Việt Nam Thời Báo

VNTB – Suốt gần mười năm, Sacombank không chia cổ tức

Hàn Lam

 

(VNTB) – Dù lợi nhuận ở mức ‘khủng’, nhưng Sacombank vẫn chưa có ý định chia cổ tức, bất chấp đây là nguyện vọng của cổ đông.

 

Theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn hơn 5.700 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là gần 12.700 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối của Sacombank lên tới gần 18.400 tỷ đồng.

Về phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, ngân hàng đưa ra kế hoạch trích quỹ khen thưởng và phúc lợi đều ở mức 7% lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm nay tiếp tục không đề cập đến việc chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của Sacombank là năm 2015, với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Sáng 25-4-2023, Ngân hàng Sacombank tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022. Tại phiên thảo luận, nhiều cổ đông chất vấn về việc vì sao nhiều năm nay Sacombank không chia cổ tức trong khi lợi nhuận của ngân hàng năm nào cũng tăng?

Giải đáp về thắc mắc này, ông Dương Công Minh – Chủ tịch hội đồng quản trị của nhà băng này cho biết, do Sacombank là ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Mặc dù nợ xấu đã cơ bản được xử lý, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là cổ phần của ông Trầm Bê. Hiện Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.

“Tuy nhiên, hội đồng quản trị Sacombank đã xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong lộ trình tái cơ cấu, để sang năm thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông. Không chỉ có các cổ đông mới muốn chia cổ tức mà bản thân tôi cũng là cổ đông lớn của Sacombank và cũng muốn được nhận cổ tức”, ông Dương Công Minh cam kết như vậy tại đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022.

Đại hội cổ đông lần đó của Sacombank có tới 3 cổ đông cá nhân đứng lên phát biểu gay gắt về việc ngân hàng này không chia cổ tức trong hơn nửa thập kỷ qua.

Cụ thể, một nữ cổ đông hỏi: “Chúng tôi đọc báo cáo tài chính của ngân hàng và thấy lợi nhuận của ngân hàng tương đối cao, tăng 44% so với năm trước, giá trị của cổ phiếu cũng có lên “chút đỉnh” nhưng tại sao vẫn không chia cổ tức. Chúng tôi đã chịu 7-8 năm không chia cổ tức và chúng tôi không đồng tình với việc ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay. Tôi mong rằng phía ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm và xin ý kiến chia cổ tức cho cổ đông”.

Bên cạnh đó, nữ cổ đông cũng cho biết thêm: “Tôi đầu tư vào ACB, năm nay chuẩn bị chốt chia cổ tức tỷ lệ 25%. Tôi giữ cả trăm ngàn cổ phiếu, chia cổ tức thì tôi có lời để nuôi con”.

Có cổ đông như ông Đặng Tất Thắng (đây là tài khoản fb mới đây đã bỡn cợt ông Dương Công Minh trong ngày Cá tháng Tư) thậm chí yêu cầu Chủ tịch Dương Công Minh rút khỏi vị trí lãnh đạo.

Với các cổ đông lớn nhất và dù rất muốn chia tiền, nhưng nếu không chia thì tiền vẫn còn đó, “cơm không ăn, gạo còn đó”. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với các lãnh đạo không chia cổ tức trong nhiều năm. Theo họ, nhiều người đầu tư vào cổ phiếu là để trông chờ vào cổ tức.

Một cổ đông của Sacombank cho biết, ông đầu tư vào cổ phiếu Sacombank trong nhiều năm qua và không hề bán ra. Và điều ông mong muốn là ngân hàng sẽ chia cổ tức đều đặn như trước kia. Không ít người đã chấp nhận nắm giữ cổ phiếu và trông chờ vào cổ tức. Nhưng doanh nghiệp gây thất vọng khi không chia cổ tức cho dù có kết quả kinh doanh tốt.

Với các doanh nghiệp lãi lớn nhưng không chia cổ tức, theo quan sát, được chia làm 2 loại. Đó có thể là ban lãnh đạo muốn tính đại cục cho một cú bứt phá mang tính thập kỷ. Đây là điều dễ thấy nhất trong lĩnh vực ngân hàng khi mà các tổ chức tín dụng đang đua nhau bứt phá lên top đầu trong giai đoạn chạy đua để vào danh sách các ngân hàng làm chủ lĩnh vực này trong tương lai, đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe hơn.

Dù vậy, cũng có thể có những doanh nghiệp chây ì không trả cổ tức, có những tính toán riêng không vì lợi ích bao trùm.

Liệu Sacombank nằm trong nhóm loại nào?

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Đế chế” nước giải khát lớn nhất nhì Việt Nam sẽ sụp đổ?

Do Van Tien

VNTB – Thấy gì từ việc Đồng Tâm Group hủy tư cách đại chúng?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vì an toàn hệ thống nên chỉ có thể ‘mua’ điện ‘áp mái’ với giá 0 đồng?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo