Hoài Nguyễn
(VNTB) – Công an chưa ‘tạm dừng giam giữ’ đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh dù bà đang bị ung thư cổ tử cung giữa đoạn giữa trong khi điều trị tâm thần bắt buộc.
Bệnh lý ác tính tỷ lệ sống còn 5 năm là trên 60%
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 61 tuổi, bị công an Việt Nam bắt hồi đầu tháng 4-2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau nhiều năm bà đấu tranh cho tự do, dân chủ, đồng thời là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình của các tù nhân lương tâm. Cho đến nay công an Việt Nam vẫn chưa hoàn tất về kết luận điều tra đối với bà Hạnh, và như vậy theo Hiến định thì bà vẫn có đầy đủ quyền công dân; trong đó có quyền được khám và chữa bệnh theo nguyện vọng cá nhân.
Tài liệu y khoa cho biết, ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào của cổ tử cung (phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo). Theo hệ thống phân loại của Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (FIGO) phân chia ung thư cổ tử cung thành 4 giai đoạn được ký hiệu từ I đến IV.
Theo giới y khoa, ung thư cổ tử cung giai đoạn II có tỷ lệ sống còn 5 năm là trên 60%. Ở mỗi cá nhân, tỷ lệ sống còn có thể khác nhau, điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Giai đoạn bệnh; Loại giải phẫu bệnh (ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy,…); Tuổi, tình trạng sức khỏe chung; Các vấn đề sức khỏe hoặc các bệnh đi kèm, đặc biệt là tình trạng suy giảm miễn dịch hay nhiễm HIV; Bệnh mới được chẩn đoán hay bệnh tái phát; Sự đáp ứng của cơ thể với các phương pháp điều trị.
Như vậy với thông tin ít ỏi về trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, thì về cơ bản người ta chỉ dám chắc một điều là bà khó mà nằm trong nhóm “tỷ lệ sống còn 5 năm là trên 60%” nếu như được chữa trị đúng mức. Nói cách khác, ở vị trí vẫn là “nghi vấn phạm tội” hiện nay, bà Nguyễn Thúy Hạnh hoàn toàn có thể được áp dụng nguyên tắc “phạm nhân bị bệnh nặng có thể được miễn hoặc hoãn đi tù” để tập trung cho công việc chữa trị bệnh lý ác tính hiểm nghèo đe dọa sự sống còn này; mặc dù trên thực tế thì bà vẫn có đầy đủ quyền công dân, bà chưa bị tòa tuyên án, đồng nghĩa là bà chưa hề là phạm nhân.
Tiếp tục giam giữ là biểu hiện dạng thức “tra tấn”
Ở khoản 4 của Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; b) Tiếp tục phạm tội; c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Từ góc nhìn nhân quyền, vụ việc trên còn cho thấy dấu hiệu vi phạm Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT). Theo Điều 1.1 của Công ước CAT thì việc tiếp tục tạm giữ hình sự đối với bà Nguyễn Thị Hạnh trong tình trạng diễn tiến bệnh như trên – đặc biệt là không có căn cứ cho cáo buộc “nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”, thì đây còn có thể gọi là hành vi mang tính “tra tấn”. Điều 1.1, Công ước CAT, viết:
“Theo mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp”.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh cần được phóng thích để hưởng quyền chữa trị bệnh theo luật định.
1 comment
Chính thể của TA hổng nên đi theo vết xe đổ của Ngụy, mà tác giả đã nhiều lần cảnh báo