Hôm nay ngày 6/4/2016, nghị trình quốc hội Việt Nam sẽ muốn đóng dấu cho sự kết thúc “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”. Nếu không có gì bất chợt thay đổi, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Dũng sẽ là dấu chấm hết đối với những gì muốn lật ngược thế cờ của “Phe X”.
Dân gian vẫn gọi ông là “Phúc ngoẹo”.
Ngày hôm trước đó – 5/4 – trên mạng xuất hiện bài viết của một tác giả có tên là Sao Băng với tựa đề “Cuộc chiến nội cung và Thủ tướng kỳ lạ nhất sử Việt”. Toàn bộ bài viết này thể hiện quan điểm “dập” Nguyễn Tấn Dũng và “nâng” Nguyễn Xuân Phúc cùng Trần Đại Quang.
Đã khá lâu sau đại hội 12, người ta mới chứng kiến một bài viết mang đậm dấu ấn đấu đá phe phái như trên. Nếu vào khoảng thời gian trước đại hội 12 là cuộc chiến truyền thông hết sức sôi động giữa các phe phái trong đảng được truyền dẫn bởi một số trang mạng xã hội, thì chiến thắng khó tưởng tượng của phe Tổng bí thư Trọng sau đại hội 12 đã khiến giới “fan” của ông Nguyễn Tấn Dũng hầu như im bặt. Một vài bài viết mang tính “cảm thông” với thủ tướng sắp về vườn Nguyễn Tấn Dũng sau đại hội 12 là quá mờ nhạt so với những gì đã ồn ào trước đó.
Không thể khác hơn, bài viết của tác giả Sao Băng chỉ một ngày trước khi gần 500 đại biểu quốc hội bỏ phiếu có miễn nhiệm hay không đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giống như một sự định hướng. Tuy nhiên khác nhiều với những loạt bài đả kích, công kích của các phe phái trước đại hội 12, bài của Sao Băng lại đậm chất tâm linh – một đặc thù rất thú vị vào thời buổi giới quan chức Hà Nội và nhiều địa phương kìn kìn kéo nhau đến cúng vái “chùa quốc doanh” Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình.
Hãy đọc vài đoạn mà Sao Băng tả về Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Tấn Dũng:
“Khi vừa sinh ra ông Phúc đã có cái tật nghiêng đầu, chứ không phải như ông Nguyễn Phú Trọng khi lên đến chức Bí thư Hà Nội dư luận mới biết đến hỗn danh “lú” của ông. Ngày sinh ra Bảy Phúc, có ông thày chùa đi ngang qua phán, “Trời cho cố tật để sau này thành cửu ngũ chí tôn, nghiêng đầu lắng nghe dân””…
“Cũng trong đám tang tướng Giáp, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đến viếng và ra tạo dáng sửa sửa sờ nắn lại vòng hoa, thì bị nó đổ ụp xuống người”.
Cần chú ý, trong số những cây bút mang màu sắc phe phái cung đình, Sao Băng rất ít xuất hiện. Lần đầu tiên tác giả này hiện ra là trên… RFA Việt ngữ, vào cuối năm 2014, trước hội nghị trung ương 10, với một văn phong trào phúng khá đặc biệt. Trong bài viết đó, Sao Băng đã tấn công khá bạo liệt vào đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên tại Hội nghị 10, ông Dũng đã bất ngờ vọt lên đỉnh cao “tín nhiệm cá nhân”, được cho là đứng đầu bảng Bộ chính trị và trên cả ông Trương Tấn Sang.
Có chút khó hiểu về việc tại sao tác giả Sao Băng lại đề cập đến màu sắc tâm linh một cách đậm đặc trong bài “Cuộc chiến nội cung và Thủ tướng kỳ lạ nhất sử Việt”. Phải chăng nắm được tâm lý mê tín dị đoan của gần 500 mái đầu quen gật trong Quốc hội?
Tuy nhiên ở một chiều kích khác, sự xuất hiện của bài viết mang tính “phản tuyên truyền” của Sao Băng ngay trước khi cuộc bỏ phiếu quốc hội diễn ra, có thể cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa chịu buông súng, ít nhất về “nguyện vọng”. Vẫn có khả năng ông Dũng đang cố hy vọng vào một sự đột biến ngay trong phiên họp quốc hội khi nhiều đại biểu bất thần “phản tỉnh” và quay sang bỏ phiếu yêu cầu giữ ông Dũng ở lại làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tuy nhiên trong tình thế hiện nay, xác suất ông Dũng còn là thủ tướng là thấp dưới mức có thể hình dung.
Lê Dung / SBTN