tế, “Quyền im lặng” được hiểu và áp dụng khác nhau ở các chủ thể, mang tính đối lập nhau.

 

Bị cáo trong một số vụ án được dư luận xã hội quan tâm gần đây đã triệt để sử dụng quyền im lặng theo đúng tinh thần và những nội dung cốt lõi của “Quyền im lặng” lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Một bài báo mới đây trên trang Việt Nam Thời Báo có đề cập về quyền im lặng trong vụ án còn ở giai đoạn điều tra (*).

Với nhiều quốc gia, khái niệm im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì, mà im lặng là chưa trả lời khi chưa có sự hiện diện của luật sư. Hiểu theo cách này thì im lặng chỉ được thực hiện trong một giới hạn nhất định, khi chưa có luật sư thì người bị bắt, người bị tạm giữ sẽ không khai báo bất cứ điều gì có liên quan đến nội dung vụ việc.

Ở Việt Nam, “Quyền im lặng” không được quy định cụ thể trong luật.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không nêu khái niệm về “Quyền im lặng”, nhưng đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 như: Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13); “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15); “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16); “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26).

Điều 59 đến Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định quyền của người bị buộc tội gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử.

Tuy nhiên, đây có phải chính là nội hàm, tinh thần cốt lõi của “Quyền im lặng” được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 hay không? Trên thực tế, “Quyền im lặng” được hiểu và áp dụng khác nhau ở các chủ thể như người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo, luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên…, mang tính đối lập nhau, thể hiện như sau:

Một là, người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo luôn cho rằng “Quyền im lặng” được thể hiện xuyên suốt ở các giai đoạn tố tụng của vụ án, họ “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, vì nghĩa vụ chứng minh họ có tội hay không thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát.

Riêng giới luật sư luôn cổ súy, nhiệt tình ủng hộ các” “thân chủ” của mình thực hiện “Quyền im lặng” ở các giai đoạn tố tụng, nhất là khi vụ án được đưa ra xét xử.

Hai là, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) luôn gặp lúng túng, bất ngờ khi bị can, bị cáo… thực hiện “Quyền im lặng”.

Do trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và các văn bản dưới luật chưa có quy định cụ thể hoặc hướng dẫn. Hơn thế nữa chưa có tài liệu nghiệp vụ nào quy định về cách thức, trình tự, thủ tục để các cơ quan và người tiến hành tố tụng thực hiện khi bị can, bị cáo thực hiện “Quyền im lặng”.

Mặt khác, lịch sử tố tụng hình sự luôn quy định, tiến trình tố tụng đối vụ án (điều tra, truy tố, xét xử) gắn liền với lời trình bày bằng lời nói, chữ viết của bị can, bị cáo về việc “thừa nhận, không thừa nhận” hành vi phạm tội của họ; việc “im lặng”, không khai báo, từ chối khai báo luôn được xem là bất hợp tác, không thành khẩn, gây bất lợi cho chính họ trong quá trình xử lý vụ án.

Có ý kiến thắc mắc: Đối với việc nếu bị can, bị cáo sử dụng “quyền im lặng” thì hội đồng xét xử có tuyên án theo hướng buộc tội được không?

Luật sư Trần Thành phân tích, theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án hoàn toàn có thể tuyên một bản án buộc tội bị cáo, nếu có đủ chứng cứ buộc tội bị cáo.

“Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền chứng minh mình vô tội, nhưng cũng không buộc phải chứng minh là mình vô tội, theo Điều 15 của luật này” – luật sư Trần Thành lập luận.

_________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-trinh-ba-phuong-bi-dua-vao-benh-vien-giam-dinh-than-kinh-trung-uong-1-o-huyen-thuong-tin/


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao tạm hoãn xuất cảnh có thời hạn đối với bà Nguyễn Phương Hằng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Quan lấy tiền đâu để “khắc phục hậu quả”?

Do Van Tien

VNTB – Quyền im lặng của người bị buộc tội

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo