Võ Hàn Lam
(VNTB) – Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã khép lại nhưng dư âm sẽ còn kéo rất dài, bởi đây là một tiền lệ rất xấu xí cho nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bởi ai cũng có thể là những phiên bản của Hồ Duy Hải.
Hội đồng thẩm phán cho rằng cơ quan điều tra “có sai sót trong hoạt động điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
“Về việc kháng nghị nêu các chứng cứ thu được như con dao, thớt, ghế… không phải công cụ gây án. Các thẩm phán cho rằng phía điều tra không biết thớt là hung khí cho đến khi Hải khai ra, Hải cũng giấu kỹ con dao và được nhân viên thu dọn phát hiện, đem đốt bỏ… Việc cơ quan điều tra mua dao, thớt về chỉ để các nhân viên này và Hải nhận dạng, không phải dùng làm chứng cứ như kháng nghị nêu. Vì vậy, không cần trả hồ sơ điều tra lại”. (*)
Đơn thuần về luật định trong tố tụng mà sinh viên trường luật năm 1 cũng có thể tường tận, đó là việc sai sót có khả năng làm thay đổi bản chất vụ án ngay từ giai đoạn ban đầu, và hệ lụy của hiệu ứng domino.
Trong khám nghiệm hiện trường về thu giữ vật chứng trong huyết án xảy ra ở bưu cục Cầu Voi: vụ án giết người bằng dao nhưng không thu vật chứng dao, đập bằng thớt nhưng không thu giữ thớt, đánh người bằng ghế nhưng thu giữ nhầm chiếc ghế. Hình ảnh này chắc chắn được ghi nhận từ việc chụp ảnh mang tính bắt buộc ngay khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường.
Đối chiếu sai sót kể trên với điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự phiên bản 2003 (áp dụng thời điểm xảy ra vụ án) về thu thập và bảo quản vật chứng: “Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản; vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng…”.
Như vậy, mới chỉ riêng tình tiết vật chứng ban đầu tại hiện trường cho thấy sai sót này sẽ dẫn đến nhầm lẫn khác trong điều tra tiếp theo; và đây là một vi phạm trong tố tụng, không phải là sai sót trong tố tụng.
Một khi Hội đồng thẩm phán với chủ tọa là đương kim Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, một mực cho rằng những sai sót trên là đúng pháp luật, thì đây là một tiền lệ suy luận áp dụng cực kỳ đáng lo ngại cho Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Điều đó có nghĩa chỉ cần một trong 16 vị thẩm phán áo đỏ ở phiên giám đốc vụ án Hồ Duy Hải, mai đây sẽ ‘ngồi’ ghế chủ tọa ở các vụ án hình sự khác, thì ai cũng có thể đứng trước đe dọa là những Hồ Duy Hải.
Cách lập luận mà Hội đồng thẩm phán đưa ra cho thấy ở những phiên tòa hình sự tiếp theo đây, hệ thống quy định về nhiệm vụ, hiệu lực cho tới hàng loạt nguyên tắc tối cao về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bình đẳng, xác định sự thật vụ án… tại cả 510 điều luật của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành rồi sẽ đi về đâu?
______________
Chú thích: