Mai Lan
(VNTB) – Học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.
Sợ sinh viên bị bóc lột
Theo dự thảo dự án luật việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, thì học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.
Cơ quan soạn thảo cảnh báo nếu các bạn trẻ sa đà vào làm thêm giờ có thể ảnh hưởng đến học tập, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan lừa đảo, bóc lột sức lao động, sa ngã vào các tệ nạn xã hội…
Phụ huynh nói gì?
Ghi nhận từ phụ huynh thì sinh viên là người đủ 18 tuổi, họ đủ năng lực hành vi để hiểu cần làm thêm như thế nào để phù hợp với điều kiện cụ thể. Chưa kể có những sinh viên làm thêm một phần để trang trải chi phí, phần hơn nữa là để lăn lộn với trường đời, để nếm mùi áp lực, để rèn luyện ý chí, kiên trì, phát triển những kỹ năng mà trường học không dạy.
“Chẳng như các tỷ phú, triệu phú, chủ doanh nghiệp lớn họ thậm chí còn bươn chải, lăn lộn từ lúc còn nhỏ chứ nói gì là sinh viên. Tôi cũng từng là sinh viên đại học, tôi cũng từng vừa làm vừa học để rèn luyện tính kỷ luật để chịu áp lực như vậy mới có thể mài dũa bản thân để cứng rắn, mạnh mẽ gánh vác những trách nhiệm, hoài bão, ước mơ của chính mình. Tôi thấy nếu chỉ đi học về rồi học mà không va vấp hay va vấp ít thì sinh viên rất dễ bị cảm xúc chế ngự, rất dễ bị các thú vui ngắn hạn như mạng xã hội, game online,… ảnh hưởng” – một phụ huynh ý kiến.
Một phụ huynh khác nhận xét: “Ai cũng muốn ăn sung mặc sướng, chẳng ai muốn phải cực khổ vừa làm vừa học rồi ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhưng học phí mỗi năm mỗi tăng, tiền nhà trọ và thực phẩm cũng vậy, nên đối với các em sinh viên có hoàn cảnh không tốt sẽ phải làm thêm để duy trì cuộc sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Ngân hàng có những khoản vay cho sinh viên vay với lãi suất thấp nhưng cũng không nhiều sinh viên vay vì các em có suy nghĩ sợ mang nợ.
Ngoài ra nếu ra luật định, chúng ta có quản lý được hay không? Đa số các em sinh đi làm bán thời gian, không có hợp đồng lao động, nhà trường quản lý thế nào? Theo tôi, đề xuất chưa không phù hợp với thực trạng xã hội”.
Một phụ huynh khác vốn là Việt kiều, cho rằng “Sinh viên du học ở Mỹ được quy định làm thêm 20-25 giờ một tuần và không quá 40 giờ một tuần vào mùa nghỉ xuân và hè. Tuy nhiên không thể áp dụng cho Việt Nam, vì hai nền kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội hoàn toàn khác biệt. Hãy để sinh viên bươn chải, đó là điều tốt nhất để các em va chạm và trải nghiệm cuộc sống, để biết kiếm tiền không phải là điều dễ dàng, là nền tảng để các em phát triển đạo đức, không xem thường những công việc tay chân khi đã thành đạt”…
Ba điểm bất hợp lý
Tại Hội nghị góp ý dự án luật việc làm (sửa đổi) do liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức hồi đầu tháng 4 này, ông Lưu Đức Quang, giảng viên trường Đại học Kinh tế – Luật (thuộc Đại học quốc gia TP.HCM) cho rằng quy định này có ba điểm bất hợp lý:
Thứ nhất, quy định này hạn chế thời gian làm thêm, quyền lợi làm việc của sinh viên một cách thiếu chính đáng. Theo ông, nếu nói quy định này được xây dựng dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài là chưa thấu đáo. Bởi các nước kiểm soát thời gian làm thêm của du học sinh chứ không hạn chế thời gian làm thêm của sinh viên nước mình. Lý do là để ưu tiên bảo đảm quyền làm việc của công dân nước sở tại (trong đó có sinh viên). Hơn nữa, tuyệt đại đa số sinh viên là người thành niên nên họ hoàn toàn đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để chịu trách nhiệm với việc học của chính mình.
Thứ hai, hiện các trường đại học, cao đẳng đều thực hiện đào tạo theo quy chế tín chỉ. Từ đó, sinh viên sẽ chủ động trong việc đăng ký tín chỉ; có sinh viên học 3-3,5 năm đã hoàn tất chương trình, sinh viên cũng có thể đăng ký hoàn tất chương trình học tối đa đến 8 năm. Đồng thời, chương trình đào tạo ở nhiều trường cũng được vận hành gần như liên tục nên khái niệm “kỳ học” hay “kỳ nghỉ” ngày càng xa lạ với sinh viên. Do vậy, việc quy định thời gian làm thêm tối đa trong 1 tuần trong kỳ học để không ảnh hưởng việc học là không đủ căn cứ.
Thứ ba, hiện mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam chưa hoàn thiện, cơ chế cho vay trợ giúp sinh viên học tập còn hạn chế. Nếu có thêm quy định này thì sẽ có nhiều sinh viên không đủ khả năng theo đuổi việc học. Lợi bất cập hại là điều có thể dự báo.
Ông bà ta có câu có thực mới vực được đạo. Việc chuyên tâm vào học hành là điều ai cũng mong muốn, nhưng để “vực được đạo” trong bối cảnh nhiều người trẻ có hoàn cảnh khó khăn thì rất cần những giải pháp đồng bộ, bên cạnh chính sách về giờ làm thêm.