Việt Nam Thời Báo

VNTB- Sự cố “cờ lờ mờ vờ”: Lỗi Thủ tướng Phúc hay do hậu quả giáo dục?

Phương Thảo

(VNTB) – Lỗi phát âm tuỳ tiện này thật ra chẳng phải do ông Phúc hay một người nào riêng biệt, mà là do sản phẩm của nền giáo dục ưu việt  ở Việt nam trong mấy chục năm qua đã bỏ lơ đi những điểm tưởng chừng như nhỏ nhặt và từ đó góp phần biến Thủ tướng Việt nam thành trò cười cho thiên hạ. 



Ông Phúc lại làm cho dân cư mạng được một mẻ xôn xao sau khi đài truyền hình nhà nước VTV phát đi bản tin ông Phúc đọc diễn văn nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ADB và 20 năm ngày mở đại diện của ngân hàng này ở Việt Nam. 

Trong bài phát biểu của mình, ông Phúc nói: “Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chống thất thoát, lãng phí trong đó có nguồn vốn của ADB và mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như tiểu vùng Mekong, ACMECS, CLMV và CLV về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu“.

Những từ viết tắt ACMECS, CLMV và CLV không những gây ra sự khó hiểu cho khán thính giả trong nước mà còn làm cho họ phải phản ứng mạnh về cách ông Phúc phát âm những cụm từ này. Những cụm từ này khi không được giải thích đi kèm theo thì sẽ không ai hiểu được. Thông thường trong một văn bản, bài viết thì cụm từ viết tắt phải được viết đầy đủ ở lần xuất hiện thứ nhất kèm theo các ký tự viết tắt theo sau, và ở những đoạn văn kế tiếp mới sử dụng các ký tự viết tắt thay thế cho cụm từ đã được đề cập đến. 

Cũng có các ký tự viết tắt đã được ngầm hiểu trong tiếng Việt như CHXHCNVN, hay Tp HCM, TS, hoặc TW… Tuy nhiên trong văn nói, không ai đọc các ký tự viết tắt theo kiểu phát âm như “ cờ hờ xờ hờ cờ nờ vờ nờ”, “ tờ pờ hờ chờ mờ” mà bắt buộc phải đọc rõ ràng là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Thành Phố Hồ Chí Minh, tiến sỹ, trung ương. 

Có luồng ý kiến cho rằng lỗi của người soạn văn bản đã không làm theo đúng nguyên tắc của văn viết và cũng ý kiến cho rằng do ông Phúc không có khả năng đọc hiểu đúng nội dung đã được nhân viên của ông soạn thảo sẵn. Cả hai ý kiến đều đúng. Tuy nhiên nếu không nhờ “ sự cố” này thì có lẽ chẳng bao nhiêu người Việt để ý đến việc gần như cả nước đã sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách tuỳ tiện mà chẳng ai thấy cần phải thật sự chấn chỉnh. 

Đơn cử là đài truyền hình quốc gia VTV, từ bao lâu nay mỗi khi đọc phần cuối tên website của nhà đài, các phát thanh viên đã rất tự nhiên đọc là “ vê tê vê chấm o rờ gờ chấm vi en” – vtv.org.vn. Chỉ với có vỏn vẹn tám (8) chữ cái, đài truyền hình quốc gia Việt nam cũng đã vướng phải lỗi phát âm chữ cái không đúng khi đọc “org” là “o rờ gờ” thay vì là phải đọc ” o rê jê” và lại còn lai căng tiếng Anh khi đọc “vn” là “ vi en” thay vì là “ vê en” theo đúng cách đọc tiếng Việt. 

Trẻ em đi học và người dạy cũng chỉ học cách ghép vần từ cách đọc “ ba” là “ bờ a ba” mà không được dạy cách phân biệt âm và chữ cái một cách rõ ràng như khi học ngoại ngữ. Những cách phân biệt “ xờ nặng – s ” với “ xờ nhẹ – x” , “ lờ cao – l ” với “lờ thấp – n” tuy có dễ hiểu khi viết chính tả thật nhưng lại làm cho người ta bối rối khi phát âm. Và chính người Việt cũng chưa coi trọng đúng mức việc phát âm cho đúng cũng như việc cần thiết có các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ ( Speech doctor/ Speech therapy) nhằm trị liệu và huấn luyện phát âm cho đúng.

Trong tiếng Anh chẳng hạn, chữ cái (letter) b được phát âm là /ˈbiː/ nhưng khi chữ cái này được ghép với các chữ cái khác để tạo thành từ thì chữ b sẽ có âm (sound) [b] – “bờ”. Tương tự như vậy trong tiếng Việt chữ cái b sẽ được phát âm là /bê/ và có âm [b] – “bờ”

Có nhiều người nêu lên trường hợp tại sao khi học hình học với tam giác ABC thì phải đọc là tam giác “ a bê xê” mà không ai đọc là tam giác “ a bờ cờ” để lấy một ví dụ dễ hiểu cho cách phân biệt chữ cái với âm. 

Trở lại với trường hợp ông Phúc, ông đọc  CLMV là “cờ lờ mờ vờ” và CLV là “ cờ lờ vờ”. Chỉ xét về cách đọc thì ông đã phạm lỗi rất phổ biến của người Việt là thay vì sử dụng cách phát âm của các chữ cái trên thì lại áp dụng âm của các chữ cái này khi được dùng để ghép từ cũng với cái chữ cái khác để tạo nên một âm tiết.

Cả nước có thể cười ông Phúc, thậm chí chê ông dốt như khi ông đọc “ma dzê in Việt nam”. Nhưng đoan chắc rằng mấy chục triệu người dùng internet trẻ cũng như già ở Việt nam sẽ chẳng ngần ngại gì mà nói “ ba gờ” tức 3G hay “ bốn gờ” tức 4G khi đề cập đến mạng internet ở Việt nam. 

Cũng tương tự như vậy, bao nhiêu người sẽ sẵn sàng vọt miệng đọc “cờ lờ mờ vờ” và “ cờ lờ vờ” thay thế cho cách đọc đáng ra phải là ” cê el em vê” và ” cê el vê” theo kiểu thuần Việt? Còn những người có vốn tiếng Anh thì sẽ lại đọc ” Ci el em vi” và ” ” ci el vi” cho mà xem. 

Khoan hãy cười ông Phúc, vì khi nói “ ba, bốn gờ” hay ” cờ lờ mờ vờ” là cũng đã phát âm sai bét như khi ông Phúc đọc diễn văn chứ chẳng khá hơn chút nào. 

Lỗi phát âm tuỳ tiện này thật ra chẳng phải do ông Phúc hay một người nào riêng biệt, mà là do sản phẩm của nền giáo dục ưu việt  ở Việt nam trong mấy chục năm qua đã bỏ lơ đi những điểm tưởng chừng như nhỏ nhặt và từ đó góp phần biến Thủ tướng Việt nam thành trò cười cho thiên hạ. 

Liệu bộ giáo dục của ông Nhạ có sẽ xúc tiến việc chấn chỉnh lại hay không hay lại ” chuyện nhỏ như thế nhà lước không cần no”?

Tin bài liên quan:

VNTB – Hoa Kỳ chỉ trích việc bắt giữ nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Việt nam

Phan Thanh Hung

VNTB- Phan Anh, Kim Ngân và Xuân Phúc

Phan Thanh Hung

VNTB- Holocaust Berlin: Tôi bước đi – hai vai nặng trĩu…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo