Anh Quân
(VNTB) – Dù vì lý do gì đi nữa, khó có thể cho rằng việc xâm lược Ukraine là chính đáng
Việc Nga xâm lược Ukraine đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Sau gần 2 thập niên, từ khi Hoa Kỳ và đồng minh tấn công Iraq, một quốc gia xâm lược một quốc gia khác, mà không có sự đồng ý của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, lại xảy ra. Các quốc gia nhỏ, trong đó có Việt Nam, đứng trước nguy cơ bị các nước láng giềng lớn mạnh hơn uy hiếp.
Đến ngày 25 tháng 3, 3,7 triệu thường dân Ukraine trở thành người tị nạn, 2.421 thường dân thiệt mạng. Khoảng 7.000 đến 15.000 binh sĩ Nga bị giết. Thiệt hại kinh tế của Ukraine đã lên đến 100 tỷ Mỹ kim. Chi phí chiến tranh của Nga vào khoảng 22 tỷ USD mỗi ngày. Như vậy, sau một tháng chiến tranh, tổn thất và chi phí đủ để cho Chương Trình Thực Phẩm Liên Hiệp Quốc (WFP), cung cấp thực phẩm cho người nghèo trên khắp thế giới, hoạt động trong 55 năm, chưa kể chi phí của phía Ukraine.
Và chúng ta vẫn chưa thấy dấu hiệu các hoạt động quân sự và bắn phá các thành phố Ukraine giảm đi. Nhân loại vẫn đang đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Do đó, việc xác định nguyên nhân của cuộc chiến này và nhờ đó, giảm bớt nguy cơ chiến tranh trong tương lai là câu hỏi trị giá hàng trăm tỷ Mỹ kim. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn đọc Việt Nam Thời Báo vài nhận định.
Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin nói rõ rằng trường phái hiện thực không cho rằng công pháp quốc tế hay đạo đức là những yếu tố họ đưa ra quyết định. Do đó, ở đây không bàn chuyện đúng hay sai. Trái lại, bài này bàn cách các nhà nước đưa ra quyết định nhằm phục vụ cho lợi ích của quốc gia/dân tộc, hay cho chỉ bản thân nhà nước.
Chủ trương thu hồi các vùng lãnh thổ đã mất (revanchism) và phản ứng trước đe dọa của NATO là hai trong số những hướng giải thích của các lý thuyết gia theo trường phái hiện thực (realism). Cái trước cho rằng hành động xâm lược này là một phần của nỗ lực giành lại những vùng lãnh thổ đã mất của Nga Sô (1). Cái sau cho rằng cho rằng đây là phản ứng tự vệ trước việc NATO mở rộng về phía đông (2).
Revanchism, tiếng Pháp là Revanchisme, từ gốc từ revanche, có nghĩa là trả thù, là một biểu hiện chính trị của ước muốn đòi lại những vùng lãnh thổ mà một quốc gia hay một phong trào đã mất. Thuật ngữ revanchism bắt đầu xuất hiện từ những năm 1870 ở Pháp sau cuộc chiến Pháp-Phổ, khi những người theo chủ nghĩa quốc gia ở pháp muốn trả thù thất bại của nước mình và đòi lại phần lãnh thổ Alsace-Lorraine đã mất, theo Wikipedia (3).
Về thuyết revanchism, Nga và Ukraine, ít nhất đã từng nằm trong một quốc gia là Nga Sô. Tuy vậy, lập luận rằng việc thu hồi các vùng lãnh thổ là yếu tố chính trong việc Tổng Thống Putin quyết định xâm chiếm Ukraine cũng có nhiều điểm yếu. Rõ ràng, ông Putin đã không phản ứng mạnh mẽ trước khi Tổng Thống Yanukovich bị phế truất. Trong cuộc xâm lược này, mục tiêu của ông Putin cũng không phải là biến Ukraine thành một phần lãnh thổ của Nga. Ông chỉ muốn thay đổi chính quyền và phi quân sự hóa nước này. Hơn nữa, nếu nói việc thu hồi lãnh thổ là quan trọng. Có lẽ việc chiếm các quốc gia stan (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikstan, Turkmenistan, Uzbekistan), Azerbaijan, Georgia có lẽ là những mục tiêu dễ dàng hơn.
Tương tự, Tổng Thống Putin cho rằng người Nga, người Ukraine, và người Belarus là một dân tộc đều là hậu duệ của những người sống trong Ancient Rus (tạm dịch: nước Nga cổ), vương quốc lớn nhất Âu Châu một thời (4,5) và điều này không phải là không có lý. Vì vậy, có thể Putin cho rằng khi người anh em Ukraine bị Tây Phương lôi kéo, Nga có trách nhiệm cản lại. Và ông buộc phải dùng vũ lực vì việc mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa đã không đem lại hiệu quả mong muốn. Hơn nữa, Ukraine tỏ rõ mong muốn gia nhập EU và NATO; và các khối này cũng muốn kết nạp Ukraine trong tương lai. Tuy vậy, việc cùng có một nguồn gốc chưa chắc đã là một trong những nguyên nhân chính của việc ông Putin muốn xâm lược Ukraine. Ít nhất, chắc ông không muốn kéo người Ukraine vào cùng một quốc gia bằng bạo lực. Hơn nữa, dù cùng nguồn gốc, chưa chắc người ta muốn chung sống trong cùng một quốc gia, dưới cùng một nhà nước. Đa số dân Đài Loan chắc là có quan hệ nguồn gốc với người Trung Hoa Đại Lục gần hơn nhiều so với quan hệ giữa người Nga với người Ukraine. Tuy vậy, chưa chắc người Đài Loan muốn hợp nhất với Trung Quốc Đại Lục.
Về thuyết nan đề an ninh, Barry R. Posen, giáo sư chính trị tại MIT, Học Viện Kỹ Thuật Massachussets, người dân trong các quốc gia sống dưới quyền cai trị của các nhà nước. Các nhà nước này có quyền và khả năng trừng phạt các cá nhân hay tổ chức nào ở trong biên giới của họ. Ngược lại, các quốc gia tồn tại trong tình trạng vô chính phủ. Nói một cách khác, không có một quốc gia, hay tổ chức nào có trách nhiệm và khả năng trừng phạt một quốc gia khác khi họ cho rằng quốc gia này có hành vi không chấp nhận được, chẳng hạn như xâm lược một quốc gia láng giềng. Thật vậy, cho dù Hoa Kỳ là quốc gia mạnh nhất thế giới, họ cũng không có đủ nguồn lực, đủ quan tâm để bảo đảm các quốc gia khác tuân thủ công pháp quốc tế. Đặc biệt là khi các quốc gia có hành vi sai trái lớn như Trung Quốc hay Nga, hay có vũ khí hạt nhân như Bắc Triều Tiên. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng vậy, bất kỳ quốc gia nào trong Hội Đồng Bảo An cũng có quyền phủ quyết các quyết định của LHQ. Do vậy, khi kẻ xâm lược là một trong năm nước, Anh, Nga, Hoa Kỳ, Pháp, hay Trung Quốc thì coi như LHQ tự trói tay. Thậm chí, cho dù cả năm quốc gia này đồng ý trừng phạt kẻ xâm lược, họ có thể tranh cãi về việc ai sẽ bỏ quân, bỏ tiền, v.v. Trên thực tế, hiếm khi LHQ can thiệp để chấm dứt chiến tranh trên thế giới. Tóm lại, các quốc gia trên trái đất sống trong tình trạng vô chính phủ.
Khi ở trong tình trạng vô chính phủ, các quốc gia phải tự lo cho an ninh của mình và đây có lẽ là quan tâm lớn nhất của hầu hết nhà nước còn tồn tại đến ngày nay. Họ củng cố quân đội, trang bị vũ khí để phòng thủ. Các quốc gia láng giềng của họ, thấy vậy, cũng củng cố quân đội và trang bị vũ khí. Chính vì vậy chúng ta đôi khi nghe thấy cụm từ “chạy đua vũ trang.” Hơn nữa, khó đo lường chính xác sức mạnh tương đối của các quốc gia. Một nước có thể cho rằng quân đội của họ chỉ đủ để phòng thủ nhưng các nước láng giềng lại cho rằng đó đủ để tấn công. Vì các quốc gia này muốn bảo đảm an ninh và chủ quyền của mình, họ lại gia tăng sức mạnh quân đội. Chính vì vậy, việc gia tăng năng lực quốc phòng, tưởng chừng làm cho làm cho các quốc gia củng cố an ninh của mình, hóa ra lại làm cho họ ở vào thế chông chênh hơn vì phải đối diện với nguy cơ xung đột với những đội quân rất hùng hậu.
Trên thực tế, rõ ràng NATO và EU đã thực sự mở rộng về phía đông; các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan, chẳng hạn, đã trở thành thành viên của hai tổ chức này. Nga có thể cảm thấy bị đe dọa bởi các hành động này. Nghiêm trọng hơn đối với Nga, Ukraine cho biết họ muốn tham gia NATO và Brussels này cũng khước từ yêu cầu của Nga rằng họ phải cam kết sẽ không cho Ukraine gia nhập tổ chức này (6,7). Lập luận theo hướng này, cuộc xâm lược có thể là một hành động đánh chặn.
Nan đề an ninh đặc biệt nghiêm trọng khi hai điều kiện sau xảy ra. Thứ nhất, khi khó phân biệt các lực lượng, các động thái có tính phòng thủ và có tính tấn công với nhau. Có thể NATO cho rằng việc họ mở rộng về phía đông là để bảo vệ các quốc gia dân chủ nhỏ ở Đông Âu và Vùng Baltic trước sự đe dọa của Nga. Trong khi đó, Nga có thể cho rằng việc NATO mở rộng về phía Đông là đe dọa họ. Ít nhất Putin có nhu cầu bảo vệ chế độ độc tài của ông ấy và Phương Tây có mong muốn thế giới, trong đó có Nga, trở nên dân chủ, tự do hơn. Ở mức độ từng vũ khí, hầu hết các vũ khí, như xe tăng, thiết giáp, máy bay chiến đấu, v.v. vừa có tác dụng phòng thủ, vừa có tác dụng tấn công.
Thứ hai, khi tấn công mang lại lợi ích nhiều hơn phòng thủ. Khi điều kiện này tồn tại, các quốc gia sẽ tấn công phủ đầu nếu muốn tồn tại. Nga, trong cuộc chiến này, cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để chặn việc NATO tiến về phía Đông, khi Ukraine chưa được tham gia Ukraine, khi Âu Châu đang phụ thuộc vào dầu khí của Nga, khi NATO có vẻ như đã trở thành một liên minh thiếu sức sống, và khi Hoa Kỳ tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Trên đây là một vài ý kiến về hai lý do Nga xâm lược Ukraine, theo thuyết hiện thực trong chính trị (realism). Theo revanchism, có lẽ Nga muốn chiếm lại vùng đất đã từng là của họ. Theo nan đề an ninh, có thể Nga tấn công Ukraine để chặn NATO trước khi quá muộn. Dù vì lý do gì đi nữa, khó có thể cho rằng việc xâm lược Ukraine là chính đáng. Hơn nữa, Nga cũng đã gây ra biết bao tổn thất cho dân tộc Ukraine, cho quốc gia Ukraine, và cho chính những gia đình của những người dân Nga. Theo bạn, làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh trong khi vẫn bảo đảm rằng mọi dân tộc đều có quyền tự quyết, đều có quyền chọn sống trong một chế độ dân chủ hay độc tài?
______________
Tài liệu tham khảo
1. Putin’s Brain | Foreign Affairs
2. Why the West is to Blame for the Ukraine Crisis | Foreign Affairs
6. U.S. and NATO reject Russian demand that alliance not admit new members | PBS NewsHour
7. Ukraine reaffirms desire to join NATO after envoy comments | News | DW | 14.02.2022