VNTB – Sài Gòn bao dung: Hộp sữa…

VNTB – Sài Gòn bao dung: Hộp sữa…

Yến Phương

 

(VNTB) – “Cực khổ đi bán kiếm tiền mua sữa cho em”…

 

Đó là lời tâm sự đến từ một cậu bé 11 tuổi đang mưu sinh bằng nghề bán vé số rong ruổi trên nhiều ngả đường. Và dường như, cái mong mỏi ấy lại càng khó hơn, cơ cực hơn khi thành phố hoa lệ này đang giãn cách với thời gian quá dài, cũng như nhiều lời “cay nghiệt” rằng “ngoài Bắc thực hiện chỉ thị 16 không ai kêu trời, trong Nam kêu sằng sặc”.

Sài Gòn là một bức tranh nhiều màu sắc. Nếu như buổi sáng là hình ảnh của xe cộ tấp nập đi học, đi làm; là của người mua – kẻ bán trong các chợ, chợ tự phát; là của những người bán vé số, lượm ve chai… thì chiều tối là một gam màu hoàn toàn khác.

Người ta thường hay nói, Sài Gòn là một thành phố không ngủ. Chiều xuống đêm về, thành phố có một nét nhộn nhịp của nó. Những ánh đèn lập lòe sắc màu của khu Bùi Viện, khu ăn uống; những ánh đèn rọi xuống mặt đường hắt lên hình ảnh của các nam thanh nữ tú uống cà phê vợt, những ánh đèn le lói soi rọi hình ảnh người công nhân quét rác… lẫn vào trong nhiều con người đó, là hình ảnh của những đứa trẻ đang mưu sinh bằng nhiều nghề, kiếm từng đồng, để sống.

Sài Gòn bùng dịch. Công ăn việc làm đình trệ. Một số hàng quán nhậu rồi quán ăn tạm đóng cửa. Miếng ăn của những đứa trẻ đường phố vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn.

“Nhiều khi đi bán thấy người ta tụ tập đông, công an lại, cái em chạy. Em không dám bán. Dịch, em làm biếng cởi khẩu trang mời vé số lắm. Bán, vô mấy quán nhậu, họ đóng cửa, phong tỏa hết, không dám đi bán”, em Sang, 14 tuổi, chia sẻ.

Tưởng chừng như cái khó khăn ấy sẽ qua mau bởi đã có kinh nghiệm chống dịch, bởi Việt Nam là hình mẫu của chống dịch. Song, điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Hết chỉ thị này đến chỉ thị kia được áp dụng, cuộc sống của các em càng lúc càng khó khăn hơn. Từ việc tạm gác việc xiếc lửa sang một bên vì quán nhậu đóng cửa, các em chuyển sang lãnh vé số về bán, giờ đây, ngay cả vé số cũng tạm dừng.

Nhân đôi lên nữa cái áp lực lên đôi vai của các em khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thành phố làm vậy là chưa nghiêm, cách ly xã hội nhưng xe vẫn đổ ra đường ầm ầm. Để rồi, thành phố một lần nữa lại siết chặt hơn. Buổi sáng, các chốt xuất hiện nhiều hơn, gắt gao hơn. Buổi tối cấm ra đường từ 18h đến 6h sáng.

“Ở nhà em không có tiền ăn, ba mẹ em khổ. Gia đình em năm đứa em lận. Nhiều nơi thì tụ tập đông người sẽ bị bắt. Rồi những quán ăn thì bị cách ly luôn. Rồi xong, người ta không cho bán nữa. Mà nhà 5 đứa con, cho nên mới đi bán. Cực khổ đi bán kiếm tiền mua sữa cho em”, em Ân, 11 tuổi chia sẻ.

“Càng lúc càng siết chặt hơn các chỉ thị, tôi chưa biết có giảm được số ca nhiễm hay không nhưng tình hình kinh tế càng lúc càng ảnh hưởng thấy rồi đó. Hàng hóa vận chuyển khó khăn, vào thành phố cũng khó khăn hơn. Người lớn thì kêu thôi thì xuề xòa, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng còn những đứa bé thì sao? Nó quá nhỏ. Không có sữa thì như thế nào? Mấy ông siết chặt hơn chỉ thị, cấm ra đường, có nghĩ đến những đứa bé đó, những đứa trẻ đang mưu sinh nơi hè phố hay không?”, một người dân bức xúc.

Nhiều người thường nói Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Dường chừng như, ở thời điểm này, những giọt nước mắt ấy không chỉ đơn thuần là cái nghèo, cái khổ, lo lắng hay buồn bã vì hôm nay không bán được mà nó còn là sự bất lực trong mưu sinh. Không bất lực sao được khi quá khó khăn, con người cố gắng ra đường tìm kiếm kế sinh nhai, thì có “một số người” lại gia tăng thêm áp lực lên đôi vai nhỏ của các cô, các cậu bé ấy.

Càng lo lắng hơn khi báo chí đưa tin rằng TP.HCM có thể giãn cách xã hội thêm 1 – 2 tuần kể từ đầu tháng 8. Rồi đây, không chỉ người nghèo, người vô gia cư, số phận của những đứa trẻ mưu sinh nơi hè phố Sài Gòn sẽ ra sao? Nếu như thật sự có lãnh 1.500.000 VND đi chăng nữa, liệu sẽ còn cầm cự bao lâu khi khoảng thời gian giãn cách theo chỉ thị 16 đã mấp mé tròn tháng (kể từ ngày 9-7-2021)?

Chống dịch là hàng đầu nhưng liệu có ai thử một lần đặt mình vào vai trò của những đứa trẻ hè phố đó hay không? Cuộc sống không phải là cái màn hình họp trực tuyến, không phải là muốn làm gì thì làm, càng không phải là những… chỉ thị…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)