Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sài Gòn bao dung: Trung thu mùa giãn cách

Thúy An

(VNTB) – Trung thu lại về trong ảm đạm của những loay hoay chính sách dùng dằng ‘đóng – mở’ nền kinh tế từ các chức sắc ‘bề trên’…

 

Nếu như nhà thơ Vũ Đình Liên có câu: “Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già…” thì ở TP.HCM, hằng năm, cứ vào độ trung tuần tháng 7 âm lịch, nhiều người, trong đó có cả sinh viên, tất bật chuẩn bị cho công đoạn dựng, trang trí các gian hàng tạm ở các ngả đường. Tại đó, bên cạnh những chiếc lồng đèn đầy sắc màu, còn là hình ảnh quen thuộc của những chiếc bánh trung thu với đủ loại nhân khác nhau: thập cẩm, đậu xanh, bánh dẻo, trà xanh, gà quay, trứng muối…. Và đó cũng là báo hiệu của trung thu về.

Năm nay lại khác. Trung thu năm nay, có lẽ phố lồng đèn Lương Nhữ Học của Chợ Lớn không còn rực rỡ ánh đèn, tấp nập người tham quan.

Chia sẻ từ Minh, một thanh niên nay đã ‘tam thập nhi lập’, khoa học hiện đại tiến bộ dĩ nhiên giúp ích được nhiều cho con người nhưng xã hội hiện đại, càng làm cho con người xa nhiều hơn với những cái gọi là kỷ niệm.

“Năm mình học lớp 8, từ lớp học thêm đi ra, vô tình bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tay xách lồng đèn làm bằng lon sữa bò, vừa đi vừa hát, đi trên con đường Lê Lợi, quận Gò Vấp, thật sự mình cảm thấy ngạc nhiên. Mình nói lại với bạn mình, nó còn không tin mà, không tin rằng, ở thành phố nổi tiếng là nhộn nhịp này, lại có thể bắt gặp được hình ảnh của những ngày xưa ấy. Tự dưng, khi đó, cảm thấy nhẹ nhàng đến lạ lùng”…

… “Rồi thời gian dần trôi, lớn lên theo năm tháng, cũng chẳng còn nhiều thời gian để có thể ngồi tỉ mỉ làm vót tre hay khui lon sữa bò ra làm lồng đèn như khi xưa. Mà giờ có làm đi chăng nữa, người xưa cũng không còn. Tất cả đều đã lớn. Từ truyền thống đến chạy pin, nhiều mẫu mã, lại đẹp nữa. Nên đa số nhiều bạn bè khi xưa, chọn mua cho nhanh”, Ngọc – một người bạn của Minh, tiếp lời…

… “Nhưng dù sao đi chăng nữa, thấy lồng đèn, thấy bánh là thấy cái không khí của trung thu. Nhưng đúng là chẳng ai có thể ngờ tới, năm nay, lại chẳng có trung thu. Không biết rằng, với những đứa trẻ luôn mong chờ ngày trung thu, mong chờ được chơi lồng đèn, sẽ như thế nào? Giãn cách quá lâu, khó đi liên quận, cũng chẳng biết được”, phóng viên Hoàng Mai của trang Việt Nam Thời Báo, góp chuyện.

“Không cho mình ra đường, buộc ở nhà, thì mình đón trung thu ở nhà”…

Vậy là cái xóm nhỏ ồn ào ngày nào với đầy tiếng nói giờ đây lại tất bật “quay trở về với tuổi thơ”. Nhà nào có tre hoặc trúc thì chặt xuống, chuẩn bị khung sườn để làm những ông sao, con cá, chiếc thuyền, bươm bướm… Dù tay nghề không còn được… “khéo léo” như trước, vì lâu rồi mới làm lại, nhưng cũng vui vì đã lâu rồi mới có dịp làm.

Một số người khác thì tận hưởng trung thu với tay nghề và sở thích của mình. Không bán bánh trung thu, không cho người dân bán, buộc người dân phải ở trong nhà dù có đói đi chăng nữa, vậy thì mình tự tay làm. Và rồi, những chiếc bánh nóng hổi, thơm phức, nhìn cũng đẹp mắt, ra lò.

Nhớ, từng coi nhiều quảng cáo hay phim TVB, người ta hay nói rằng trung thu là tết đoàn viên. Đây chính là một trong những dịp tết quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong năm, là dịp để các thành viên trong gia đình được dịp quây quần, đoàn tụ, là cơ hội gặp gỡ nhau sau những ngày làm ăn xa cách, để cùng nhau trò chuyện, kể cho nhau nghe những kỷ niệm, chia sẻ với nhau những điều trong cuộc sống.

Chén trà thơm phức, những chiếc bánh trung thu nóng hổi bên cạnh ánh sáng từ đèn cầy trong đêm tối đến từ những chiếc lồng đèn “hand-made”, vậy là có trung thu rồi…

Một mùa trung thu nữa về… trong giãn cách…


Tin bài liên quan:

VNTB – Việc giám sát của đại biểu quốc hội có lúc chưa sâu, chưa sát…

Phan Thanh Hung

VNTB – Ghi nhanh: Lê Lợi vẫn… chờ đợi

Do Van Tien

VNTB – Cải tiến nhưng cần sự đồng bộ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo