Một cuộc họp của các tổ chức xã hội dân sự ở chùa Liên Trì
28.12.2015
Có lẽ Ủy hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu và Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của Liên Hiệp Quốc cần được báo động: sau vụ Bộ Công an Việt Nam thình lình bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội vào giữa tháng 12 năm 2015, chùa Liên Trì ở Sài Gòn đang phải đối mặt với nguy cơ bị “xúc” vào bất cứ lúc nào.
“Đẩy, đuổi, xúc…” hoàn toàn nằm trong từ vựng trấn áp nhân quyền của chính quyền và công an Việt Nam.
Rất có thể thời điểm giải tỏa trắng chùa Liên Trì sẽ rơi vào khoảng từ đây đến Đại hội 12 của đảng cầm quyền, tức đến cuối tháng Giêng năm 2016. Còn sau Đại hội 12 sẽ có thể khó “đột kích” hơn vì chưa biết quan điểm đối ngoại của “tứ trụ” mới sẽ ra sao.
Nếu nguy cơ trên biến thành hiện thực trần trụi và thô bạo về đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm thi hành và do đó sẽ đồng nghĩa khiến việc Nhà nước Việt Nam tràn trề cơ hội bị đưa lại vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo và nhân quyền (CPC) – dự kiến được trình vào giữa năm 2016 – của Hoa Kỳ?
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) với người vừa nhậm chức chủ tịch Nguyễn Thành Phong?
Thành ủy TP HCM với nhân vật chưa biết có trúng cử hay không vào chức ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng?
Hay “ai đó” trong Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an?
Năm 2007, Việt Nam đã được người Mỹ nhấc khỏi danh sách CPC.
Một câu hỏi rất hữu cơ khác không thể bỏ qua: Doanh nghiệp nào và với “quan hệ” đến mức nào sẽ thu lợi trực tiếp ở khu vực Thủ Thiêm từ chiến dịch “xúc” chùa Liên Trì?
‘Hồi tố’
Thực ra mọi chuyện đã bị đe nẹt đã lâu. Tháng 6/2015, Hòa thượng Thích Không Tánh, thuộc Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cũng là người trụ trì chùa Liên Trì, bức xúc thổ lộ: một số công an đã “khuyên” phật tử đến chùa Liên Trì lấy lại hết hình ảnh và tro cốt của người thân; những công an này còn đe nẹt “Để VN vào TPP tháng Tám này rồi sẽ xúc chùa Liên Trì“.
Nhưng đã không có “tháng Tám” cho Việt Nam do TPP còn phải lên xuống quyết liệt giữa hai viện của Quốc hội Mỹ. Phải đến tháng 10/2015, hiệp định này mới được 12 nước thông qua.
Chỉ ít lâu sau thời điểm Bộ Công thương Việt Nam hoan hỉ thông báo “Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP”, hàng loạt cuộc trấn áp và đàn áp giới dân chủ đã xảy ra. Nhiều nhà hoạt động bị những kẻ không mặc sắc phục tấn công đánh đập. Thậm chí Công đoàn độc lập – một định chế được Việt Nam long trọng cam kết thực hiện trong TPP – đã bị chính nhà nước này đáp trả một cách quyết liệt không kém bằng hành vi bắt giữ và đánh đập tàn bạo hai nhà hoạt động nghiệp đoàn tự do là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức.
Tiếp sau hàng loạt vi phạm trầm trọng quyền tự do của hầu hết các tôn giáo chính ở Việt Nam như Phật giáo thống nhất, Hòa Hảo, Công giáo, Tin Lành… vào năm 2014 và đầu năm 2015, chủ trương “xúc chùa Liên Trì” là bằng chứng cứ không thể chối cãi về “lòng thành tâm” của Việt Nam từ khi gia nhập Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tháng 11/2013 đến nay, và càng chứng minh chủ trương không thay đổi của nhà nước này trong ván bài dùng tù nhân lương tâm và quyền tự do tôn giáo để mặc cả với Hoa Kỳ nhằm giành lấy một suất ăn trên bàn tiệc TPP.
Mối đe dọa thường trực “xúc chùa Liên Trì” cũng trực tiếp khơi lại hành động “hồi tố” của Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến và dân chủ vào thời gian 2008-2012 – tống giam hàng loạt sau khi nhà nước này được tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Nợ vay và ‘đất sạch’
Ngày 22/10/2015, chính quyền và công an thành phố TP HCM bất ngờ tổ chức đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm – một cơ sở mà nhà dòng đã chuyển cho nhà nước, nhưng không đòi lại được.
Vài năm qua, sau khi gần hết dân cư trong khu vực Thủ Thiêm bị cưỡng chế di dời, nơi đây chỉ còn hai cơ sở tôn giáo “ngang ngạnh” là chùa Liên Trì và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.
Trước đó nhiều năm, toàn bộ khu vực Thủ Thiêm đã được chính quyền TP HCM lên kế hoạch biến thành “khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á,” sau đó đã tiến hành giải tỏa trắng nhiều ngàn hộ dân sinh sống nơi đây. Nhưng cũng chính khu vực này đã trở thành một trong những điểm nóng khiếu kiện đông người nhất tại Việt Nam, do giá bồi thường rẻ mạt và thái độ chính quyền quá xem thường kiến thức về luật pháp của người dân. Không những thế, nhiều cuộc cưỡng chế thô bạo của chính quyền đã nhắm thẳng vào những người dân khiếu kiện không chịu nhận tiền di dời. Theo nguồn tin không chính thức, đã xảy ra một số cái chết của người dân khiếu kiện. Tuy nhiên, báo chí nhà nước và chính quyền không bao giờ công bố những sự kiện đau thương này.
Khi còn là bí thư thành ủy TP HCM, ông Lê Thanh Hải là nhân vật bị đồn đoán có mối liên hệ cụ thể với dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, khu vực này sau khi giải tỏa và xây dựng sẽ được bán đất cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với giá cao hơn nhiều lần so với mức bồi thường cho người dân địa phương.
Nhưng hiện trạng, ngân sách TP HCM bị sụt giảm nặng nề cùng số nợ vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm lên đến 29.000 tỷ đồng, số lãi vay đang phát sinh tới 2,9 tỷ đồng mỗi ngày nhưng chưa biết tìm đâu ra tiền để trả nợ cho giới ngân hàng – địa chỉ đã cho vay tiền để tiến hành dự án khu đô thị Thủ Thiêm – càng đủ tạo ra những lý cớ để chính quyền thành phố này luôn tìm cách “ra tay” với hai cơ sở tôn giáo ương ngạnh còn lại để lấy được “đất sạch”.
Chùa Liên Trì đã trở thành tiêu điểm bị mưu tính giải tỏa từ lâu, không chỉ để “phục vụ thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp,” mà còn có một lý do khác: chùa này là điểm tập trung sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong đó có Hội đồng liên tôn Việt Nam. Gần đây, chùa còn thường xuyên trao quà cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa – những người nằm trong hoàn cảnh “triệu người vui nhưng cũng triệu người buồn”. Đó chính là cái gai trong mắt chính quyền khiến chùa Liên Trì luôn phải chịu nguy cơ trấn áp trong thời gian này.
TPP = CPC
Tình hình hiện thời khác hẳn với năm 2007. Giờ đây, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bị đưa vào danh sách CPC lần thứ hai. Từ nhiều tháng qua, một cuộc vận động rộng rãi đã được bởi Ủy hội tự do tôn giáo Hoa Kỳ và các nước Tây Âu tiến hành, dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị đưa vào lại CPC có thể được đặt ra trước Quốc hội Mỹ vào giữa năm 2016.
Vào quý 3 năm 2015, một nhóm liên dân biểu thuộc Quốc hội Âu châu đã nhóm họp và cho rằng “Việt Nam xứng đáng nằm trong CPC”. Nếu điều này xảy ra, có thể nói gần như toàn bộ “thành tích nhân quyền” của Việt Nam sẽ tan thành mây khói. Viện trợ và các nguồn tài trợ khác cũng vì thế sẽ bị thu hẹp đáng kể, mà việc cắt giảm viện trợ ODA của Chính phủ Úc ngay trong chuyến công du nước này vào đầu năm 2015 của Thủ tướng Dũng là một tiền lệ rất khó chịu.
Bị cắt giảm đáng kể nguồn viện trợ từ nước ngoài, con tàu Việt Nam đang chòng chành chỉ còn trông đợi vào phao cứu sinh TPP để “tăng 25% GDP sau 10 năm tham gia” – như một dự báo đầylạc quan của chính phủ quốc gia này.
Thế nhưng khác hẳn với quá khứ gia nhập WTO năm 2007, vào lần này mọi chuyện không chỉ có được mà luôn phải là “bánh ít đi bánh quy lại”. TPP đang phụ thuộc mật thiết vào cơ chế đàm phán nhanh (TPA) mà Quốc hội Hoa Kỳ có thể dành cho chính quyền Obama. Nhưng cũng là lần đầu tiên, giới lập pháp Hoa Kỳ thống nhất cao về việc cài đặt điều kiện tự do tôn giáo vào TPA.
Điều đó có nghĩa là nếu Quốc hội Mỹ phát hiện Việt Nam tiếp tục bách hại và đàn áp thô bạo đối với các tôn giáo ở quốc gia này, không loại trừ khả năng cái ghế TPP cho Việt Nam sẽ bị Quốc hội Mỹ thẳng tay bác bỏ, cho dù đã được Chính phủ Mỹ thông qua.
Vào trung tuần tháng 5/2015, một phái đoàn đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ đã thăm Hòa thượng Thích Không Tánh và hỏi rất cặn kẽ về tình hình chùa Liên Trì. Trước đó vào tháng 7/2014, chùa Liên Trì cũng nằm trong danh sách được Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo của Liên Hiệp Quốc nêu ra như một bằng chứng cho thấy Nhà nước Việt Nam xâm phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo.
Chỉ để phục vụ lợi ích doanh nghiệp giành “đất sạch” có giá thị trường chênh lệch đến hàng chục lần so với mức bồi thường, một chùa Liên Trì bị “xúc” hay những bằng chứng xâm hại tôn giáo khác sẽ là quá đủ để Hà Nội bị đặt trở lại vào danh sách CPC.
Khi đó, sẽ không có TPP cho Việt Nam. Chẳng có gì hết!
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Theo VOA