Nguyễn Nam (thực hiện)
(VNTB) – Ở thời điểm hiện tại, mọi phát biểu nhân danh cần cẩn trọng về yếu tố tạo khả năng rủi ro pháp lý cho những thành viên của Hội NBĐLVN đang bị giam giữ.
Trước ý kiến trang Việt Nam Thời Báo lâu nay hướng tới cổ súy việc người dân cần biết phản kháng, vì họ không lối thoát trong cuộc sống với mọi môi trường bị ngộ độc từ chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội…, một cộng tác viên của trang Việt Nam Thời Báo đã lên tiếng phản ứng với quan điểm đã là truyền thông thì cần đa chiều, tôn trọng sự thật, đặc biệt là không làm xấu đi về pháp lý của một số nhà báo đang vướng vòng lao lý như ông Phạm Chí Dũng.
“Tôi đã có dịp tiếp xúc với cáo trạng vụ án liên quan đến một số hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Tôi thấy rằng phía nhà chức trách đã cáo buộc ông Phạm Chí Dũng về việc đã kiên trì kêu gọi cho thể chế tam quyền phân lập qua các bài báo, cũng như trả lời phỏng vấn báo chí.
Một người viết khác là Lê Hữu Minh Tuấn, ông có những bài viết với thái độ chuẩn mực, từ tốn của văn phong tôn trọng các bên đối với các vấn đề phản biện, trên nguyên tắc tôn trọng khách quan, không đả kích, xúc xiểm thể chế.
Nếu thực sự Việt Nam đang lâm cảnh dân chúng bị ngộ độc từ chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội… như một nhân danh nào đó phát ngôn, hóa ra những nhà đầu tư nước ngoài, những thỏa thuận đàm phán FTA lâu nay ở Việt Nam là vô nghĩa?
Tôi không nghĩ các chính khách nước ngoài, những doanh nghiệp ngoại quốc lại ngờ nghệch đến vậy – bài báo mới đây trên VOA, “Cố vấn Trump cam kết ‘hậu thuẫn’ Việt Nam, Philippines về Biển Đông” là một dẫn chứng (1).
Lâu nay tôi cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo vì tin vào tính khách quan, đa chiều truyền thông mà các vị sáng lập hội như nhà báo Phạm Chí Dũng, linh mục Lê Ngọc Thanh, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Bùi Minh Quốc… đã chung tay góp sức.
Xét thuần về quy định của pháp luật, tôi vẫn biết là ở Việt Nam chưa thể có một hội đoàn nào ra đời mà không phải chịu một cơ quan chủ quản nào đó.
Đúng là Hiến pháp có trao quyền tự do lập hội, song lại ghi rõ rằng “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Chuyện quy định về lập hội, tuy chưa có luật, nhưng lại điều chỉnh bằng các văn bản như Nghị định, và các văn bản này lại buộc phải có cơ quan chủ quản nếu muốn lập hội đoàn xã hội dân sự. Đây là điều không hợp lý, và cả không phù hợp trước thực tế Việt Nam đã có nhiều cam kết FTA cả song phương lẫn đa phương.
Tôi viết báo để lên tiếng yêu cầu những điều chỉnh đó, chứ không cổ súy việc bất tuân dân sự trong mọi trường hợp với thái độ cực đoan.
Khi bàn về chủ đề tự do báo chí, trong một hội luận trên BBC, nhà báo Phạm Chí Dũng từng phát biểu cứng rắn, nhưng ông sử dụng ngôn từ ôn hòa, chừng mực: “Tôi chỉ có hai đề nghị ngắn thôi. Một là nên bỏ ngay khái niệm ‘báo chí Cách mạng’, mà nên đổi ngược lại là cách mạng báo chí, nói theo tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc, “cách mạng là cách cái mạng”, vì báo chí nhà nước Việt Nam, về sinh mạng báo chí đã không còn, cho nên dùng từ cách mạng báo chí đúng hơn nhiều so với ‘báo chí Cách mạng’.
Và điều thứ hai, chính quyền Việt Nam phải có sự thay đổi, trả tự do cho những người đấu tranh cho tự do báo chí và lo cho quyền lợi của người dân, giống như là chính quyền Myanmar vừa phải trả tự do cho hai phóng viên Reuters. Đó là những Trần Huỳnh Duy Thức trước đây, hoặc là những Đỗ Công Đương sau này. Những người viết về quyền lợi của người dân, bảo vệ cho quyền lợi của người dân nhưng bị chính quyền quy chụp, bị công an quy chụp và đã xử tù rất nhiều năm.
Ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức bị 16 năm tù giam, Đỗ Công Đương ở Bắc Ninh cũng bị 5 năm tới 6 năm tù giam, thì đó là điều vô cùng bất công và nếu như là không thay đổi thì đừng có nói những gì là tự do báo chí, đừng có nói chuyện mà hội nhập quốc tế ở Việt Nam” (2).
Cá nhân tôi cũng rất đồng cảm với chia sẻ của trang Luật Khoa khi viết về trang Việt Nam Thời Báo:
“Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cùng với tờ Việt Nam Thời Báo của mình, là một tổ chức xã hội dân sự bình thường như mọi tổ chức dân sự khác, được lập ra dựa trên quyền tự do lập hội của người dân, nhằm xiển dương quyền tự do báo chí và thúc đẩy xây dựng một nền báo chí tử tế cho Việt Nam.
Luật Khoa và The Vietnamese chia sẻ và ủng hộ những giá trị tự do mà Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam theo đuổi.
Là đồng nghiệp, chúng tôi quan tâm tới sự an toàn của các nhà báo khác. Chúng tôi coi việc bịt miệng bất kỳ nhà báo nào là hiểm họa đối với chính bản thân mình và cho bất kỳ ai muốn thực hành quyền nói.
Bịt miệng một nhà báo cũng là sự xúc phạm tới quyền đọc báo của người dân”…. (3)
Tôi còn nhớ câu chuyện kể của nhà báo Nguyễn Tường Thụy về vụ án Hội Anh em dân chủ, trong đó có đoạn như sau: “Trong vụ án Hội anh em Dân chủ, Hội đồng xét xử căn cứ vào bản ghi âm lén một cuộc họp có đề cập nội dung các kịch bản về sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Thế là họ qui sống cho các bị cáo tội hoạt động lật đổ, đánh đồng sụp đổ thành lật đổ” (4).
Như vậy, xem ra ở thời điểm hiện tại, mọi phát biểu nhân danh cần cẩn trọng về yếu tố tạo khả năng rủi ro pháp lý cho những thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang bị cáo buộc theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Ngay cả bản thân cộng tác viên như tôi khi gửi bài trang Việt Nam Thời Báo, tôi tin rằng việc cổ súy thể chế tam quyền phân lập, không liên quan gì đến ý kiến cực đoan cho rằng người dân Việt Nam đang không lối thoát trong cuộc sống với mọi môi trường bị ngộ độc từ chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội…”.
_______________
Chú thích:
(1) https://www.voatiengviet.com/a/co-van-trump-cam-ket-hau-thuan-viet-nam-philippines-ve-bien-dong/5673291.html
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48220287; https://youtu.be/xe9uKB5IObA
(3) https://www.luatkhoa.org/2020/06/tuyen-bo-cua-luat-khoa-va-the-vietnamese-ve-viec-bat-giu-ba-nha-bao-cua-hoi-nha-bao-doc-lap-viet-nam/
(4) https://vietnamthoibao.org/vntb-tien-si-pham-chi-dung-nhu-toi-biet-phan-2/