Cảnh Chân
(VNTB) – Xử lý dứt điểm là đang muốn xử cho xong, tìm mọi cách kết thúc vụ án một cách nhanh chóng, có thể bỏ qua sự “nghiêm minh”
Trong buổi làm việc với Uỷ ban kiểm tra trung ương ngày 13/6, ông Lương Cường, Thường trực ban bí thư đã có yêu cầu khá “lạ” so với những chủ trương trước đây của lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Theo đó, đại tướng Lương Cường yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương “xử lý dứt điểm” các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty AIC và hệ sinh thái AIC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An và các vụ việc mới phát sinh. (1)
Trước đây, những người đứng đầu nhà nước cộng sản thường yêu cầu xử lý nghiêm, phát hiện tới đâu xử lý tới đó, quyết liệt, triệt để… Ví dụ hồi tháng 5 năm 2022, khi ông Võ Văn Thưởng còn ở vị trí của ông Lương Cường bây giờ (Thường trực ban bí thư), ông Thưởng nói về cách chống tham nhũng của đảng là: “Những vấn đề đó chúng ta xử lý theo quan điểm nhất quán không có ngoại lệ, không có vùng cấm, phát hiện tới đâu xử lý tới đó, cũng không chờ đợi điều tra xong mới xử lý. Bởi đợi điều tra xong tổng thể thì rất lâu, nhưng mà chỗ nào rõ rồi thì xử lý việc đó…”. (2)
Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thường xuyên kêu gọi xử lý nghiêm các đại án. Ví dụ trong phát biểu hồi cuối tháng 6 năm 2022, ông Trọng nói: “Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng”. (3)
Xử lý nghiêm minh tức là cứ có sai phạm thì xử đúng theo trình tự và quy định pháp luật. Còn xử lý dứt điểm là đang muốn xử cho xong, tìm mọi cách kết thúc vụ án một cách nhanh chóng, có thể bỏ qua sự “nghiêm minh”.
Việc ông Lương Cường yêu cầu cấp dưới “xử lý dứt điểm” các đại án liên quan tới sân sau của những lãnh đạo cộng sản thất thế, là động thái cho thấy phe thắng thế đang muốn nhanh chóng ổn định tình hình chính trị. Nội bộ đảng đang bị chia rẽ nghiêm trọng và các phe thất thế đang hồi hộp run sợ không biết khi nào tới lượt mình vào lò. Cho nên phải tìm cách kết thúc sớm các đại án để cán bộ bớt “tâm tư”, yên tâm làm việc.
Nếu để vụ án kéo dài, dây dưa, quyết liệt truy tận gốc tận ngọn thì càng lòi ra thêm nhiều dây mơ rễ má. Có thể tất cả các cán bộ lãnh đạo đều trở thành củi, vì có lãnh đạo nào mà không tham nhũng. Hơn nữa, càng truy vết tội phạm tham nhũng thì lại càng lộ ra bộ mặt vốn đã xấu xa, càng làm người dân bất mãn hơn. Nên đó là lý do mà bộ chính trị muốn kết thúc sớm các đại án.
Ngoài ra một lý do khác khiến phe thắng thế dùng từ “xử lý dứt điểm” là họ muốn nhanh chóng “thanh lý môn hộ” các phe thất thế. Ngay sau chỉ đạo “xử lý dứt điểm” của Lương Cường, thì Đinh Tiến Dũng (bí thư Hà Nội) đã buộc phải từ chức do liên quan tới vụ Vạn Thịnh Phát. Ông Dũng là cánh tay đắc lực của Vương Đình Huệ, một người từng đối đầu với phe Tô Lâm trong cuộc chiến giành ghế Tổng bí thư. Phế truất Đinh Tiến Dũng thì phe Vương Đình Huệ đã bị triệt hết vây cánh trong bộ chính trị.
Bên cạnh đó, Phó trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Văn Yên cũng bị cách hết tất cả các chức vụ từ ngày 19/6. Nguyễn Văn Yên là đệ tử ruột của Phan Đình Trạc trong ban nội chính trung ương. Phan Đình Trạc từng lăm le giành ghế bộ trưởng bộ công an mà Tô Lâm để lại khi lên làm chủ tịch nước. Nhưng cuối cùng vẫn không thắng được Lương Tam Quang của phe Tô Lâm. Với việc cách chức Nguyễn Văn Yên, phe Tô Lâm đang quyết tâm triệt hạ tận gốc các phe phái đối lập. Và Phan Đình Trạc có thể là uỷ viên bộ chính trị tiếp theo bị “xử lý dứt điểm” vì dám âm mưu thay thế Tô Lâm.
______________
Tham khảo:
(2) https://vietnamnet.vn/ong-vo-van-thuong-an-tham-nhung-dieu-tra-den-dau-xu-ly-den-do-2019046.html