Hồng Dân
(VNTB) – Từ sau ngày đưa ông Táo, khá bất ngờ là buổi sáng ở nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ xuất hiện sương mù dày đặc.
Đây là hiện tượng mà theo cư dân địa phương nhìn nhận hiếm có ở khu vực này trong dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Có nơi như khu vực những cánh đồng lúa ở phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, dù mặt trời lên cao nhưng vẫn không xua được lớp sương mù dày đặc. Tại những khu vực có nhiều cây xanh, tòa nhà cao tầng…, lượng sương tạo thành từng lớp dày đặc khiến nhiệt độ giảm xuống được cư dân các nơi này nhận xét là giống như ở… Đà Lạt (?!).
Một viên chức của Đài khí tượng thủy văn Cần Thơ cho biết, ở Việt Nam, sương mù thường xuất hiện cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, mạnh nhất trong mùa đông. “Hiện tượng sáng nay là sương mù bức xạ. Loại này xuất hiện trong lưỡi áp cao lạnh lục địa, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, trời quang mây; xảy ra từ nửa đêm về sáng, sẽ tan đi khi mặt trời lên”, viên chức này cho biết trong một trao đổi vào sáng 25 Tết.
Theo viên chức này, khi sương mù bức xạ xuất hiện sẽ giữ cho lớp khói bụi, không khí ô nhiễm là đà gần mặt đất, con người hít phải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ngoài ra, hiện tượng này sẽ làm tăng sâu bệnh gây hại trên cây trồng, hoa màu nên nông dân cần hết sức thận trọng.
Tuần lễ trước, các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, Long An… xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa, thời tiết se lạnh.
“Thường thời tiết miền Tây sẽ nắng nóng vào cuối năm. Thỉnh thoảng có những năm nhiệt độ giảm xuống vào dịp Noel nhưng chỉ kéo dài vài ngày. Còn thời tiết năm nay khác quá, tiết trời se lạnh và mưa trái mùa liên tục nên dưa hấu năm nay coi như chịu nhiều thiệt hại” – lão nông Ba Bé nhận xét.
Trước hiện tượng sương mù quá dày, nhiều nhà nông trồng hoa và các loại nông sản phục vụ thị trường Tết và sau Tết ở quận Cái Răng cũng cảm thấy bất an. “Chắc chắn sau mỗi đợt sương mù dày như thế này thì dịch bệnh sẽ gia tăng trên hoa kiểng và nông sản, nhà nông sẽ phải tốn thêm chi phí thuốc trừ sâu bệnh” – lão nông Tám Bảnh lo lắng.
Sương mù bao phủ với mức độ lớn có thể dẫn đến nguy cơ bị đạo ôn trên lúa. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho biết đã có khuyến cáo đến nông dân lên lịch thăm đồng để phòng ngừa dịch hại.
Ghi nhận tại Cần Thơ sáng 25 Tết, các tuyến đường: 30 tháng 4, Đại lộ Hòa Bình, Nguyễn Văn Cừ nối dài, Nguyễn Văn Lĩnh, Võ Văn Kiệt có mật độ giao thông lớn nhưng do sương mù dày đặc nên các xe lưu thông khá chậm, bấm còi liên tục để bảo đảm an toàn.
Tình trạng sương mù còn dày đặc hơn, tầm nhìn bị hạn chế hơn đối với các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 91 đi qua các quận, huyện ngoại ô thành phố Cần Thơ như: Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Phong Điền, Thới Lai. Đến hơn 8 giờ sáng cùng ngày, trên tuyến đường tránh thị trấn Thốt Nốt từ thành phố Cần Thơ đi thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang sương mù vẫn còn xuất hiện khá dày. Nhiều nông dân canh tác hoa màu dọc hai bên tuyến đường này cho biết, hiện tượng sương mù dày đặc này khá bất thường.
Trong một diễn biến liên quan, tin tức ghi nhận từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ đang đưa ra dự báo về việc áp cao lạnh lục địa sẽ tăng cường xuống phía Nam từ ngày 19 đến 20-1-2023, tức 28, 29 tháng Chạp âm lịch, và tăng cường mạnh hơn ngày 22 đến 23-1-2023, tức mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ hoạt động ổn định, từ ngày 20 đến 21-1 hoạt động mạnh dần. Những nhiễu động gió đông trên cao gây mưa hoạt động mạnh hơn trong khoảng ngày 17 đến 18-1 và 20 đến 21-1, tức 26 đến 27 và 29 tới 30 tháng Chạp. Trong thời gian này, mưa có thể ảnh hưởng đôi chút đến các hoạt động ngoài trời vui xuân của người dân.