(VNTB) – Phạm Minh Chính muốn tăng thêm quyền lực trước khi về hưu, hay ngồi thêm nhiệm kỳ nữa?
Bộ Nội vụ vừa trình lên bộ Tư pháp dự thảo đề xuất bổ sung quyền lực cho thủ tướng trong công tác cán bộ. Lý do phải bổ sung thêm là vì bộ Nội vụ cho rằng “Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, bổ sung năm 2019 đến nay đã bộc lộ một số bất cập”.
Việc này cho thấy nhiều vấn đề. Thứ nhất, dự thảo sửa luật lần này cho thấy điều luật năm 2015 đã được thông qua một cách vội vàng. Để rồi tới năm 2019 bổ sung thêm nhưng vẫn còn bất cập. Dù lần sửa nào cũng phải tốn tiền nghiên cứu, tốn thuế của dân mà vẫn không đâu vào đâu.
Thứ hai, các thành viên bộ Nội vụ, bộ Tư pháp có đủ năng lực làm luật không mà cứ phải sửa tới sửa lui một điều luật hoài như vậy? Năm 2015 là Việt Nam đã thống nhất được 40 năm, mà luật pháp vẫn chưa rõ ràng, chưa thể chuẩn hóa luật. Và tới nay, gần 10 năm sau rồi vẫn phải sửa. Vậy thì rất cần phải coi lại năng lực của những người làm luật.
Thứ 3, sửa lần này có phải là lần cuối không? Mỗi lần sửa là mỗi lần tốn tiền, tốn thời gian. Mà khi đã bổ sung quyền lực cho thủ tướng thì sẽ có nhiều thay đổi về hệ thống chính trị, các ban ngành trong chính phủ. Nếu vài năm lại phải bổ sung, sửa đổi thì tốn bao nhiêu tiền của, nhân lực…
Luật Tổ chức Chính phủ này được thông qua lần đầu năm 2015, đây là năm cuối thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Sau đó được sửa lại vào năm 2019, cũng là giai đoạn cuối ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi ở vai trò thủ tướng. Năm nay cũng là vào khoảng thời gian cuối trong nhiệm kỳ của ông Phạm Minh Chính trên ghế thủ tướng điều hành chính phủ.
Có thể thấy là cứ vào khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ là các thủ tướng lại muốn bổ sung thêm quyền lực. Giai đoạn 2015-2016 là lúc ông Nguyễn Tấn Dũng đang tập trung cao độ cho cuộc chiến tranh ghế tổng bí thư với ông Nguyễn Phú Trọng. Việc củng cố quyền lực cho vị trí thủ tướng cũng sẽ giúp ông Dũng nâng cao thế lực cho người kế nhiệm. Dù rằng cuộc tranh ghế đó ông Dũng đã thua. Năm 2019, khi còn là thủ tướng, ông Phúc cũng muốn vun đắp cho quyền lực để chuẩn bị cho việc leo lên chức chủ tịch nước.
Năm nay, bộ chính trị bị khủng hoảng trầm trọng sau cuộc đảo chính thần tốc của Tô Lâm. Có lẽ Phạm Minh Chính cũng muốn bổ sung, mở rộng thêm quyền lực để có thể ngồi lại thêm một nhiệm kỳ hoặc là tiến lên ghế chủ tịch nước như cách ông Nguyễn Xuân Phúc từng làm. Trong trường hợp xấu nhất, là phải về quê làm người tử tế, thì sau khi sửa luật, ông Chính vẫn còn hơn 1 năm nữa để vơ vét thêm tiền tham nhũng.
Thường thì trong năm cuối nhiệm kỳ, các quan chức cộng sản sẽ cố gắng ký thông qua những dự án lớn để được chi hoa hồng hối lộ. Hoặc bổ nhiệm thân tín vào các vị trí cao hơn, việc mua chức bán quyền ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ diễn ra cũng nhiều hơn để tận dụng vơ vét trước khi “hạ cánh an toàn làm người tử tế”.
Theo thông tin báo chí nhà nước, luật mới vẫn sẽ giữ nguyên 11 nhóm quyền hạn của thủ tướng. Luật mới sẽ bổ sung nguyên tắc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực để thực hiện mục tiêu bộ máy tinh gọn, hiệu quả; làm rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng với việc đề xuất, xây dựng chính sách, pháp luật; có ý kiến với việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng cũng được bổ sung nhằm đề cao trách nhiệm với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý nhà nước, hạn chế đẩy trách nhiệm lên cho Thủ tướng các vấn đề cụ thể đã được phân công. (1)
_____________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/de-xuat-bo-sung-quyen-han-cua-thu-tuong-4806110.html