Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sức ảnh hưởng của “Cử tri đặc biệt” bầu cử 2024

Thái Hóa Lộc

 

(VNTB) – Quyết định của nhóm “cử tri đặc biệt” nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố quyết định kết quả bầu cử tại các bang chiến trường quan trọng vào tháng 11 tới.

 

Theo phóng viên dư luận hiện nay của Mỹ, một số cơ quan truyền thông như: NPR, PBS, Axios và Political Wire cuối tuần qua đã có những bài phân tích về vai trò của một nhóm cử tri đặc biệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, bao gồm những người “không ưa” cả hai ứng cử viên đại diện cho Đảng Dân chủ là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa.

Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, nhóm cử tri này chiếm khoảng 20% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Tuy mang tiếng không ưa cả hai ứng cử viên, số cử tri nói trên lại thể hiện khá rõ sự thiên vị: 47% bỏ phiếu cho ông Donald Trump, trong khi chỉ 30% bầu cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, 23% còn lại bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác. Theo các chuyên gia, nếu phiếu bầu của số cử tri đặc biệt này được phân bổ đồng đều giữa ông Trump và bà Clinton khi đó, không loại trừ khả năng bà Clinton đã giành thắng lợi tại một số bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, từ đó trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Bước sang kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020, tỷ lệ cử tri đặc biệt này trong tổng số cử tri đi bỏ phiếu đã giảm xuống còn 3%, một phần do khả năng gây phân hóa sâu sắc của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, số cử tri đặc biệt này đã tăng vọt. Kết quả của phần lớn các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành vào cuối tháng 4-2024 cho thấy 15-20% cử tri Mỹ không ủng hộ cả Tổng thống Joe Biden lẫn cựu Tổng thống Donald Trump.

Quyết định của nhóm cử tri đặc biệt này – hoặc miễn cưỡng bỏ phiếu cho một trong hai ứng viên, hoặc bầu cho ứng cử viên thứ ba, hoặc không đi bỏ phiếu – nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố quyết định kết quả bầu cử tại các bang chiến trường quan trọng vào tháng 11 tới. Theo cuộc thăm dò dư luận ngày 29-4 vừa qua của Ðại học Monmouth, luật sư Robert Kennedy Jr. (nếu đủ điều kiện tranh cử) có thể chiếm tới 40% số phiếu bầu của nhóm cử tri này, số phiếu còn lại được phân bổ tương đối đồng đều cho ông Biden và ông Trump.

Hãng tin NBC ngày 4-5 dẫn một số nguồn giấu tên cho biết các nhóm hoạch định chiến lược tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi cạnh tranh với nhau trong năm bầu cử 2024. Theo đó số bang chiến trường có thể cao hơn so với các kỳ bầu cử trước. Ða số chuyên gia phân tích chính trường Mỹ cho rằng kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ được định đoạt bởi kết quả bỏ phiếu tại 6 bang chiến trường: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin. Ngoại trừ bang Nevada, tất cả các bang trên đều có thiên hướng bỏ phiếu cho phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử năm 2016, nhưng sau đó lại ngả về phe Dân chủ trong năm bầu cử 2020 (truyền thông Mỹ gọi đó là hiện tượng “đổi màu bang”). Kết quả phần lớn các cuộc thăm dò dư luận trong vài tháng gần đây cho thấy ông Trump chiếm ưu thế tại cả 6 bang, song ông Biden đang từng bước thu hẹp cách biệt, thậm chí đã có lúc vươn lên dẫn trước ông Trump trong giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua…

Vấn đề đối ngoại hiếm khi ảnh hưởng đến đường đua vào Tòa Bạch Ốc, nhưng tình hình năm nay đổi khác có thể đưa đến yếu tố quyết định kết quả bầu cử tháng 11. Để có thêm một nhiệm kỳ Tổng thống, Tổng thống Biden có lẽ sẽ cần học hỏi từ quá khứ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử năm nay có nhiều nét tương đồng với thời kỳ của người tiền nhiệm Jimmy Carter – thời kỳ nước Mỹ bị ảnh hưởng nguy hiểm bởi những xung đột bên ngoài lãnh thổ. Chữ ký trên dự luật viện trợ vừa mới ký có thể mang lại hy vọng cho Ukraine và Israel trong cuộc chiến hiện tại, nhưng có thể khiến Tổng thống đương nhiệm khó khăn hơn trong việc kiếm thêm phiếu bầu từ cử tri đặc biệt, trước bối cảnh người dân Mỹ đang quay lưng lại với ông vì vấn đề Gaza…

Năm nay, Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ nhằm chọn ra ứng viên đại diện Đảng dự kiến sẽ được tổ chức ở thành phố Chicago (Illinois). Với những điểm tương đồng giữa tình hình chính trị năm nay và năm 1968 – khi Đại hội Đảng Dân chủ cũng diễn ra tại đây, quyết định quay trở lại thành phố này có thể tiềm ẩn rủi ro!

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter – vốn có xuất thân từ Đảng Dân chủ, nước Mỹ chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát vượt mức 20% – mức lạm phát kỷ lục được so sánh với thời kỳ đại suy thoái hồi năm 1929. Chiến tranh Việt Nam “vắt kiệt” ngân khố Mỹ khi chi phí dành cho cuộc chiến bên kia đại dương lên tới 25 tỷ USD mỗi năm và phong trào phản chiến diễn ra khắp nơi khiến tình hình an ninh  Hoa Kỳ luôn ở mức báo động “đỏ”. Làn sóng bạo loạn lên tới đỉnh cao sau vụ ám sát nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Martin Luther King và ứng viên tiềm năng của Đảng Dân chủ Robert Kennedy vào năm 1968. Đảng Dân chủ đã tiến hành Đại hội trong cơn khủng hoảng. Ước tính có khoảng 10.000 người biểu tình xuống đường phản đối cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng viên của Đảng Dân chủ; đụng độ với 12.000 cảnh sát Chicago, các lực lượng quân đội, vệ binh quốc gia và mật vụ. Khung cảnh hỗn loạn thậm chí diễn ra ngay bên trong hội trường Đại hội. Nửa đêm ngày 29/8/1968, kỳ Đại hội đầy tranh cãi đã kết thúc với phần thắng thuộc về ứng viên Hubert Humphrey,

Kết quả gần như được định sẵn, ông Humphrey đã thất bại trước cựu Tổng thống Richard Nixon – ứng viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm đó. Tên gọi của cuộc chiến đã thay đổi nhưng vẫn có những điểm tương đồng trong xung đột Israel-Hamas và chiến tranh Việt Nam có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 11.

Hiện tại, Đảng Dân chủ ngày nay bị chia rẽ vì phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề Gaza. Tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan vào tháng 2, hơn 100.000 đảng viên Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu “không cam kết”, yêu cầu ông Biden “phải làm nhiều hơn” để chấm dứt cuộc chiến ở Trung Đông. Vào cuối năm ngoái, 300.000 người Mỹ đã tuần hành đến dinh thự của Tổng thống, giương cao những biểu ngữ “Tự do ở Palestine” hay “Không ngừng bắn, không bỏ phiếu” nhằm phản đối chính sách ủng hộ Israel của ông Biden.

Từ giữa tháng 3, phong trào Không cam kết đã lan rộng khắp nhiều bang Hawaii, Washington, Bắc Carolina, Massachusetts, Connecticut và Wisconsin. Đặc biệt, Wisconsin là một trong những bang quan trọng Tổng thống Mỹ không thể để thua trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, nếu ông muốn giành chiến thắng chung cuộc trước Đảng Cộng hòa. Ông Biden từng đánh bại người tiền nhiệm Trump tại Wisconsin với cách biệt sít sao 20.682 phiếu bầu vào năm 2020. “Nếu Tổng thống Biden kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn, chúng ta vẫn có thể cùng nhau nói về tháng 11. Nếu không, chúng tôi sẽ từ chối bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ”, ông Abbas Alawieh, một trong các nhà tổ chức phong trào cho biết.

Trong cuộc chiến tranh cử, Tổng thống Joe Biden hứa sẽ khôi phục lại nước Mỹ sau “4 năm hỗn loạn” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 2/3 người Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức, và việc ông Biden tiếp tục cung cấp vũ khí thông qua gói viện trợ cho Israel có thể khiến cuộc chiến tiếp diễn, trái với ý muốn của các cử tri đặc biệt.

Lịch sử có thể sẽ lặp lại, ông Biden đang đánh mất sự ủng hộ của cử tri đặc biệt vì vấn đề Gaza, như những gì đã xảy ra với ứng cử viên Đảng Dân chủ hồi năm 1968. Qua viện trợ của Hoa Kỳ đã được Tổng thống Biden ký ban hành vừa qua, cũng như việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel có thể khiến đường đua vào Tòa Bạch Ốc thêm gập ghềnh đối với ông Biden.

 


 

Tin bài liên quan:

Ông Trump ‘chen lấn’ ở trụ sở Nato

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính sách đối với Trung cộng của Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden*

Phan Thanh Hung

VNTB – Liệu ông Biden có thể chấm dứt được “thời kỳ đen tối”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo