Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền phán xét kết tội không thuộc toà án

Hà Nguyên

(VNTB) – Quyền phán xét kết tội không chỉ thuộc tòa án, mà trước tiên là thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

 

Giáo trình trường luật có lẽ phải được biên soạn lại vì ở Việt Nam từ tháng 8-2023 này, quyền phán xét kết tội không chỉ thuộc tòa án, mà trước tiên là thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Tranh tụng liêm chính

Ngày 21-8-2023, tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Ủy ban Tư pháp tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng” dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Từ thực tế giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Xuân Hường đề xuất, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, lãnh đạo, người tiến hành tố tụng các cấp cần thực hiện đúng, đầy đủ vai trò, trách nhiệm, từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng như suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử để chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong điều tra, gắn công tố với điều tra, với các hoạt động cụ thể.

Trong giai đoạn xét xử, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thực sự liêm chính, trong sạch, gương mẫu.

Những phát biểu của ông Nguyễn Xuân Hường tại hội thảo xem ra đã mâu thuẫn với các tuyên bố mang tính ‘đóng khung’ trước đó của một quan chức cấp cao ở Ban Nội chính Trung ương Đảng.

Đảng đã… ‘chỉ đạo án’

Tại cuộc họp báo chiều 16-8-2023, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết “chùm vụ án” Việt Á xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm. Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi… “sẽ bị nghiêm trị”.

Nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự là những người thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi. Họ không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, chủ yếu vi phạm trong hoạt động đấu thầu.

“Vi phạm của họ để lại hậu quả lớn, phải xử lý, nhưng xảy ra trong hoàn cảnh dịch bệnh nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn”, ông Yên nói ‘cứng miệng’ như phán quyết của quan tòa, mặc dù chưa có phiên tòa nào ở đây.

Về mặt lý thuyết trên giảng đường trường luật thì “thống nhất chủ trương tha, miễn” mà ông Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nêu ra ở vụ án kit test Việt Á là dấu hiệu của vi phạm tố tụng.

Với câu hỏi khi được “miễn trách nhiệm hình sự”, người phạm tội có đương nhiên được coi là “người không có tội” hay vẫn bị coi là “người có tội”?

Có quan điểm cho rằng người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn bị coi là có tội vì trên thực tế người được miễn trách nhiệm hình sự đã có hành vi phạm tội, đã bị khởi tố hoặc truy tố hoặc đưa ra xét xử.

Nếu họ vô tội, vậy thì họ có làm sai không?

Quan điểm khác cho rằng người được miễn trách nhiệm hình sự không bị coi là có tội, vì sau khi được miễn trách nhiệm hình sự, người phạm tội không còn phải chịu bất cứ hậu quả pháp lý hình sự nào với hành vi mà họ đã thực hiện.

Để trả lời những câu hỏi nêu trên, cần làm rõ trách nhiệm hình sự là gì?

Trước hết, trách nhiệm hình sự là “trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý hình sự bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý bao gồm: nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích…”.

Như vậy, khi được miễn trách nhiệm hình sự, người phạm tội sẽ: (i). Không phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii). Không bị kết tội; (iii). Không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp); (iv). Không mang án tích. Khái quát lại, người được miễn trách nhiệm hình sự sẽ không chịu bất cứ hậu quả pháp lý hình sự nào với họ.

Khi nào một người bị coi là có tội? Câu hỏi này chỉ đặt ra với những người bị buộc tội bởi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây là vấn đề đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Quyền phán tội?

Từ quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự cho thấy, điều kiện cần để một người bị buộc tội bị coi là có tội là quá trình chứng minh hành vi phạm tội của họ phải theo trình tự luật định, và quá trình chứng minh đó đã đủ và làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội đối với họ (có căn cứ thực tế xác định họ đã phạm vào một tội được quy định trong Bộ luật hình sự).

Điều kiện đủ là trên cơ sở chứng minh đó, Tòa án sẽ ra bản án kết tội với họ và bản án ấy đã có hiệu lực pháp luật. Khi thiếu một trong hai điều kiện này, người bị buộc tội trong mọi trường hợp đương nhiên không bị coi là có tội.

Giả định rằng cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã chứng minh đủ và làm sáng tỏ căn cứ về hành vi phạm tội của người bị buộc tội, nhưng do có các tình tiết để miễn trách nhiệm hình sự và cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã cho họ được miễn trách nhiệm hình sự, mặc nhiên nếu diễn ra ở giai đoạn điều tra, truy tố, vụ án được đình chỉ và người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can) sẽ không bị kết tội bởi bản án.

Nếu miễn trách nhiệm hình sự trong giai đoạn xét xử, Tòa án cũng không ra bản án kết tội mà chỉ ghi nhận người bị buộc tội (bị cáo) được miễn trách nhiệm hình sự.

Từ lý luận trên, cần làm rõ các ‘chỉ đạo’ án của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “miễn trách nhiệm hình sự” ở giai đoạn nào, và cơ quan tố tụng đã làm rõ tình tiết để “miễn trách nhiệm hình sự” ra sao?


Tin bài liên quan:

VNTB – ‘Tất toán’ điều tra ‘chuyến bay giải cứu’?

Do Van Tien

VNTB – ​Hồ sơ: Vụ án Tamiflu

Phan Thanh Hung

VNTB – Tham nhũng trong đấu thầu là hệ quả của lũng đoạn chính trường?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo