VNTB – Tăng giá viện phí để dân mua BHYT

Sơn Trà (VNTB) Số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm trên cả nước với con số 1,2 triệu người. Một thông tin được công bố trong buổi họp báo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về triển khai Luật BHYT sửa đổi trong ngày 12/5 (Hà Nội).

Lý do nằm ở, Luật BHYT sửa đổi có quy định từ 1/1/2015, người dân bắt buộc phải tham gia BHYT và với những người phải tự bỏ tiền ra mua thẻ BHYT thì phải tham gia theo hộ gia đình. Chưa kể việc phiền hà liên quan đến việc xác định đối tượng vắng trong hộ khẩu để làm BHYT diện hộ gia đình.

Và để thúc đẩy việc tăng trở lại của số người tham gia BHYT, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho rằng, bên cạnh tuyên truyền, thì “ngành y tế cần đẩy nhanh lộ trình tăng viện phí để hướng tới BHYT toàn dân.”

Bởi ông cho biết, vì số tiền người bệnh không dùng thẻ BHYT phải nộp không chênh quá nhiều so với người được thụ hưởng BHYT, nên dẫn đến việc, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với thẻ BHYT.

Câu chuyện tăng giá viện phí để người dân tham gia BHYT không khác gì về bản chất so với viẹc nhà nước không bao cấp giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, điện, nước,… để kéo CPI trong tình trạng chỉ số giá tiêu dùng giảm. Dù rằng, TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả – Bộ Tài chính) cho biết: “Nếu căn cứ vào CPI thấp để tăng giá các mặt hàng thiết yếu là không ổn với điều hành vĩ mô và làm tổn hại cho nền kinh tế, đi ngược lại kinh tế thị trường. Điều hành giá phải phụ thuộc mặt bằng giá để điều chỉnh”.

Hay như việc EVN tìm cách treo khoản lỗ lên 16.800 tỷ đồng để được tăng giá điện, trong khi đây là cách hành xử ngược đời, bởi theo TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khi được tin Bộ Công thương đồng ý tăng giá điện thì ông cho rằng, thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Bộ Công thương lại đang bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.

Nó không khác lắm so với sự cẩu thả trong việc chi tiêu ngân sách, yếu kém trong quản lý và sử dụng vốn vay ODA, cuối cùng, buộc mỗi người dân Việt Nam phải gánh nợ công lên gần con số 1.000 USD/ người.

Tìm cách tăng giá để bù đắp sự kém năng lực trong thực hiện một chính sách nào đó, có lẽ là một phương cách mà nhiều ban ngành, tổ chức nhà nước tại Việt Nam sẽ áp dụng đại trà trong thời gian tới, bởi nó cho thấy sự hợp lý trong bất hợp lý, và dù thế nào đi nữa, thì người dân vẫn phải chịu trận cho cách thức đầy sáng tạo này của các quan chức Việt Nam.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)