Hồng Dân
(VNTB) – Vướng hạn điền, phải “lách” luật
“Từ hồi tôi đi khai hoang đến giờ đã xấp xỉ 40 năm rồi. Tôi kiến nghị Nhà nước sửa đổi chính sách hạn điền cũng đã rất nhiều năm rồi, nhưng có thay đổi được gì đâu. Theo quy định của Luật đất đai 2013, mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất chỉ được giao 3 ha đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Còn với đất trồng cây lâu năm thì không quá 10 ha.
Tôi đang có khoảng 400 ha đất do khai hoang và sang nhượng của người khác, nhưng chỉ đứng tên mười mấy hecta gì đó. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu người đang đứng tên sổ đỏ giùm tôi nữa. Tôi không dám nghĩ đến chuyện sổ đỏ vì nghĩ tới là lo lắng không làm ăn gì được. Nói một cách nào đó tôi đang vi phạm luật nhưng biết làm sao bây giờ. Đất của mình thì cứ sản xuất thôi.
Tôi thiết tha đề nghị Nhà nước tiếp tục sửa đổi Luật đất đai, cho phép những người trực canh như tôi được sở hữu nhiều đất đai chứ không chỉ 3 ha hay 10 ha. Những người nào trực canh 20 năm trên đất đó thì được công nhận quyền sở hữu chứ không nên vì sợ một số người giàu tích tụ ruộng đất rồi cho thuê “phát canh thu tô” mà không cho người dân có nhiều đất.
Hơn 20 năm qua tôi đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để khai hoang vùng đất Mỹ Bình, Đức Huệ. Tính sơ sơ mỗi hecta đất ở đây đã ngốn 2 tỉ đồng mới được như ngày hôm nay. Trong khi giá đất ở đây chỉ 300 triệu đồng/ha là cao…” – một nông dân được gọi là “Vua chuối” Út Huy, đã nhiều lần ý kiến như vậy.
“Cha con tui đã bỏ ra 20 năm đi khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Trải qua biết bao nhiêu đắng cay, làm ăn dành dụm mua thêm giờ được hơn 100ha, nhưng chỉ đứng tên được vài chục mẫu. Còn lại phải nhờ bà con dòng họ, người làm công đứng tên giùm. Tui mong muốn Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho nông dân tụi tui được quyền đứng tên sổ đỏ đất của mình để yên tâm làm ăn” – ông Nguyễn Văn Thưởng, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cùng góp câu chuyện về quyền được làm những chủ điền ở hôm nay.
Về vấn đề trên, mới đây Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 232/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong văn bản này có đoạn đáng chú ý như sau – trích:
“Về việc mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức cụ thể để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Dự thảo Luật quy định không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa – Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội”.
Nói một cách văn vẻ thì những chủ điền, chủ đất hôm nay, khát khao lớn nhất của họ chính là được đứng tên làm chủ đất đai mà họ khai phá, tích tụ hợp pháp để góp phần cùng Nhà nước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên họ cần sự rõ ràng của không chỉ luật đất đai sắp tới đây, mà cả văn bản dưới luật phải điều chỉnh phù hợp về quyền của điền chủ. Nếu không thì rất có thể nếu trước đây nhân danh quy hoạch, Nhà nước địa phương phải thỏa thuận với từng hộ dân trong chuyện gọi là “đền – bù” khi “thu hồi”, giờ chỉ cần “nói chuyện” với mỗi ông chủ điền, chủ đất là xong; thậm chí khi cần kíp, ‘chụp luôn’ chiếc mũ chính trị nào đó ắt mọi chuyện suông sẽ, không phải lo ngại những phiên bản Đồng Tâm ở Hà Nội, hay Thủ Thiêm tại Sài Gòn (?!)