Mẫn Nhi (VNTB) Ngày 6/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phát biểu vinh danh những “người có công” Hàn Quốc tham chiến tại nước ngoài trong đó có chiến tranh Việt Nam.
Chứng tích vụ thảm sát 430 người của lính Rồng Xanh ở Quảng Ngãi 1966 |
Khu vực Châu Á là nơi ghi dấu các cuộc chiến tranh tồi tệ nhất giữa các quốc gia, và vì thế nơi đây tồn tại một lực cản về mặt quá khứ trong quan hệ giữa các nước. Việt – Hàn cũng không nằm ngoài mối quan hệ đấy. Khi về mặt quá khứ, những binh đoàn “Mãnh Hổ và Rồng Xanh” – núp dưới bóng đồng minh của Mỹ đã tràn tới Việt Nam và gây ra một khủng cảnh kinh hoàng không chỉ với người lính, mà cả đối với người dân Việt Nam.
Theo một ước tính cho thấy, 300.000 người dân Việt Nam đã chết bởi binh đoàn Nam Hàn.
Sau ngày hòa bình lập lại, khi Việt – Hàn bình thường hóa quan hệ ngoại giao, những khu vực từng bị thảm sát năm xưa đón từng đoàn người Hàn Quốc ghé thăm và tất nhiên kèm lời… xin lỗi. Thậm chí, xin lỗi đã trở thành một phong trào lớn của người Hàn Quốc. Họ xây trường học, bệnh viện y tế, hỗ trợ ODA nhằm khép lại quá khứ để cùng hướng tới tương lai, nhưng dư chấn về cuộc thảm sát vẫn còn hiện hữu với những người còn sống.
Tất nhiên, người Việt Nam vẫn vị tha, họ đón nhận lời xin lỗi. Mà theo bà Ku Su Jeong, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình Hàn – Việt, người khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” đã thừa nhận rằng, khi bà cùng đoàn tìm đến những ngôi làng từng được binh lính Hàn đóng quân, bà sợ mình sẽ bị “trả thù”, nhưng không, họ đã đón bà, ôm bà vào lòng, và bảo “nếu không có cuộc thảm sát, con họ cũng đã lớn bằng bà”.
Gần đây nhất, hai sinh viên trường ĐH Incheon (Hàn Quốc) là Tae Geon Han (26 tuổi) và Gangan Lee (25 tuổi) đã thực hiện hành trình bằng xe đạp từ Hà Nội vào Sài Gòn để “Xin lỗi Việt Nam”.
Đó là cách để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai!
Khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phát biểu vinh danh những “người có công” Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam, ông ta có quyền làm vậy với tư cách của một quốc gia, một nhà nước. Nhưng đó là một sự “tôn vinh” đầy tính tự cao dân tộc, mà cực kỳ vụng về. Bản thân nó đã chạm vào vết thương chưa thực sự lành, không phải đối với Nhà nước Việt Nam, mà đối với chính những người đã và đang “xin lỗi Việt Nam”, tới những dân thường bị thảm sát trong cuộc tìm và diệt “Cộng sản” của những binh đoàn Rồng Xanh – Mãnh hổ.
Nó cũng không khác gì việc các vị Thủ tướng Nhật thường ghé thăm đền Yasukuni – nơi tưởng nhớ và thờ phụng 2,5 triệu linh hồn Nhật Bản, bao gồm cả những người tham gia lực lượng phát xít và 13 tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Điều này đã gây phẫn nộ với Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên – những nước từng bị phát xít Nhật xâm lược và tàn phá.
Tất cả là bởi, chiến tranh dù đi qua nhưng chưa thực sự khép. Mà muốn khép lại, thì ngoài sự dung thứ, còn cả sự tôn trọng từ nhiều phía, bao gồm cả bên gây chiến lẫn bên chịu chiến. Và ở chừng mực nào đó, với tư cách một nhà nước, thì họ có quyền làm những điều mà họ cho rằng đó là sự tôn vinh cần thiết. Nhưng dù là quyền, thì nó vẫn cần phải nằm trong giá trị “tôn trọng” lẫn nhau ở thực tại, trước những giá trị gây tranh cãi của cuộc chiến. Việc bảo vệ người dân trước những quan điểm xoáy sâu vào vết thương chiến tranh, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn được xây dựng và vun đắp không chỉ bằng hoạt động kinh tế, mà cả bằng những lời xin lỗi từ những cá nhân Hàn Quốc và sự bao dung của người Việt là điều cần thiết.