VNTB – Tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”

VNTB – Tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”

Cát Tường – Trang Hà

 

(VNTB) – Có vay thì phải có trả, tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do, hoàn cảnh, mà khách hàng vay đã không thể trả được nợ cho Ngân hàng dẫn đến các tranh chấp phát sinh mà không bên nào mong muốn…

 

Người ta thường nói, nghề tín dụng ngân hàng luôn là nghề khắc nghiệt, ranh giới giữa “anh hùng” và “tội phạm” là rất mong manh.

Có vay thì phải có trả, tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do, hoàn cảnh, mà khách hàng vay đã không thể trả được nợ cho ngân hàng dẫn đến các tranh chấp phát sinh mà không bên nào mong muốn, nhưng khi khách hàng đã không còn khả năng trả nợ thì ngân hàng biết trông vào gì để thu hồi nợ từ khoản vay của khách hàng.

Đến đây thì mọi việc thu nợ đều trông chờ vào tài sản bảo đảm của khách hàng, cũng có thể tài sản bảo đảm là của bên thứ ba hoặc của chính khách hàng và chúng ta có thể khẳng định tài sản bảo đảm được coi là cứu tinh duy nhất cho khoản vay có nguy cơ mất vốn của khách hàng tại Ngân hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải tài sản bảo đảm đã được thế chấp tại ngân hàng cũng có thể xử lý được theo đúng quy định, có những trường hợp, có những vụ việc ngân hàng nhận thế chấp, đã đăng ký giao dịch bảo đảm, người đứng tên trên giấy nhận quyền sử dụng đất đồng ý giao tài sản cho ngân hàng để ngân hàng xử lý phát mại nhưng ngân hàng vẫn không xử lý được vì tài sản lại liên quan đến một vụ án hình sự hoặc liên quan đến một án dân sự của bên thứ ba nào đó và vì thế đang từ khoản vay có tài sản bảo đảm trở thành khoản vay không “đảm bảo”.

Qua bài viết này mong rằng có những cái nhìn chia sẻ hơn từ “nhà chức trách” khi “dòm ngó” với những ngờ vực của chuyện sẵn sàng biến một “anh hùng” thành kẻ “tội đồ” của Đảng.

Tình huống sau đây lâu nay khá phổ biến: Bà Trần Thị D là chủ sở hữu căn nhà và chủ sử dụng thửa đất số: 82+86 (1 phần), tờ bản đồ số 28 tại địa chỉ quận XX, thành phố YY theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất do UBND thành phố YY cấp.

Vào khoảng năm 2008 do có việc cần trong công việc, bà Trần Thị D có vay của bà Nguyễn Thị Thu T số tiền 1.700.000.000 đồng (Một tỷ bảy trăm triệu đồng chẵn). Điều kiện mà bà Nguyễn Thị Thu T yêu cầu để bà Trần Thị D được vay tiền là phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng ủy quyền công chứng để bà Nguyễn Thị Thu T làm tin.

Do không hiểu biết pháp luật và tin tưởng người cho vay nên bà Trần Thị D đã chấp nhận điều kiện mà bà Nguyễn Thị Thu T đưa ra là thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng ủy quyền công chứng. Hàng tháng bà Trần Thị D vẫn thanh toán tiền lãi theo thỏa thuận cho bà Nguyễn Thị Thu T.

Tuy nhiên, khi có nhu cầu lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn trả lại tiền vay mặc dù nhiều lần liên lạc với bà Nguyễn Thị Thu T nhưng đều không nhận được sự hợp tác từ bà Nguyễn Thị Thu T.

Sau đó, bà Trần Thị D nhận được thông báo của ngân hàng Z về việc yêu cầu dời chuyển, bên cư trú dời chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi tài sản đảm bảo để ngân hàng Z tiếp nhận, niêm phong toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phát mại thu hồi nợ.

 Sau khi nhận được thông báo từ ngân hàng Z, bà Trần Thị D rất ngạc nhiên vì không hiểu tại sao quyền sử dụng ngôi nhà và sở hữu đất ở của mình đã bị chuyển tên sang cho bà Nguyễn Thị Thu T vì thực tế bà Trần Thị D và bà Nguyễn Thị Thu T chưa ký bất kỳ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nào đối với tài sản trên.

Bên cạnh đó thửa đất này cũng được gia đình bà Trần Thị D sử dụng ổn định nhiều năm nay và hàng năm bà Trần Thị D vẫn hoàn thành nghĩa vụ thuế đất chưa năm nào thiếu. Vậy mà hiện tại thửa đất lại đang bị ngân hàng Z xử lý do bà Nguyễn Thị Thu T đứng tên để thế chấp cho một khoản vay nào đó mà bà Trần Thị D không biết.

Sau khi tìm hiểu tại Văn phòng đăng ký đất đai thì bà Trần Thị D biết được như sau: Lợi dụng nhu cầu vay tiền và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của bà Trần Thị D, ngay sau khi bà Trần Thị D ký hợp đồng ủy quyền với bà Nguyễn Thị thu T., bà T đã làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình sau đó chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông bà Đinh Văn K và Nguyễn Đoàn S. Hợp đồng chuyển nhượng được công chứng và chứng thực tại Phòng công chứng.

Sau khi chuyển nhượng sang cho ông Đinh Văn K và bà Nguyễn Đoàn S đã thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng Z để vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn thua lỗ không trả được nợ, ngân hàng Z đã tiến hành các thủ tục phát mại tài sản là quyền sử dụng đất nói trên.

Sau một thời gian thông báo xử lý tài sản nhưng do bà Trần Thị D phản đối vì cho rằng bà bị lừa đảo, ngân hàng đã tiến hành khởi kiện ông bà Đinh Văn K, Nguyễn Đoàn S ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để thu hồi nợ.

Tuy nhiên sau đó thì tòa án nhân dân có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì cơ quan điều tra đang thụ lý, và giải quyết đơn tố cáo đối với bà Nguyễn Thị Thu T về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chính là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở do ngân hàng Z đang tiến hành khởi kiện ra tòa án để xử lý thu hồi nợ.

Vậy là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Z lại phải ghi bổ sung vào một khoản khó đòi nữa; và đây nếu xét đến tận nguồn cơn thì đó có phần trách nhiệm của những cơ quan phổ biến pháp luật, khi họ đã không làm tròn bổn phận dẫn đến người dân ‘mù luật’ và phải chịu thiệt hại.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)